Rằm tháng Giêng hàng năm là ngày Tết Nguyên tiêu, còn được gọi là Tết Thượng nguyên, là một lễ tết truyền thống, thiêng liêng và quan trọng của người Á Đông. Có nơi thậm chí còn quan niệm: “Cúng cả năm không bằng cúng rằm tháng Giêng”. Vậy nguồn gốc của Tết Nguyên tiêu là gì và những tập tục diễn ra vào ngày Tết Nguyên tiêu như thế nào?

Nguồn gốc và một số phong tục cổ xưa vào ngày Tết Nguyên tiêu
(Ảnh minh họa: Romix Image, Shutterstock)

Nguồn gốc của Tết Nguyên tiêu

Tục treo đèn vào ngày Tết Nguyên Tiêu có từ thời Minh đế nhà Đông Hán (28 – 75). Bấy giờ Hán Minh Đế hết sức tôn kính Phật giáo. Hán Minh Để nghe kể rằng vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, Phật giáo đốt đèn để cho tăng nhân ngắm xá lợi Phật. Vì thế Hoàng đế đã ra lệnh vào đêm ngày này hàng năm sẽ đốt đèn kính Phật trong Hoàng cung và các chùa miếu. Về sau nghi thức Phật giáo này đi vào dân gian, trở thành ngày hội lớn và long trọng. Vào thời Hán Văn Đế, ông đã định ngày 15 tháng Giêng là ngày Tết Nguyên Tiêu.

Ngoài ra có thuyết cho rằng tục đốt đèn Nguyên Tiêu bắt nguồn từ “thuyết Tam nguyên” trong Đạo giáo. Ngày 15 tháng Giêng là Tết Thượng Nguyên, ngày 15 tháng Bảy là Tết Trung Nguyên, ngày 15 tháng Mười là Tết Hạ Nguyên. Ba vị quan quản Tam Nguyên là Thiên, Địa, Nhân. Thời Hán Vũ Đế, hoạt động thờ cúng Thần Thái Nhất cũng diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng. Khi Tư Mã Thiên sáng tạo ra “lịch Thái sơ” đã gọi ngày Tết Nguyên Tiêu là ngày lễ quan trọng của vương triều.

Thời gian ăn Tết Nguyên Tiêu theo quá trình phát triển ngày càng kéo dài và mở rộng hơn. Vào thời nhà Hán lễ chỉ có một ngày, đến thời nhà Đường là ba ngày, thời nhà Tống là năm ngày, thời nhà Minh là mười ngày. Hoạt động lễ hội được tổ chức náo nhiệt và hoành tráng. Đặc biệt là cảnh đèn treo vừa nhiều màu sắc lại thiết kế tinh xảo, có thể nói là ngày vui nhất trong các hoạt động vui chơi giải trí vào mùa xuân. Đến đời nhà Thanh, ngày lễ được bổ sung thêm nhiều trò vui chơi giải trí khác như múa rồng, múa sư tử, múa chèo thuyền, đi cà kheo, múa ương ca…. Nhưng thời gian lễ hội bấy giờ đã rút ngắn chỉ còn bốn, năm ngày.

Một số tập tục trong ngày Tết Nguyên tiêu

Theo thời gian, ngày càng có nhiều các hoạt động diễn ra vào ngày Tết Nguyên tiêu. Ngoài phong tục đốt đèn và ngắm đèn lồng ra thì vào ngày Tết Nguyên tiêu trong dân gian thời xưa phổ biến có một số tập tục khác như:

Ăn bánh trôi nước

Tập tục ăn bánh trôi nước vào ngày tết Nguyên tiêu đã diễn ra từ lâu đời. Vào thời nhà Tống, trong dân gian lưu truyền một loại đồ ăn mới lạ vào Tết Nguyên tiêu. Tên đồ ăn được gọi là “phù nguyên tử”, về sau gọi là “nguyên tiêu” (bánh trôi nước) . Những người buôn bán gọi nó bằng mỹ danh “nguyên bảo”, nghĩa là vật báu tết Nguyên tiêu.

Bánh nguyên là loại bánh dùng bột gạo nếp vê thành hình tròn, bên trong có nhân làm bằng đường kính, hoa hồng, vừng mè, đậu, quế, hạnh nhân, mứt táo…, ăn mặn hay chay tùy theo tập tục các nơi. Có thể luộc, chiên, hấp, bánh nở ra hình tròn biểu tượng cho sự đoàn viên mỹ mãn. Đó cũng là thể hiện nguyện ý một năm tốt đẹp, mỹ mãn của người dân.

Trừ bách bệnh

Tết Nguyên tiêu ngoài hoạt động chào mừng còn có hoạt động tín ngưỡng, đó là “trừ bách bệnh”, hay còn gọi là “tán bách bệnh”. Đây là một dạng hoạt động xua đuổi hoạn nạn thỉnh cầu sức khỏe, bình an.

Người tham gia hoạt động này đa số là phụ nữ. Họ kết bạn mà đi, hoặc đi men theo bên cạnh bức tường, hoặc đi qua cầu, cho rằng làm thế có thể trừ bệnh kéo dài tuổi thọ, mục đích để trừ bệnh giải nạn.

Tế cửa, tế nhà

Thời cổ đại có “thất tế” (7 loại cúng tế), tế cửa, tế nhà là 2 kiểu tế trong số đó. Phương pháp tế tự rất đơn giản: Dùng cành cây dương cắm lên cửa nhà, thêm một bát cháo đậu bên trong có cắm đôi đũa, hoặc là rượu thịt cũng được, để ở trước cửa nhà.

Bôi nhọ

Theo truyền thuyết, vào ngày rằm tháng Giêng có thần Ngũ Cốc giáng trần tuần tra. Mọi người theo đó bôi nhọ lên mặt để cầu thần Ngũ Cốc đừng mang bệnh truyền đến nhân gian, cầu giúp cho vụ mùa bội thu, muôn dân được no đủ, bình an.

Vào ngày này mọi người sẽ dậy sớm rồi dùng tro đen dưới đáy nồi bôi vào mặt nhau, không ngoại trừ người già, bôi càng nhiều càng tốt. Bôi xong mọi người cùng nhau nhảy múa ca hát và uống rượu, chào mừng ngày lễ.

Nghênh Tử Cô

Tử Cô là cô gái nghèo, thiện lương trong truyền thuyết dân gian. Vào đúng ngày 15 tháng Giêng, Tử Cô vì đói mà chết. Dân chúng thương xót, tưởng nhớ Tử Cô nên ở một số địa phương xuất hiện phong tục nghênh đón Tử Cô vào ngày 15 tháng Giêng.

Vào đêm rằm tháng Giêng, người dân dùng rơm rạ, vải để tết thành hình Tử Cô to nhỏ khác nhau. Các cô gái thường đứng chờ ở những nơi mà Tử Cô khi còn sống thường đứng để nghênh đón, thân thiết giống như đón chị em gái vậy. Phong tục này thể hiện sự đồng cảm của người dân đối với những người lương thiện, lao khổ, trung hậu.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: