Trong cuộc sống hàng ngày, trong phim ảnh hay các tác phẩm văn học, khi gặp tình huống vô cùng nguy cấp người ta thường dùng câu nói “Ngàn cân treo sợi tóc” để hình dung. Vậy câu nói này có nguồn gốc xuất xứ như thế nào?

Nguồn gốc của cách nói "Ngàn cân treo sợi tóc"
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Nguyên gốc của câu thành ngữ cổ: “Ngàn cân treo sợi tóc” là “Nhất phát thiên quân”. Thời cổ đại, “Quân” là đơn vị đo trọng lượng, bằng khoảng 30 cân ngày nay. “Nhất phát thiên quân” nghĩa là một sợi tóc treo một vật nặng cả ngàn quân. Từ cách nói này có thể hình dung ra tình cảnh cực kỳ nguy hiểm hoặc một tình thế vô cùng nguy cấp.

Liên quan đến xuất xứ của câu thành ngữ cổ này, có một điển cố được ghi chép trong cuốn “Hán thư. Mai Thặng truyện” của tác giả Ban Cố như sau.

Năm 151 TCN, Hán Cảnh Đế Lưu Khải lên ngôi Vua nhà Hán. Năm thứ 3, Ngô Vương Lưu Tị bởi vì bất mãn với việc triều đình tước giảm phong đất cho các chư hầu vương nên đã liên hợp với chư hầu vương Ngô, Sở, Triệu, Giao đông, Giao tây, Tế Nam, Tri châu… nổi binh làm phản. Đây chính là sự việc “Bát vương chi loạn” mà trong lịch sử có nói đến.

Lúc bấy giờ Mai Thặng, nhà văn nổi tiếng Thời Tây Hán, đang giữ chức Lang trung dưới trướng của Ngô Vương Lưu Tị đã ra sức phản đối Lưu Tị làm phản. Ông cũng dùng lời lẽ và hành động để can ngăn Lưu Tị. Ông dâng lên Lưu Tị một bức thư “Gián Ngô Vương thư”, trong thư dùng cách ví dụ, ngầm khuyên Lưu Tị không nên mạo hiểm.

Mai Thặng nói rằng: Tình thế nguy cấp giống như một vật nặng cả ngàn quân treo trên sợi dây lơ lửng trong không trung, phía trên thì cao không nhìn thấu, phía dưới là vực sâu vô cùng nguy hiểm. Loại tình cảnh này đến kẻ ngu xuẩn cũng biết là rất nguy hiểm. Trong lúc sinh tử tồn vong nguy cấp, nếu như ngài nghe lời nói thẳng thì có thể chuyển nguy thành an.

Nhưng Ngô Vương Lưu Tị không những không nghe lời khuyên can của Mai Thặng mà còn một mực ngấm ngầm chiêu binh mãi mã, chờ đợi thời cơ nổi loạn. Lời can gián không được tiếp nhận khiến Mai Thặng vô cùng thất vọng, ông bèn rời quê hương sang nước Lương làm môn khách của Lương Hiếu Vương.

Về sau, Ngô Vương đã tụ tập được lực lượng 6 nước chư hầu cùng làm phản. Nhưng do việc làm không được lòng dân nên cuối cùng đã bị thất bại. Đúng như Mai Thặng dự đoán, “Bát vương chi loạn” nhanh chóng bị dẹp tan.

Từ đó câu nói Mai Thặng khuyên can Ngô Vương Lưu Bì trở thành thành ngữ “Nhất phát thiên quân” (Ngàn cân treo sợi tóc). Thành ngữ này cũng được người đời sau gọi là “Thiên quân nhất phát”.

“Ngàn cân treo sợi tóc” không chỉ là câu nói để miêu tả hoàn cảnh một người gặp phải mà nó còn là câu nói người xưa dùng để cảnh tỉnh một người nào đó. Cổ ngữ nói: “Nhân thân nan đắc” (thân người khó được), ý chỉ sinh mạng của con người là quý giá nhất. Khi một người đang bị mê lạc bởi danh lợi, vật chất mà đánh mất lương tâm, bản chất lương thiện của mình thì cũng chính là đang khiến sinh mạng của mình rơi vào cảnh nguy hiểm. Khi người ấy càng bị lún sâu vào danh lợi vật chất mà không điều ác nào không làm, thì sinh mệnh chính là đã rơi vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Một người sáng suốt, có trí tuệ thâm sâu chính là người biết được ranh giới, biết được điểm dừng để bản thân không rơi vào cảnh nguy cấp ấy.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: