Ở phương Đông cổ đại, từng có thời điểm rất nhiều gia đình sinh sống theo hình thức gia tộc quần tụ, thậm chí “tứ đại đồng đường”, “ngũ đại đồng đường”. Nhiều người như vậy sinh sống cùng nhau thực sự không phải là một việc đơn giản, lại càng không phải là một việc dễ dàng. Người xưa có thể sống hòa thuận cùng nhau như vậy hoàn toàn là nhờ vào “hiếu đễ”. “Hiếu” thì có lẽ mọi người đều biết, nhưng “đễ” có nghĩa là gì?

Người xưa giảng "hiếu đễ", vậy "đễ" là gì?
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Chữ “Đễ” (“悌”, kính nhường) được tạo thành bởi chữ “Tâm” (心 – trái tim, tấm lòng) và chữ “Đệ” (弟 – em trai). Chữ “tâm” đứng bên cạnh chữ “đệ” biểu thị ý nghĩa rằng, anh trai quan tâm, chăm nom cho em trai, em gái. Trong tim người anh có người em, chính là sự yêu thương chân thành giữa anh và em.

“Hiếu đễ” là cội nguồn của “nhân nghĩa”. “Hiếu” là báo đáp tình yêu thương, lòng tôn kính đối với cha mẹ. “Đễ” là chỉ tình yêu thương, tình cảm thân thiết giữa anh chị em, cũng bao hàm cả tình cảm giữa bạn bè. Anh em trai, chị em dâu phải hòa thuận. Anh cả yêu thương em trai, em gái giống như bảo vệ chính đứa con của mình. Em trai, em gái kính trọng anh cả tựa như cha mẹ. Cũng chính vì vậy mà người xưa giảng: “Có cha thì nghe theo cha, không có cha thì nghe theo anh trai.”

Ngạn ngữ cổ cũng có câu: “Anh cả như người cha, chị dâu cả như người mẹ.” Bao Chửng là vị quan nổi tiếng vào thời nhà Tống, từ nhỏ đã được anh trai và chị dâu nuôi dưỡng. Hơn nữa, khi còn bé, Bao Chửng nhờ sữa chị dâu mà lớn lên. Cho nên, về sau này, Bao Chửng luôn đối đãi và báo đáp chị dâu mình giống như đối với mẹ vậy.

Khổng Tử vô cùng coi trọng “hiếu đễ”. Ông cho rằng “hiếu đễ” là cái gốc của làm người và học tập tri thức. Thời cổ đại, các gia đình sinh sống cùng nhau theo hình thức đại gia tộc, có thể sống hòa thuận là dựa vào “hiếu đễ”.

Cổ nhân dạy: “Huynh đệ hòa mục gia bất tán, Trục lí hòa khí thuận khí hoàn. Thê hiền hà sầu gia bất phú, Tử hiếu hà tu phụ hướng tiền”, ý nói rằng: Anh em hòa thuận thì gia đình không bị tiêu tan. Chị em dâu hòa thuận thì không khí gia đình dễ chịu. Gia đình có vợ hiền thì lo gì không giàu có. Con cái hiếu thảo thì cha mẹ đâu phải ngẫm lại mình.

Có một câu chuyện về “đễ đạo” thế này. Xưa có một người đàn ông họ Chu vô cùng hiếu thảo. Ông sớm mồ côi cha, sau này lớn lên, rất hiếu thảo với người mẹ của mình. Trong phạm vi một trăm dặm, mọi người ai ai cũng đều gọi ông họ ta là “Chu đại hiếu tử”, bởi vậy mà ông họ ta vô cùng đắc ý.

Một lần, Chu hiếu tử cùng người khác nói chuyện, liền cao giọng: “Làm người mà không hiếu thuận thì chính là uổng phí, đáng hổ thẹn.”

Một người cháu của Chu hiếu tử hầu chuyện nghe thấy, không nhịn được bèn nói: “Dượng à, dượng cũng chỉ được tám chín phần hiếu thuận mà thôi.”

Chu hiếu tử nghe xong, trong lòng không vui, sa sầm nét mặt.

Người cháu lại nói: “Anh rể và cháu trai của dượng vì làm thổ phỉ mà bị quan bắt vào tù, để lại người chị đã cao tuổi của dượng ở nhà một mình sinh sống. Nhưng người chị lại bị hàng xóm coi thường, bất đắc dĩ đành phải đến nương tựa dượng. Chị dượng sinh hoạt giống người hầu, ở phòng trống, ăn cơm thừa, làm công việc của đầy tớ. Con đã tận mắt thấy hai lần chị và mẹ của dượng ôm nhau ở trong phòng khóc nức nở. Đễ đạo không làm tốt, tổn thương đến tâm can của mẹ. Đây chính là không hiếu thuận.”

Chu hiếu tử nghe xong những lời này, nước mắt trào ra, rồi ông cung kính hành lễ cảm tạ người cháu.

Bởi vậy, người xưa đặt “hiếu”“đễ” ở cạnh nhau, mất đi một chữ thì không làm tròn được chữ còn lại.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: