Trong sách “Tang thương ngẫu lục” và “Lịch triều hiến chương loại chí” có chép về một vị tiến sĩ là Nguyễn Bá Dương. Ông thi đỗ đại khoa mà không quên ơn cũ, đến lúc làm quan lại cương trực, nên được người dân ngợi khen và truyền tụng.

Nguyễn Bá Dương: Thi đỗ đại khoa không quên ơn cũ
(Tranh minh họa: Báo Bình Phước Online)

Vào thời Lê Trung Hưng ở làng Nguyễn Xá, huyện Thần Khê, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) có cậu học trò là Nguyễn Bá Dương, nhà nghèo nhưng rất ham mê học chữ nghĩa. Tuy nhiên Nguyễn Bá Dương cũng có tật xấu là ham mê rượu chè.

Bấy giờ Bá Dương lên Kinh đô học chữ nhưng chẳng có vật dụng gì đáng giá mang theo, nên thường uống rượu chịu của người đàn bà làng Kẻ Mơ (tức làng Hoàng Mai gần Hà Nội ngày nay).

Khi số nợ lên đến 900 đồng nhưng vẫn không trả được, người đàn bà nọ chặn đường Bá Dương đòi nợ. Do cậu học trò không có tiền trả nợ, người đàn bà này đòi lột cả áo. Việc xấu hổ này người đến xem rất đông, bụm miệng chê cười.

Đúng lúc ấy có một cô gái đến can ngăn người đàn bà nọ, lấy tiền của mình trả nợ thay cho anh học trò nghèo, rồi chẳng nói gì mà đi ngay. Người đứng ngoài xem đều khen cô gái nọ.

Nguyễn Bá Dương vội chạy theo cô gái cảm ơn rồi hỏi quý danh, nhưng cô chỉ xua tay nói: “Tôi thấy cậu là học trò nghèo, vì mê rượu chè mà bị xấu hổ bởi một người đàn bà, nên không đành lòng mà trả hộ chứ không có ý mong sự đền báo”.

Nguyễn Bá Dương dò hỏi những người chứng kiến sự việc và biết được cô gái này là người làng Kẻ Mơ.

Qua sự việc xấu hổ này, Nguyễn Bá Dương quyết bỏ rượu chè, ngày đêm nỗ lực học tập, nhiều lúc không có tiền mua giấy nên phải viết cả ra bàn học. Sau đó cậu đến học ở Sơn Tây, ở trọ nhà một hào trưởng.

Đến khoa thi năm 1766, Bá Dương về quê nhà đăng ký kỳ thi Hương và đỗ Hương Tiến khi mới 17 tuổi. Năm sau tham dự kỳ thi Hội thì cậu đỗ tiến sĩ cùng 10 sĩ tử khác.

Nguyễn Bá Dương được khắc bia tiến sĩ với với chú thích “thiếu tuấn” tức thi đỗ lúc còn trẻ, năm ấy chỉ mới 18 tuổi.

Trong khi những sĩ tử khác đỗ đại khoa đều lên xe ngựa rộn ràng vinh quy bái tổ thì Bá Dương nghèo khó vẫn nằm ở phòng trọ. Có người cùng quận với Bá Dương làm bảo mẫu cho Quận Chúa liền sai người mang kiệu đến đón, đồng thời giới thiệu con cháu cho ông chọn một người làm vợ.

Nguyễn Bá Dương nhớ lại cô gái làng Mơ xưa kia, và chỉ muốn lấy người con gái ấy làm vợ. Quận phu nhân đồng ý giúp, cho xe ngựa, vàng lụa đến làng Mơ, tìm hỏi.

Để cảm tạ Quận phu nhân, Bá Dương cũng chọn một cháu gái của bà làm vợ thứ.

Người Kinh đô thời đấy ai cũng biết chuyện này, đều khen Nguyễn Bá Dương thi đỗ vẫn không quên nghĩa cũ.

Đỗ tiến sĩ, Nguyễn Bá Dương được bổ nhiệm làm quan, ông cũng nổi tiếng thẳng thắn và liêm chính.

Lúc này ở Đàng Ngoài, vua Lê chỉ là bù nhìn, quyền hành nằm trong tay chúa Trịnh. Chúa Trịnh Sâm nổi tiếng là kẻ ăn chơi sa đọa, triều chính be bét, độc đoán nên ai cũng sợ. Tuyên phi Đặng Thị Huệ là người Chúa sủng ái, nên bà con thân thích của Đặng Thị Huệ mặc sức làm càn mà không sợ phép tắc gì.

Lúc này Nguyễn Bá Dương đang trông coi việc hình án ở Ái châu (Thanh Hóa ngày nay). Có viên án trấn cậy thế chính cung Đặng Thị Huệ để ăn của đút lót. Nguyễn Bá Dương biết được cho người đến bắt ngay và yêu cầu nôp tiền của nhận đút lót, viên án trấn phải nộp lại 400 lạng vàng đã nhận.

Nguyễn Bá Dương cho xe chở tội phạm về kinh cùng cả 400 lạng vàng đã khai nhận. Đặng Thị Huệ hay tin liền kêu khóc với chúa Trịnh Sâm. Thế nhưng Nguyễn Bá Dương đưa ra tang chứng tội chứng rành rành, đứng trước quyền uy của Chúa không hề sợ hãi mà quyết làm theo đúng phép tắc, khiến cho kẻ phạm tội phải thừa nhận. Đặng Thị Huệ cũng hổ thẹn không nói được gì.

Câu chuyện nổi tiếng này được người dân Ái Châu lưu truyền mãi.

Sau chuyện này Nguyễn Bá Dương được giữ lại Kinh thành, lần lượt trải qua các chức quan Hàn lâm viện Đãi chế, Tế tửu Quốc tử giám. Ông không tư lợi nên được Chúa và triều đình kính nể. Ông mất năm 1785 khi 46 tuổi.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: