Trong cuộc sống có thiện duyên thì sẽ có ác duyên, nếu biết khiêm nhường hạ mình để hóa giải ác duyên thì những ác duyên trong đời sẽ giảm dần, cuộc sống sẽ tươi sáng hơn. Đối với việc hóa giải ác duyên này, có rất nhiều câu chuyện đáng suy ngẫm. Ở phương Tây, Chúa Jesus dạy rằng phải yêu thương kẻ thù của mình. Ở phương Đông, Đức Phật dạy rằng người tu hành không có kẻ thù. Với người xưa mà nói, dù rơi vào cảnh “tuyệt giao” thì người quân tử cũng không nói lời khó nghe, không vạch trần chỗ xấu xa của người khác, dù bị đối xử bất công thì người ấy cũng không lấy đó làm điều oán hận. Đây chính là tiêu chuẩn thiện lương của xã hội thời đó.

Người quân tử khi tuyệt giao sẽ không nói lời xấu xa
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

“Quân tử tuyệt giao, bất xuất ác thanh”, người quân tử khi tuyệt giao sẽ không nói lời xấu xa. Câu nói này có xuất xứ từ Chiến Quốc Sách.

Vào thời Chiến Quốc, Nhạc Nghị là một hiền sĩ có tài nhưng chưa tìm được nơi trọng dụng mình. Bấy giờ Yên là nước nhỏ, bị Tề tàn phá nặng nề. Yên Chiêu Vương bởi vậy khiêm tốn hạ mình, chiêu hiền đãi sĩ, cuối cùng có được Nhạc Nghị.

Nhạc Nghị bày mưu để Yên liên kết với Triệu, Sở, Hàn, Ngụy, lại cầm binh của 5 nước đại phá quân Tề. Sau đó ông dùng 5 năm thu lấy hơn 70 thành trì của Tề, khiến Tề chỉ còn co cụm trong 2 thành cố thủ.

Tuy nhiên khi đại kế chưa thành thì Yên Chiêu Vương qua đời, Yên Huệ Vương kế vị. Yên Huệ Vương không thích Nhạc Nghị, nước Tề lại dùng kế phản gian, vì thế Yên Huệ Vương đã tước binh quyền của Nhạc Nghị. Biết không thể ở lại, Nhạc Nghị rời đi, đến nước Triệu.

Quân Yên sau đó đại bại, mất hết hơn 70 thành trì thu được trước đó. Yên Huệ Vương hối hận, lại lo sợ Nhạc Nghị ở Triệu sẽ gây điều bất lợi cho mình, nên viết thư gọi Nhạc Nghị về, vừa có ý xin lỗi, vừa có ý trách cứ không nhớ tới ân tri ngộ của Yên Chiêu Vương.

Nhạc Nghị đọc thư, biết rằng Yên Huệ Vương có mấy tầng tâm ý. Một là muốn ông quay về giúp nước Yên. Hai là thử, nếu Nhạc Nghị có ý hận thì tìm cách để diệt trừ đi. Nhạc Nghị hiểu rằng Huệ Vương không như cha, có quay về cũng không thể giúp nước Yên được, nên viết một bức thư trả lời, trong đó có đoạn:

Mắc phải việc gièm pha, nhục nhã làm hỏng mất cái danh của tiên vương, đó điều thần rất sợ. Đã chịu cái tội không thể lường được, may mà thoát khỏi, nhưng thần mang nặng ân nghĩa của tiên vương, thần tuy ở nước ngoài mà lòng vẫn không rời bỏ nước Yên.

Thần nghe nói: “Quân tử tuyệt giao, bất xuất ác thanh; Trung thần khứ quốc, bất khiết kỳ danh”. Thần tuy bất tài cũng đã từng được học với người quân tử. Thần sợ những người hầu hạ thân cận với nhà vua, những người xung quanh nói, không xét cái cách cư xử của thần ở nơi xa xôi, nên mạo muội dâng thư cho nhà vua biết. Xin nhà vua lưu ý cho.

Kết quả là sau này Yên Huệ Vương không làm khó Nhạc Nghị nữa, còn cho con Nhạc Nghị nối chức cha. Nhạc Nghị sau đó vẫn qua lại giữa Yên và Triệu, làm khách khanh của cả hai nước rồi qua đời ở Triệu.

“Quân tử tuyệt giao, bất xuất ác thanh; Trung thần khứ quốc, bất khiết kỳ danh”, người quân tử dù tuyệt giao cũng sẽ không nói những lời xấu xa về người khác, người trung nghĩa dẫu vì điều không như ý mà rời khỏi nước nhà, cũng không giải thích cái lỗi của vua để làm sạch thanh danh của bản thân mình.

Người có phẩm chất cao quý đã phải suy ngẫm cân nhắc mới quyết định cắt đứt quan hệ với người khác. Người quân tử mà buộc phải tuyệt giao thì chắc chắn là có nguyên do từ lỗi lầm và nhân cách của đối phương, thậm chí rất có thể là bởi vì bị lợi dụng, bị hàm oan. Nhưng họ không bởi vì bản thân chịu thiệt mà ôm hận trong lòng. Họ vẫn sẽ giữ phong thái của một người có đức hạnh cao thượng.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc bạn bè chia tay, quan hệ đồng nghiệp không vui vẻ đã trở nên bình thường, bạn bè nhất thời không phục liền trở mặt thành thù cũng chẳng phải là lạ, chuyện “tuyệt giao” ngày nay quả thật là có quá nhiều. Người ta khi cắt đứt quan hệ sẽ to tiếng ầm ỹ, thậm chí động tay động chân, đến chết cũng không giao thiệp, kết quả này thật sự là đáng buồn.

Khi bảo vệ bản thân bằng quan niệm ích kỷ thì sẽ rất khó kiểm soát cảm xúc, sẽ dùng bạo lực và tiêu cực để đáp lại những sự công kích và lừa dối. Kết quả của việc này là đôi bên đều chịu tổn thương, ác duyên không được hóa giải, không chừng sẽ còn phải đối diện với cảnh trở mặt thành thù trong tương lai.

Tục ngữ có câu: “Oan oan tương báo hà thời liệu”, ác duyên không giải thì vĩnh viễn cũng sẽ không kết thúc được, đến cuối cùng vẫn là nguồn cơn khiến chính mình đau khổ. Thứ rắc rối nhất trong cuộc sống chính là tinh thần không được bình yên. Thiện đãi người khác cũng là thiện đãi chính mình. Rộng lượng, khiêm tốn nhường nhịn là tiền đề của việc hóa giải ác duyên. Người có phẩm đức cao quý thì trong lòng sẽ không có kẻ địch.

Tiểu Minh

Xem thêm:

Mời xem video: