Nước Việt ta có một lịch sử không mấy an bình, triều đại nào cũng có chuyện binh đao, vậy nên người Việt xưa có truyền thống trọng võ. Mặc dù vậy, việc thi võ ra đời muộn hơn thi văn rất nhiều.

Nhiều triều đại đều chỉ thấy nói đến huấn luyện quân sĩ, đặt sở mộ lính chọn người có sức khỏe sung vào quân đội, nhưng chưa thấy quy định hẳn việc thi võ. Mãi đến niên hiệu Bảo Thái năm thứ tư (1723) đời vua Dụ Tôn nhà Lê Trung Hưng mới chuẩn định phép thi võ.

Bấy giờ lệ định cứ ba năm một kỳ: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thi khoa bác cử. Còn các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu thi khoa sở cử. Phàm những lính ngoài, các thuộc viên, võ sinh và người tài giỏi trong nước cùng là những quân lính có học đều được vào thi.

Người Việt xưa thi võ như thế nào?
Tranh dân gian “Tiến sĩ xuất thân, Tạo sĩ hiển hồi”, Tạo sĩ là người thi đỗ võ, Tiến sĩ là người thi đỗ văn. (Public Domain)

Phép thi võ bắt đầu không phải bằng việc khảo thí võ nghệ, mà bằng việc hỏi qua đại nghĩa 13 thiên sách của Tôn Tử, người nào có thể thông qua mới được phép vào khảo sát, so sánh trong các hạng mục: cầm giáo cưỡi ngựa phi múa; múa gươm, múa mộc; và múa đao. Bấy giờ người nào vượt qua thì gọi là sinh viên, con cháu các quan dự trúng thì là biền sinh.

Những người đó lại tiếp tục được hỏi về phương lược mưu kế đánh giặc, trúng luôn là học sĩ, con cháu các quan là biền sinh thức. Học sĩ và biền sinh thức được dự vào thuộc viên chầu trực và được phép vào thi trường võ cử.

Trường võ cử chia ra:

  • Đệ nhất trường – hỏi qua ý nghĩa trong 7 quyển võ lược.
  • Đệ nhị trường – thi bắn và các môn võ nghệ.
  • Đệ tam trường – hỏi qua một bài văn sách người nào trúng cả ba trường gọi là trúng cách được vào thi đình.

Đỗ đình thì gọi là Tạo sĩ cho lục dụng, cũng như Tiến sĩ bên văn. Đỗ tam trường mà được lựa chọn lấy, cũng được đồng dụng. Những quân lính trong ngoài ai đỗ bác cử đều có thưởng và thăng trật.

Để rõ hơn về nội dung thi võ nghệ, có thể xem xét phép thi bác cử niên hiệu Vĩnh Khánh năm thứ ba (1731):

  • Đệ nhất trường – Phỏng theo thi của người Trung Quốc như: kéo dây cung, múa đao, đều chia làm hai bậc: cung dùng 55, 45 cân, dây cung tất phải kéo cho đẫy khấc; đao thì dùng thứ nặng 30, 27 cân, đao tất phải múa tròn như hoa, hai hạng đều giỏi là trúng.
  • Đệ nhị trường – Dùng cả phép của Trung Quốc và của ta, so sánh đao, gươm, cưỡi ngựa cầm giáo, bắn cung; cưỡi ngựa quanh ba vòng bắn bia: cách nhau 100 bước, dong ngựa cho chạy nhanh bắn ba phát tên, trúng được hai là hạng ưu, trúng một cũng lấy; đi bộ bắn bia: cách 80 bước, bắn năm phát tên, được kiểng đánh luôn 8,9 tiếng là hạng ưu, 6, 7 tiếng là hạng thứ, 4, 5 tiếng là hạng thứ nữa; lại phải múa đao múa mộc, múa gươm trường, sau đánh gươm, đánh mộc, đánh giáo. Theo tài bắn, võ nghệ sảo thông mà phân hơn kém.
  • Đệ tam trường – Hỏi một đạo văn sách, đầu bài hỏi qua trong 7 quyển võ kinh để xem học lực, hỏi kỹ mưu kế để xem tài năng.

Tất nhiên, qua các triều đại thì các loại vũ khí cũng thay đổi. Sau này bắn súng cũng được lựa chọn để thi võ.

Việc thi võ cũng có các chế định nghiêm ngặt dành cho những kẻ muốn gian lận:

  • Ngày thi văn sách thí sinh nào mượn người làm bài, hay vào trường đem bài cũ, bắt tội đi đầy.
  • Quan trường ngoài việc nghiêm xét trường thì nếu gặp người thân nhân của mình ứng thí không được tranh, bàn đến sự hơn kém, trái lệnh phải bãi phạt, nếu thiên vị, điên đảo, không minh sẽ bị biếm bãi.

Sau này, ngoài việc yêu cầu võ nghệ ưu việt, thời Minh Mạng còn yêu cầu thêm văn lý, hỏi một bài đại nghĩa trong võ kinh, điều cốt yếu về phép dùng binh của các danh tướng, rồi những điều thời sự. Người được chọn phải là người có văn ý hơn hẳn quần hùng.

Sau khoa võ Mậu Dần (1878), ở Hà Nội chỉ còn có một khoa võ hương thi năm Kỷ Mão (1879). Còn lại ở cố đô Huế thì vẫn còn hai khoa thi hội về ngạch võ. Cuối cùng, khi đất nước đứng trước nguy cơ bị Pháp xâm lược, triều đình rối ren, thì việc thi võ cũng không còn được tổ chức nữa.

Quang Minh

Tham khảo Lược khảo binh chế Việt Nam qua các thời đại, NXB Ngày Mai, 1950.

Xem thêm:

Mời xem video: