Thanh minh là một trong 24 tiết khí của năm, cổ nhân gọi là Tiết tháng ba theo Âm dương lịch. Vào lúc này, trời đất trong trẻo bừng sáng, quang tĩnh, mát mẻ, trăm hoa đua nở, dương khí dồi dào, mang đến cho cơ thể con người một sức sống mới.

Vào tiết Thanh minh có các hoạt động chủ yếu như tế tổ, tảo mộ, ăn hàn thực… Thời cổ, tiết Thanh minh diễn ra ngay sau tiết Hàn thực mà các hoạt động của tiết Hàn thực thường kéo dài đến Thanh minh, cho nên các tập tục của hai tiết này dần dần hợp nhất lại với nhau thành một.

Nguồn gốc và một số tập tục vào tiết Thanh minh
Một phần bức “Thanh minh thượng hà đồ” của Trương Trạch Đoan (1085 – 1145). (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Nguồn gốc của tiết Thanh minh

Trước khi Tấn Văn Công Trùng Nhĩ lên ngôi vua thứ 24 của nước Tấn – nước chư hầu của nhà Chu, ông đã phải sống lưu lạc ở nước ngoài để tránh bị hãm hại. Suốt thời gian sống lưu vong, Trùng Nhĩ đã bị sỉ nhục thậm tệ. Các đại thần vốn cùng Trùng Nhĩ chạy sang nước khác lánh nạn, phần lớn đều lần lượt tìm được lối thoát cho mình. Chỉ còn lại số ít người trung thành đi theo Trùng Nhĩ, trong đó có một người tên là Giới Chi Thôi. Một lần, Trùng Nhĩ đói đến nỗi ngất đi, để cứu Trùng Nhĩ, Giới Chi Thôi đã cắt thịt từ đùi của mình rồi nướng chín lên và đưa cho Trùng Nhĩ ăn. Mười chín năm sau, Trùng Nhĩ trở về nước Tấn làm vua, là Tấn Văn Công, một trong 5 vị bá chủ thời Xuân Thu nổi tiếng.

Sau khi lên cầm quyền, Tấn Văn Công đã phong thưởng rất hậu hĩnh cho những người đã cùng mình đồng cam cộng khổ, nhưng ông lại bỏ sót mất công lao của Giới Chi Thôi. Có người kêu oan cho Giới Chi Thôi trước mặt Tấn Văn Công, vì thế, Tấn Văn Công mới nhớ lại chuyện xưa, cảm thấy hổ thẹn và lập tức cử người đi mời Giới Chi Thôi đến triều định nhận phong thưởng, làm quan. Tuy Tấn Văn Công nhiều lần cử người đi mời, nhưng Giới Chi Thôi một mực từ chối đến.

Tấn Văn Công đành phải đích thân đi mời. Nhưng khi Tấn Văn Công đến nhà Giới Chi Thôi thì chỉ nhìn thấy cánh cửa đóng chặt. Giới Chi Thôi không muốn gặp mặt Tấn Văn Công nên đã cõng mẹ chạy trốn về núi Miên Sơn. Tấn Văn Công bèn điều động ngự lâm quân lên núi Miên Sơn tìm kiếm, nhưng không tìm thấy.

Có người hiến kế, dùng lửa thiêu đốt rừng núi, đốt 3 mặt rừng, để lại một mặt, như vậy thì khi lửa bùng cháy, Giới Chi Thôi chắc chắn sẽ ra. Tấn Văn Công nghe theo, đã hạ lệnh đốt rừng núi, không ngờ đám cháy kéo dài suốt 3 ngày 3 đêm. Sau khi đám cháy bị dập tắt, họ cũng không thấy Giới Chi Thôi ra. Tấn Văn Công lên núi thì phát hiện hai mẹ con Giới Chi Thôi đã chết, dựa vào một cây liễu lớn bị cháy sém. Tấn Văn Công hối hận mãi không thôi.

Để tưởng niệm Giới Chi Thôi, Tấn Văn Công đã chôn hai mẹ con họ dưới cây liễu bị cháy sém, và ra lệnh đổi tên núi Miên Sơn thành núi Giới Sơn. Đồng thời cho xây dựng đền thờ trên núi, và xác định ngày dùng lửa thiêu đốt rừng núi là tết Hàn Thực, công bố với thiên hạ. Hàng năm cứ đến tết Hàn Thực, thì cấm lửa, chỉ ăn đồ ăn nguội. Từ đó đã hình thành Tết Hàn Thực, một ngày lễ nổi tiếng trong cổ đại Trung Hoa.

Còn về tết Thanh Minh thì có truyền thuyết rằng, một ngày trước khi tròn một năm ngày Giới Chi Thôi qua đời, Tấn Văn Công ở dưới núi tiến hành lễ Hàn Thực, ngày hôm sau thì lên núi chính thức làm lễ tế. Khi lên núi, họ phát hiện ra cây liễu bị cháy sém, cũng là nơi Giới Chi Thôi bỏ mình đã sống trở lại, cành lá tươi tốt.

Tấn Văn Công thấy tình cảnh ấy thì cho rằng cây liễu là Giới Chi Thôi biến thành, bèn đặt tên cây liễu là cây liễu Thanh Minh. Và ngày này cũng được định là ngày tết Thanh Minh. Trong ngày này, yêu cầu mỗi gia đình người dân nước Tấn đều phải cắm cành liễu trên cánh cửa, tảo mộ, trồng cây liễu, bày tỏ tấm lòng nhớ nhung. Cũng từ đó, tết Hàn Thực và tết Thanh Minh đã trở thành ngày lễ trọng thể của người dân cả nước.

Tế tổ tảo mộ

Tiết Thanh minh là đại tiết tế tổ, thể hiện truyền thống văn hoá lễ kính tổ tiên. Tảo mộ còn gọi là “tư thời chi kính” (hết sức thành kính khi tưởng nhớ) đối với tổ tiên. Tập tục tế tổ vào ngày tiết Thanh minh chủ yếu có hai loại nghi thức là Bồi mộ và Quải chỉ.

Khi bồi mộ phải làm sạch cỏ dại, bồi đắp thêm những phần đất đã bị xói mòn, cũng có thể tô lại chữ đã bị mờ hay mất trên bia mộ, trồng thêm cây, hoa… Sau khi dọn dẹp sạch sẽ, con cháu sẽ bày thức ăn, hoa quả ra cúng những người đã khuất, thắp hương.

Quải chỉ tức là lấy hai, ba tờ giấy đặt lên mộ, dùng đá nhỏ đè lên giấy để thể hiện rằng phần mộ này có con cháu cúng tế, không phải phần mộ vô chủ.

Đạp thanh du xuân

Tiết Thanh minh vào đúng đầu mùa xuân, thời tiết ấm áp dễ chịu, là thời điểm thích hợp để đi chơi du ngoạn. Vào thời cổ đại, nữ giới bình thường không thể tùy tiện ra khỏi nhà đi chơi, vào ngày tiết Thanh minh mới có cơ hội đến vùng ngoại ô thưởng thức cảnh sắc thiên nhiên. Cho nên, mới có tên là “Đạp thanh” (đi chơi trong tiết Thanh minh).

Ngoài ra việc tế tổ tảo mộ đa phần được tiến hành ở vùng ngoại ô, sau khi kết thúc mọi người sẽ ở bên ngoài để giao lưu, chơi đùa. Vì vậy, đến bây giờ trong tiết Thanh minh vẫn có các hoạt động vui chơi giải trí.

Đội cành liễu

Cây liễu có sức sống rất mạnh mẽ, theo cổ nhân liễu còn có công dụng để trừ tà. Trong “Tề dân yếu thuật” viết rằng cắm cành liễu trên nhà thì trăm quỷ không thể vào. Thời nhà Tống, tục ngạn có câu: “Thanh minh không mang liễu, nữ nhân xinh đẹp cũng hóa thành bà già”, ý nói mang liễu có thể duy trì tuổi trẻ thanh xuân.

Thả diều

Thời xưa, người ta viết những bệnh tật và tai họa mà bạn muốn loại bỏ trên con diều. Sau khi con diều bay lên trời thì cắt dây để con diều bay đi theo gió. Người xưa tin rằng việc này có thể loại bỏ những bệnh tật và tai họa, mang lại điều may mắn tốt lành.

Ăn bánh

Tiết Hàn thực không được nhóm lửa, vì vậy khi mọi người đến tảo mộ, họ sẽ mang theo bánh để ăn lạnh như một món ăn nhẹ, cũng để thiết đãi bạn bè. Bánh trong ngày Hàn thực ngày nay khá đa dạng, thường bóng như ngọc, mùi thơm, vị mềm, ăn vào thấy ngọt bùi mà không ngấy.

Chơi đánh đu

Vào thời xưa, đánh đu là một trò chơi trong vườn hay sân nhà của các cô gái và cung nữ. Bởi vì thiết bị rất dễ dàng hơn nữa cách chơi lại đơn giản nên được nhiều người yêu thích và phổ biến rộng rãi. Nó đặc biệt phổ biến vào những ngày xuân ấm áp.

Về sau, đến thời nhà Hán, trò chơi này dần dần phát triển thành một phong tục đặc biệt trong ngày tiết Thanh minh cũng như trong một số lễ hội khác.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: