Ngọc có tính ôn hòa, dễ khiến người ta yêu mến. Sắt mang tính kiên cường, trải qua nung luyện lại càng cứng rắn hơn. Người quân tử chân chính ôn nhu như ngọc mà lại bất động như sắt. Họ có tấm lòng rộng rãi có thể dung nạp trăm sông, lại cũng kiên định không dao động về chí hướng mà bản thân đã chọn.

Người quân tử nhu hoà bao dung như ngọc, kiên cường bất động như sắt
(Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Người quân tử nhu hoà, bao dung như ngọc

Trong “Quản Tử – Tâm Thuật” có câu “Tâm chi tại thể, quân chi vị dã”, nghĩa là tâm cảnh xác định một con người, là thứ quan trọng nhất, có thể ví như vua của sinh mệnh đó. Người có tâm cảnh rộng rãi, phẩm cách khoáng đạt thì dẫu gặp phải thuận cảnh hay nghịch cảnh cũng đều bình tâm, tĩnh tại. Con đường nhân sinh của người đó vì thế cũng luôn luôn rộng mở.

Danh sĩ Tô Đông Pha là một học giả nổi tiếng thời Tống, được mệnh danh là một trong tám đại văn hào của Trung Hoa thời cổ. Ông có tài văn thơ trác tuyệt, nhưng quan lộ lại gặp phải rất nhiều trắc trở. Tô Đông Pha vì phản đối các thay đổi trong chính sách mới nên nhiều lần bị trách phạt, giáng chức. Có lần, ông bị biếm tới đảo Hải Nam, thời đó có thể coi là mảnh đất tiêu điều, ô yên chướng khí.

Những người từng bị điều tới đảo Hải Nam đều sa sút tinh thần, nhưng Tô Đông Pha lại không nghĩ thế. Ông nhân cơ hội đó mà truyền đạo, chép sách trong căn nhà cỏ, dạy học, giáo dục con người, giúp mảnh đất Hải Nam xuất sinh vị tiến sỹ đầu tiên trong lịch sử. Ông đã biến cuộc hành trình không may của mình thành một kỳ tích.

Người quân tử không than thân trách phận, mà ngược lại còn trở thành người gieo hạt giống cho hoa nở khắp nơi, đi tới đâu thì mùa xuân đi theo tới đó. Họ có thể tuỳ cảnh mà an, không ngã lòng trước nghịch cảnh, lại có thể âm thầm tiếp nhận, lặng lẽ đổi thay.

Người quân tử như nước sâu thì tĩnh lặng, không ồn ào, phô trương, nhưng lại có thể âm thầm làm rất nhiều việc hữu ích. Dẫu tai kiếp lớn đến đâu cũng không thể khiến họ thoái chí nản lòng.

Khi Tô Đông Pha trở về, Chương Đôn, người năm xưa từng hãm hại ông, đã viết thư xin ông tha tội. Tô Đông Pha chỉ viết một câu: “Chuyện đã qua, nói nữa nào có ích chi.” Cuộc đời lưu lạc của Tô Đông Pha là do Chương Đôn gây nên, vậy mà ông có thể viết một câu nhẹ nhàng như vậy để gác lại chuyện cũ. Thậm chí ông còn quan tâm tới bệnh tình của Chương Đôn, khuyên Chương Đôn nên nghỉ ngơi dưỡng bệnh. Đây chính là người quân tử ôn hòa như ngọc, trong sự bình lặng đó là khí độ, là sự bao dung.

Chí hướng kiên cường, bất động như sắt

Khi còn nhỏ, dưới sự giáo dục của mẹ, Tô Đông Pha đã lập chí, muốn trở thành một người quân tử không sợ cường quyền, tạo phúc cho muôn dân. Chí hướng trong nội tâm ông chưa từng dao động trong suốt những năm tháng cuộc đời.

Thuở tráng niên, ông thuộc vào những người bảo vệ luật lệ cũ, dám mắng mỏ luật lệ mới, đối đầu với kẻ quyền cao chức trọng, là vì cách thực thi luật lệ mới can nhiễu tới nhân dân. Tới tuổi trung niên, khi luật lệ mới bị phế bỏ, ông vẫn không tát nước theo mưa, mà dám lên án cách thi hành luật lệ cũ, cũng là vì nó có điểm hại tới dân chúng.

Hoàng Châu, Huệ Châu, Đam Châu, thuỷ lợi, cứu nạn, dạy học, không việc nào ông không để tâm. Dẫu thân trong cảnh ngộ, ông vẫn truyền bá phương châm, sách lược của quốc gia. Dẫu rơi vào cõi trần ai, ông vẫn vì bách tính mà phó xuất.

Ông đãi người nhu hoà, không tranh giành hay phiền não. Khi bị kẻ say rượu đâm phải trên đường phố, ông cũng chỉ nói một câu: “Mừng thầm vì không bị người nhận ra”.

Từ đầu tới cuối, dẫu quan lộ trắc trở, Tô Đông Pha vẫn kiên định chí hướng của mình. Khó khăn đối với ông cũng chỉ như quá trình tôi rèn, nung luyện đối với sắt mà thôi. Người quân tử kiên cường, có những lý tưởng chẳng thể chà đạp, như câu Mạnh Tử nói: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, không bị cám dỗ bởi phú quý, không bị nghèo túng làm thay đổi, không bị khuất phục bởi quyền uy.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: