Nhìn lại lịch sử các kỳ thi khoa bảng trước đây, mỗi khoa thi có 3 kỳ thi là thi Hương, thi Hội và thi Đình. Các sĩ tử vượt qua thi Hương sẽ vào thi Hội, vượt qua thi Hội mới vào đến thi Đình. Sĩ tử đứng đầu thi Hương là đậu Giải nguyên, đứng đầu thi Hội là đậu Hội nguyên. Tại kỳ thi Đình, một sĩ tử vừa phải đỗ đầu, vừa phải đạt điểm tuyệt đối mới được xem là Trạng nguyên. Người đỗ đầu cả 3 kỳ thi Đình, thi Hương, thi Hội thì được gọi là Tam nguyên. Có những người không phải là Trạng nguyên, Bảng nhãn hay Thám hoa nhưng vẫn là Tam nguyên. Thật ra số lượng Tam nguyên trong lịch sử khoa bảng Việt Nam còn ít hơn cả Trạng nguyên. Vậy mà có một người lại là thầy của 2 vị Tam nguyên, thật là đã hiếm lại càng hiếm.

Vào đầu thế kỷ 19 ở xã Tam Đăng, tổng An Trung, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên tỉnh Nam Định) có người họ Phạm hay chữ, vào khoa thi đỗ kỳ thi Hương, đến thi Hội chỉ vượt qua nhị trường. Ông chọn làm thầy đồ chuyên dạy chữ cho trẻ em trong vùng.

Hoàng giáp Phạm Văn Nghị

Năm 1805, ông đồ có con trai, đặt tên cho là Phạm Văn Nghị. Lớn lên trong cảnh gia đình thanh bạch, trọng chữ nghĩa, Phạm Văn Nghị siêng năng từ nhỏ, đến năm 1826 đi thi và đỗ Tú tài.

Đến khoa thi năm 1837 thời vua Minh Mạng, Phạm Văn Nghị đi thi và vượt qua tứ trường kỳ thi Hội, vào đến thi Đình ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp).

Sau khi thi đỗ ông được bổ nhiệm làm Tu soạn viện Hàn lâm, rồi làm Tri phủ Lý Nhân. Ông làm quan thanh liêm, nghiêm cấm nha lại nhũng nhiễu của dân. Ở đây dân chúng kiện tụng nhau rất nhiều rồi kéo lên cửa quan, ông thường lấy điều nhân nghĩa để khuyên bảo dân chúng. Nhưng đường làm quan của Phạm Văn Nghị cũng trắc trở, có lúc bị giáng đến ba cấp.

Khi giữ chức ở Nam Định, Phạm Văn Nghị thường qua lại vùng Giao Thủy, Xuân Trường. Thấy nơi đây mất mùa, dân chúng đói khổ, ông vận động các hào phú và học trò đóng góp tiền và thóc, lập kho nghĩa thương cứu tế dân nghèo, hoặc cho dân vay vượt qua lúc túng quẫn. Bản thân ông cũng bỏ ra 1.000 quan tiền mua ruộng cho dân cày cấy gọi là nghĩa điền.

Năm 1845, Phạm Văn Nghị cáo bệnh về quê mở trường dạy học. Thấy đất ở gần cửa biển Đại Lâm bị bỏ hoang, ông chiêu mộ dân đến khai khẩn, lập ấp, đặt tên là trại Sĩ Lâm (nay là 3 xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Hùng, Nghĩa Hải thuộc huyện Nghĩa Hưng).

Người thầy của 2 vị Tam nguyên

Đến năm 1858, Triều đình lại cử Phạm Văn Nghị giữ chức Đốc học ở Nam Định, ông đào tạo nên rất nhiều nhân tài cho đất nước.

Trong mỗi khoa thi có 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, ai đỗ đầu cả 3 kỳ thi này được gọi là Tam nguyên. Lịch sử ghi nhận chỉ có 5 vị Tam nguyên là Trạng nguyên Đào Sư Tích thời nhà Trần; Bảng nhãn Lê Quý Đôn thời nhà Lê; Hoàng giáp Trần Bích San, Hoàng giáp Nguyễn Khuyến, Thám hoa Phạm Hàm thời nhà Nguyễn.

Trong 5 vị Tam nguyên này thì học trò của của Phạm Văn Nghị có đến 2 người là Trần Bích San và Nguyễn Khuyến.

Theo giai thoại truyền lại từ các học trò, vào buổi học cuối trước khoa thi năm 1864, Phạm Văn Nghị nói khoa này Yên Đổ (chỉ Nguyễn Thắng sau này đổi tên là Nguyễn Khuyến) lấy cho thầy thủ khoa trường Hà (tức Hà Nam), còn anh Vị Xuyên (chỉ Trần Bích San) lấy cho thầy thủ khoa trường Nam (tức Nam Định) rồi sau đấy lấy luôn ngôi vị Tam nguyên.

Sau buổi Nguyễn Thắng không vui vì thầy cho rằng mình chỉ đỗ thi Hương. Nhưng quả nhiên khoa thi năm đó cả Nguyễn Thắng và Bích San cùng đỗ thủ khoa 2 trường kỳ thi Hương. Về Kinh dự thi Hội thì Nguyễn Khuyến không đỗ, còn Bích San liên tiếp đỗ đầu thi Hội và thi Đình, trở thành Tam nguyên nổi tiếng.

Nguyễn Thắng không đỗ cũng do gia cảnh túng quẫn khiến ông phải chạy vạy lo toan cuộc sống, không tập trung vào việc học nên không đỗ. Sau đó ông đổi tên thành Nguyễn Khuyến (勸), đặt công phu vào chữ lực (力), nhờ đó mà đến khoa thi năm 1871 ông đỗ đầu cả kỳ thi Hội và thi Đình. Từ đó dân chúng gọi ông là Tam nguyên Yên Đổ (Yên Đổ là làng quê nội của ông).

Khi các học trò kéo đến thăm thầy, Phạm Văn Nghị giải thích rằng: “Văn thơ của Vị Xuyên (Bích San) hàm súc nghiêm mật, còn của Yên Đổ (Nguyễn Khuyến) thì tài hoa phóng khoáng, mỗi người một vẻ nhưng văn cử nghiệp cần nghiêm mật, vì thế mà Vị Xuyên đỗ sớm hơn Yên Đổ”.

Ngoài hai vị Tam Nguyên, Phạm Văn Nghị còn đào tạo nên lứa học trò sẵn sàng xả thân vì nước trong thời kỳ Pháp thuộc như: Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu, Phó bảng Đặng Ngọc Cầu, Phó bảng Lã Xuân Oai, Tiến sĩ Tống Duy Tân, Thủ khoa Nguyễn Cao, Đại thần Cơ mật viện Phạm Thận Duật…

Tam nguyên
Tống Duy Tân trong phẩm phục tiến sĩ tân khoa năm 1875. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, Public Domain)

Nhiều người trong số các học trò của ông đã xếp bút nghiên, lãnh đạo dân chúng chống Pháp.

Cùng lứa học trò quyết tâm chống Pháp

Năm 1858, liên quân Pháp, Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng. Hay tin, Phạm Văn Nghị giao công việc lại cho bạn đồng khoa là tiến sĩ Doãn Khuê, dâng lên Vua “Trà Sơn kháng sớ”, rồi cùng các sĩ phu ở Nam Định và học trò lập đội quân nghĩa dũng được 365 người rồi xin Vua cho đến Đà Nẵng đánh Pháp.

Nhưng khi đội quân nghĩa dũng này đến Huế thì hay tin quân Pháp đã rời khỏi Đà Nẵng. Vua Tự Đức cũng thay đổi không cho đội nghĩa dũng đến Đà Nẵng nữa, chỉ khen ngợi tinh thần chống ngoại xâm. Sự kiện này ảnh hưởng rất lớn đến giới sĩ phu 3 miền, trở thành tấm gương chống Pháp sau này.

Lúc này có đám thổ phỉ từ Trung Quốc sang quấy nhiễu, Phạm Văn Nghị cùng số quân nghĩa dũng này đánh lui đám thổ phỉ vỗ yên dân chúng. Triều đình thăng ông làm Hàn Lâm viện Thị giảng học sĩ, nhưng vì có bệnh nên ông xin từ chối.

Năm 1866, Phạm Văn Nghị được sung chức Thương biện, đóng quân ở Hà Cát để trông coi vùng biển. Năm 1873, Triều đình thăng ông làm Thị độc học sĩ, ban cho thẻ bài bằng vàng.

Tháng 11/1873, Pháp nổ súng đánh chiếm Hà Nội rồi lan sang các tỉnh khác, tiến đánh Nam Định. Phạm Văn Nghị dù 68 tuổi vẫn tổ chức dân binh chặn Pháp ở ngã ba Độc Bộ. Nhưng do ít người vũ khí thô sơ nên không thể chặn được quân Pháp, ông cho quân rút đến căn cứ ở Yên Hàn (Ý Yên).

Hoàng Kế Viêm
Quân Pháp tấn công thành Hà Nội. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Đến năm 1874, Triều đình Huế ký với Pháp Hiệp ước 1874, trong đó nhà Nguyễn trao toàn bộ Nam kỳ cho Pháp, Phạm Văn Nghị buồn bực viện cớ tuổi cao xin nghỉ dưỡng lão. Ông sống đạm bạc ở động Hoa Lư, Ninh Bình, lấy hiệu là “Liên Hoa Động chủ”.

Học trò của ông đều là các sĩ phu danh tiếng lúc đó lãnh đạo dân chúng chống Pháp như Tiến sĩ Tống Duy Tân thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh; Phó bảng Lã Xuân Oai cung cấp vũ khí cho các cuộc khỏi nghĩa chống Pháp; danh tướng Nguyễn Cao, v.v…

Năm 1884, Phạm Văn Nghị mất do tuổi cao sức yếu. Người dân nhớ ơn công đức của ông đã lập đền thờ ở Sĩ Lâm và ở Tam Đăng. Hàng năm lễ hội tưởng niệm được tổ chức tại Sĩ Lâm (xã Nghĩa Lâm) vào ngày 14, 15 tháng giêng âm lịch, và tại Tam Đăng vào ngày 12 tháng 12 âm lịch.

Tam nguyên
Bên trong và ngoài đền thờ Phạm Văn Nghị. (Ảnh: Ngokhong, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Tại Đền thờ ông ở làng Sĩ Lâm Đông (thuộc Sĩ Lâm xưa kia) có đôi câu đối:

Nhất ấp quy mô giang hải đại,
Đa công ăn trạch đẩu sơn cao.

Diễn nghĩa:

Quy mô của một ấp lớn như sông biển,
Công ơn của ông cao như núi như sao bắc đẩu.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: