Những người phụ nữ thời xưa có thể không biết chữ, nhưng phải hiểu rất rõ về “tứ đức”. Chỉ cần như vậy thì đã được khẳng định là một phụ nữ có giáo dưỡng tốt. Tiêu chuẩn này từng là nền tảng của trật tự xã hội thời xưa và đến ngày nay nó bị cho là lạc hậu. Tuy nhiên bên trong tiêu chuẩn ấy vẫn có những điều thật sự đáng suy ngẫm, làm nên giá trị của người phụ nữ xưa, và cũng là những điều mà con người hiện đại không hiểu rõ.

Tiêu chuẩn “tứ đức” của người phụ nữ thời cổ
(Tranh minh họa: Tranh trên bình phong thế kỷ 18, Lark Mason Associates, Public Domain)

Ở phương Đông thời xưa, tiêu chuẩn của Nho giáo được cho là quy phạm đạo đức của xã hội. Nho giáo cho rằng mỗi gia đình đều được êm ấm hạnh phúc thì quốc gia mới thái bình, yên ổn. Trong “Lễ ký” có chép rằng: “Nếu trong một nhà mà mọi người đều nhân hậu, lần ra cả nước đều nhân hậu. Nếu trong một nhà mà mọi người đều lễ nhượng thì lần ra cả nước đều lễ nhượng. Một người mà tham lam, trái ngược, lần ra cả nước đều rối loạn. Cái cơ là như vậy đó. Bởi đó, người xưa có truyền lại rằng: Một lời làm hại cả công việc, một người làm yên cả nước”.

Để một gia đình êm ấm hòa thuận thì hôn nhân là rất quan trọng và đưa ra tiêu chuẩn cho cả nam và nữ trong hôn nhân. Đối với người phụ nữ, “Lễ ký” đưa ra tiêu chuẩn là: phụ đức, phụ ngôn, phụ dung, phụ công.

Đến thời Đông Hán có một người phụ nữ rất nổi tiếng là Ban Chiêu. Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống học vấn uyên thâm. Cha bà là Ban Bưu, đại văn hào thời Đông Hán, anh trai cả Ban Cố là người biên soạn sách Tiền Hán thư. Sinh thời, nữ sử gia Ban Chiêu thường được truyền vào Hoàng cung dạy kinh sử cho Hoàng hậu, Quý phi, hay cung nhân, và được gọi là Lão Sư. Thời Thái hậu nhiếp chính, bà còn được cùng Thái hậu bàn luận chính sự.

Năm 70 tuổi, Ban Chiêu soạn ra một bộ quy phạm lễ giáo hoàn chỉnh dành cho phụ nữ gọi là “Nữ giới” (Tạm dịch: Những quy phạm đạo đức dành cho người phụ nữ). Trong cuốn sách này, bà đề cao “Tứ đức chi nghi” của Lễ ký. “Nữ giới” trở thành kiệt tác, “sách gối đầu giường” hàng nghìn năm để giáo dục phụ nữ, là một trong “nữ tứ thư” nổi tiếng lịch sử. Tứ đức cũng nhờ vậy mà trở thành chuẩn mực của người phụ nữ xưa.

Trong tứ đức thì “phụ đức” ý chỉ đức hạnh nên sau này “phụ đức” còn được gọi là “phụ hạnh”. Và tứ đức được đọc thuận là “công dung ngôn hạnh”.

“Công” với ý nghĩa phụ nữ phải biết việc nữ công như nấu ăn, may vá, dọn nhà cửa… Với những người phụ nữ giỏi, hay người mà gia đình có người làm thì có tiêu chuẩn cao hơn là “cầm kỳ thi họa”.

Trong bài “Gia huấn ca” nói về đạo nghĩa làm người có nói đến chữ “công” trong “công dung ngôn hạnh” như sau:

Vá may giữ nếp đàn bà,
Mũi kim nhỏ nhặt mới là nữ công.

“Dung” ý là dung mạo, dáng vẻ bên ngoài. Phụ nữ trong cách ăn mặc phải trang nhã, đứng đắn không làm mất đi đức hạnh của mình. Ngoài ra dung mạo dịu dành thanh tú là do tu dưỡng bản thân nên có được, chứ không phải muốn có là được.

“Ngôn” là chỉ lời ăn tiếng nói. Một người có tu dưỡng, nội tâm bình hòa, tất tiếng nói cũng dịu dàng. Ngoài ra người phụ nữ cần nói lời hay ý đẹp, không nói lời bậy bạ, hỗn hào, thô tục, cần biết khéo léo ứng đối. Điều này cần phải có trí tuệ mới có thể làm được.

“Hạnh” là chỉ đức hạnh nết na, kính trên nhường dưới, yêu thương chồng con. Người phụ nữ có phẩm đức phải thủ vững tiết tháo, giữ thân như ngọc, đối với hôn nhân gia đình phải một lòng một dạ, đối với cha mẹ chồng phải khiêm cung hiếu lễ.

Người ta có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Gia đình có “an” hay không chính là ở nhờ người phụ nữ. Chữ “an” (安) là do chữ “miên” (宀) tức mái nhà ở trên chữ “nữ” (女), với ý nghĩa đình có yên bình hạnh phúc hay không chính là nhờ người phụ nữ “xây tổ ấm” thế nào. Nếu là người có đức hạnh thì gia đình sẽ yên vui hạnh phúc.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: