Người xưa giảng: “Con gái dưỡng khí chất, con trai dưỡng chí khí”, con gái cần được nuôi dạy thành người phụ nữ có khí chất, còn con trai cần được hun đúc thành người đàn ông có tiết tháo. Có tiết tháo thì mới có thể đảm đương được trọng trách lớn lao, không sợ quyền thế, không vì phú quý mà thay lòng. Đây chính là phẩm hạnh vô cùng quan trọng của con người trong xã hội.

Vương Nghĩa Phương là một vị quan sống vào triều đại nhà Đường. Ông sinh ra trong gia đình nghèo khó, mồ côi cha từ sớm, sống với mẹ. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã là người con hiếu thảo, phụng dưỡng mẹ vô cùng chu đáo và cung kính. Dưới sự dạy bảo của mẹ, Nghĩa Phương thông hiểu kinh sách, có tri thức phong phú uyên bác.

Mẹ Nghĩa Phương thường hun đúc khí tiết cho con, dạy con không sợ quyền thế, cũng không vì phú quý mà đánh mất nhân phẩm của mình. Đến khi làm quan, Nghĩa Phương vẫn kiên trì hành xử theo đúng lời dạy bảo.

Người xưa dạy con trai: Không sợ quyền thế và phú quý
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Tể tướng triều Đường lúc đó là Ngụy Trưng rất coi trọng tài hoa và đức hạnh của Nghĩa Phương, bởi bản thân Tể tướng cũng là một vị quan can gián hoàng đế nổi tiếng. Tể tướng có một cô cháu gái xinh đẹp, đức hạnh đã đến tuổi lấy chồng, muốn gả cho Nghĩa Phương, bèn đánh tiếng tới. Không ngờ Nghĩa Phương từ chối khéo việc hôn sự.

Một thời gian sau, Tể tướng mắc bệnh nặng qua đời. Không ngờ Nghĩa Phương lại xin phép mẹ, rồi đến nhà cháu Ngụy Trưng xin được cưới hỏi cô gái về làm vợ. Nhà gái vốn đã tán đồng từ trước nên đương nhiên chấp thuận chuyện hôn sự này.

Khi Ngụy Trưng còn quyền cao chức trọng thì từ chối hôn sự, khi Ngụy Trưng qua đời lại chủ động tới xin cưới. Chuyện này khiến mọi người, ai nấy đều bàn tán. Khi có người thắc mắc, Nghĩa Phương giải thích rằng: “Ta trước kia cự tuyệt hôn sự là bởi vì Ngụy Trưng quyền cao chức trọng, ta không muốn dựa vào quyền quý của ông mà được nâng đỡ. Hiện giờ Ngụy Trưng qua đời, ta muốn thực hiện nguyện vọng khi còn sống của ông ấy để đền đáp ơn tri ngộ”.

Câu chuyện của Nghĩa Phương khiến mọi người đều kính phục thái độ làm người chính trực, không bị quyền quý mê hoặc của ông.

Về sau, Nghĩa Phương gặp phải một việc khó khi làm quan. Ông biết được chuyện Lý Nghĩa Phủ cưỡng bức con gái nhà lành, khiến cô gái phải thắt cổ tự tử. Bấy giờ Lý Nghĩa Phủ là kẻ nắm triều chính, hãm hại trung lương, mua quan bán tước, không ai dám tố giác ông ta. Nghĩa Phương làm quan Ngự sử, nhìn thấy gian thần hoành hành thì lòng rất đau khổ, lại e sợ tố giác thì liên lụy đến mẹ già.

Tuy nhiên, mẹ Nghĩa Phương vẫn dạy bảo và khích lệ con làm đúng theo lương tri. Dưới sự khích lệ của mẹ, Nghĩa Phương đã dũng cảm lên tiếng tố giác. Chuyện này khiến Nghĩa Phương bị giáng chức đi xa, cuối đời ông chuyên tâm dạy học.

Mặc dù cuộc đời làm quan không được thông thuận, cả đời làm quan không cao, nhưng Vương Nghĩa Phương lại được lưu danh quốc sử. Trong “Cựu Đường Thư”, “Tân Đường Thư” “Tư Trị Thông giám” của Tư Mã Quang đều có ghi chép về ông. Đạo đức cao thượng và sự kiên định của hai mẹ con ông là tấm gương cho sự kiên trì chính nghĩa, không vì quyền thế phú quý mà bị khuất phục.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: