Trong cõi thế gian này, có người khi phải lựa chọn thủ giữ lương tâm hay phục tùng điều sai trái thì nhát gan sợ hãi mà thuận theo điều xấu; có người lại phóng khoáng tự nhiên, dũng cảm bảo hộ lương tri, chống lại cái sai cái ác. Sở dĩ có sự khác biệt ấy là bởi vì người ta có cái tâm vô tư vô ngã hay không.

Người vô tư thì tâm không sợ hãi
(Ảnh minh họa: Gyn9037, Shutterstock)

Người quân tử thời xưa đều có một đặc điểm chung là vô tư chính trực. Bởi vì vô tư chính trực, không vụ lợi, nên họ không sợ sệt. Bởi vì nội tâm vô tư nên họ sống đường đường chính chính, quang minh lỗi lạc. Cũng bởi vì tấm lòng thản đãng nên thế giới của họ rộng lớn, có thể nói hết mọi điều với người khác, đồng thời thản nhiên đối mặt với mọi hoàn cảnh. Một người không có tư tâm, không có tham niệm, không tính toán được mất cá nhân thì trong tâm không có chút sợ hãi nào.

Trong cuộc sống hiện thực, nhiều người không muốn đánh mất quyền lợi của mình, sợ bị mất mát khi đứng trước lựa chọn giữa lợi ích và lương tâm, vì vậy họ đã khuất phục trước cái ác. Người chân chính vô tư sẽ không vì lợi ích mà bán đứng lương tâm của mình, do đó dù ở bất kể thời điểm nào họ cũng không sợ hãi cái ác. Tấm lòng vô tư, không vụ lợi, không sợ hãi là thể hiện của sự cao thượng.

Bao Chửng thời nhà Tống là điển hình cho tấm gương thanh liêm cương trực, không khuất tất trong lòng, không sợ hãi trong tâm. Có được những phẩm chất ấy là bởi vì Bao Chửng có thể vô tư vô ngã, không vụ lợi mà chấp pháp.

“Tống sử” chép rằng: Con người thế gian thấy được tiếng cười của Bao Chửng thì khó như thấy nước sông Hoàng Hà biến thành trong vắt. Thanh danh của ông vang khắp nơi, từ trẻ con đến người già đều biết. Ông chấp pháp cương chính nghiêm minh khiến cho mọi người đều kính nể.

Sử sách ghi lại rằng Bao Chửng là người Hợp Phì, Lư Châu. Lúc trẻ, ông vì hiếu kính cha mẹ nên từ quan không làm. Sau khi cha mẹ qua đời, Bao Chửng giữ đạo hiếu một thời gian lâu rồi mới ra làm quan. Trong suốt thời gian làm quan, Bao Chửng xử án như Thần, thanh liêm chính trực, không thiên vị, không vì tình riêng mà làm việc trái pháp luật.

Khi Bao Chửng làm quan giám sát ngự sử, ông đã thỉnh cầu triều đình bãi bỏ tất cả những ân sủng không chính đáng cho quan lại. Ông còn thường xuyên dâng tấu lên Hoàng đế, kiến nghị Hoàng đế cho bắt và xét xử những vị quan lại lộng quyền, ức hiếp dân chúng, lấy đó làm gương cho người khác. Không chỉ vậy, Bao Chửng còn khuyến nghị Hoàng đế phải sáng suốt lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các hạ thần, phân biệt rõ người kết bè kết phái, quý trọng người tài đức, không nên cố chấp…

Sau khi đảm nhận chức Phủ doãn phủ Khai Phong, Bao Chửng đã hủy bỏ quy định “Mọi cáo trạng không được trực tiếp gửi đến quan thự”. Thay vào đó Bao Chửng cho mở cửa chính của quan phủ để người khiếu nại có thể trực tiếp đến gặp ông phân trần đúng sai, đồng thời để cấp dưới không dám lừa dối cấp trên.

Thời ấy, một số quan viên trong triều và một số gia đình quý tộc đã tự ý xây dựng các lâm viên lầu gác, xâm chiếm lòng sông Huệ Dân, làm cho con sông bị tắc nghẽn. Khi kinh thành bị ngập lụt, Bao Chửng không e sợ trước quyền thế mà kiên quyết cho phá bỏ tất cả các lâm viên lầu gác ấy. Đồng thời, ông cũng cho người nạo vét lòng sông để khai thông dòng chảy. Có người còn khai man đất vườn của gia đình bằng sổ giả, Bao Chửng đã kiểm tra nghiêm ngặt, sau khi biết được đó là giả, ông lập tức thượng tấu lên trên. Chính sự nghiêm khắc của Bao Chửng đã khiến cho một số hoàng thân quốc thích và quan lại lạm dụng quyền lực phải e dè, bớt phóng túng. 

Sau khi Bao Chửng được thăng lên làm Gián nghị đại phu, quyền Ngự sử trung thừa, ông đã lần lượt luận tội các trọng thần triều đình như Tống Kỳ, Trương Phương Bình, Trương Khả Cửu. Ngay cả quốc trượng Trương Nghiêu Tá là cha đẻ của Trương quý phi được vua Tống Nhân Tông rất sủng ái cũng bị Bao Chửng nhiều lần buộc tội, cuối cùng bị mất chức.

Khi đánh giá về Bao Chửng, nhà văn đời Tống, Âu Dương Tu, đã dành cho ông những lời bình luận: “Thuở nhỏ hiếu thuận, tiếng thơm khắp xóm làng, cuối đời chính trực, lưu danh khắp triều đình”.

Trong suốt cuộc đời của mình, Bao Chửng không bao giờ dùng lời nói và sắc mặt để làm vui lòng người khác. Tuy rằng Bao Chửng quyền cao chức trọng nhưng ông sống rất giản dị, những vật dụng mà ông dùng cũng như việc ăn uống đều giống như một người dân thường. Chính tấm lòng thiết diện vô tư, không vụ lợi đã khiến ông không e sợ trước quyền thế, vật chất, từ đó mà phụng sự triều đình, làm lợi cho dân chúng. Đó cũng là điều khiến người đời sau ngưỡng mộ và kính trọng ông, danh tiếng được lưu giữ muôn đời.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: