Khi 8 đời chúa Nguyễn liên tục mở cõi về phương nam, việc di dân khiến cho quá trình ổn định dân chúng rất khó khăn. Các đời chúa Nguyễn đã chú trọng tín ngưỡng Phật Pháp, phát triển Nho giáo nhằm giáo hóa và an định dân chúng. Trong công cuộc này có sự góp sức của nhiều nhà Nho, một trong số đó là Nguyễn Cư Trinh.

Nguyễn Cư Trinh: Vị trung thần cuối cùng gìn giữ cơ nghiệp 8 đời chúa Nguyễn
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Dùng nhân nghĩa giúp yên dân

Nguyễn Cư Trinh là người Thuận Hóa, tổ tiên xa xưa vốn là họ Trịnh ở vùng thuộc Hà Tĩnh ngày nay. Cha ông có tài văn chương, làm quan đến Tri phủ huyện Minh Linh, Thuận Hóa (thuộc Quảng Trị ngày nay), được chúa Nguyễn Phúc Chu mến tài mà ban cho quốc tính.

Nguyễn Cư Trinh sinh năm 1716, nhờ gia đình có truyền thống hiếu học nên từ bé đã có tiếng hay chữ. Dù còn nhỏ tuổi ông đã đi thi Hương và đỗ tam trường (qua 3 vòng đầu) gọi là Sinh Đồ, đến khi đủ 18 tuổi thì được bổ sung làm Huấn Đạo. Năm 1740 ông thi đỗ Hương cống, được bổ nhiệm làm quan kinh qua các chứ vụ khác nhau.

Ông làm quan lấy nhân nghĩa để thu phục dân chúng. Như ở Quảng Ngãi có đám phản loạn, quan quân dẹp mãi không được, nhưng Nguyễn Cư Trinh lại có thể khiến họ chịu theo về. Sự việc này được ghi chép trong Đại Nam liệt truyện như sau:

“Năm Canh Ngọ (1750), mùa xuân, được thăng Tuần phủ Quảng Ngãi. Bấy giờ Quảng Ngãi có Man Thạch Bích thường quấy ngoài biên, quan quân đánh mãi không xong. Trinh đến, viết thư phủ dụ, chúng cũng không ra. Ông bàn tiến đánh, nhiều người cho rằng hiểm trở xa xôi và lam sơn chướng khí ngăn trở. Trinh bèn viết truyện Sãi vãi bằng quốc âm đặt làm lời vấn đáp để khuyên bảo. Rồi tiến quân, giặc Man lẩn trốn, tan tác. Trinh sợ ta đem quân về, chúng lại tụ họp, bèn chiếm đóng chỗ sào huyệt địch lập trại lũy, lập đồn điền, đặt điếm canh, giả vờ làm kế ở lâu. Giặc Man sợ, đến cửa quân xin hàng. Trinh vỗ về, yên ủi, cho chúng về, rồi kéo quân rút lui. Tin thắng trận đến tai Chúa, Chúa ban khen.”

Trong công cuộc mở cõi về phương nam, nhiều nơi dân chúng đến khai phá, cuộc sống ban đầu còn khó khăn, Nguyễn Cư Trinh luôn theo sát nên hiểu được khó khăn của dân chúng. Có lần ông dâng biểu lên Chúa xin bãi bỏ một số chính sách bất công làm hao tổn sức dân, nhưng Chúa không ưng chuẩn, Nguyễn Cư Trình liền xin từ quan về quê. Biết ông có tài, Chúa không đồng ý mà chuyển ông đến làm quan nơi khác.

Tiến đánh Cao Miên, giúp người Chăm định cư yên ổn

Thời điểm này các vùng đất của Chiêm Thành ở Bình Thuận và Ninh Thuận đã được sáp nhập vào lãnh thổ Đàng Trong, một số người Chăm đã sang Cao Miên để định cư sinh sống. Nhưng sau đó triều đình Cao Miên liên tục quấy nhiễu ức hiếp những người Chăm sinh sống ở đây.

Trước sự việc này, chúa Nguyễn Phúc Khoát sai Thiện Chính cùng Nguyễn Cư Trinh xuất binh sang Cao Miên. Mùa hạ năm 1754 quân Việt từ Gia Định theo 2 hướng tiến đánh Cao Miên.

Nguyễn Cư Trinh lập công lớn, tiến đến đâu quân Cao Miên quy phục đến đấy, 4 phủ là Lôi Lạt (nay là Gò Công), Tầm Bôn (nay là Tân An), Cầu Nam, Nam Vam (nay là thủ đô Phnôm Pênh) đều lần lượt đầu hàng, Quốc vương Cao Miên là Nặc Nguyên phải bỏ trốn.

Nguyễn Cư Trinh đưa 5.000 người Chăm về núi Bà Đen (thuộc Tây Ninh ngày nay), giúp người Chăm ổn định cuộc sống.

Giúp chúa Nguyễn có quyết sách mở rộng lãnh thổ

Quốc vương Cao Miên là Nặc Nguyên thua trận phải chạy đến Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ làm trung gian hòa giải với chúa Nguyễn, đổ lỗi việc sát hại người Chăm là do tướng Chiêu Chùy Ếch làm, xin được dâng hai phủ là Tầm Bôn (tức Tân An, Long An ngày nay), Lôi Lạt (tức Gò Công, Tiền Giang ngày nay), đồng thời xin cống nộp lễ vật còn thiếu 3 năm trước đó.

Chúa Võ không đồng ý mà yêu cầu Cao Miên phải giao kẻ sát hại người Chăm là tướng Chiêu Chùy Ếch. Quốc vương Nặc Nguyên báo rằng đã cho xử tử viên tướng này rồi. Chúa Nguyễn không tin, yêu cầu giao cả gia đình tướng Chiêu Chùy Ếch thì Nặc Nguyên xin Chúa Nguyễn tha cho họ. Chúa Võ cho rằng quốc vương Cao Miên lừa dối mình.

Bấy giờ Nguyễn Cư Trinh đã dâng sớ nhắc lại kế “tằm ăn dâu” và khuyên Chúa nên nhận 2 phủ này, lời sớ tâu có đoạn rằng:

“Từ xưa, sở dĩ dùng đến binh, chẳng qua là muốn giết đứa cừ khôi, mở mang bờ cõi mà thôi. Nay Nặc Nguyên đã hối quá, biết nộp đất hiến của. Nếu không cho y hàng, thì y chạy trốn; mà từ Gia Định đến La Bích, đường sá xa xôi, không tiện đuổi đánh. Vậy muốn mở mang bờ cõi, chi bằng hãy lấy hai phủ ấy, giữ chặt phía sau cho hai dinh (Phiên Trấn và Trấn Biên). Năm xưa, đi mở phủ Gia Định, trước phải mở phủ Hưng Phước (Biên Hoà), rồi mới mở đến phủ Lộc Dã (Đồng Nai) để quân dân đoàn tụ, rồi mới mở đất Sài Côn. Đó là cái kế ‘tằm ăn dâu’ đó.”

Chúa Võ thuận theo lời tâu này, đồng ý nhận 2 phủ mới, nhờ đó mà lãnh thổ Đàng Trong lại được mở rộng.

Gia Định lúc này mới được khai phá, dân chúng từ nhiều nơi đến đây, Nguyễn Cư Trinh đưa ra một loạt chính sách giúp dân chúng yên tâm khai phá phát triển nơi đây. Ông ngoài thì răn đe được nạn xâm lược cướp bóc, trong thì dùng nhân nghĩa vỗ yên dân chúng. Đại Nam liệt truyện ghi chép rằng:

“Đất Gia Định đường sông nhiều ngả, thuyền cướp thường tụ chỗ vắng, rình thuyền buôn đi qua để cướp bóc, người buôn rất khổ. Trinh hạ lệnh cho các hạt: phàm thuyền lớn nhỏ, đều phải khắc tên họ quê quán chủ thuyền ở đầu, được quan sở tại làm sổ thuyền để tiện tra xét. Từ đây, kẻ gian không ẩn nấp vào đâu được, trộm cướp phải im hơi. Cư Trinh ở ngoài biên hơn 10 năm, uy danh lẫy lừng, dân Việt người Man đều mến phục.”

Đối trọng với quyền thần, giữ gìn cơ nghiệp 8 đời chúa Nguyễn

Sau khi hoàn tất công cuộc nam tiến, chúa Nguyễn Phúc Khoát bị quyền thần Trương Phúc Loan lôi kéo vào con đường tận hưởng cuộc sống xa hoa, ham mê tửu sắc. Từ một minh quân, Chúa không còn màng đến việc nước, mọi việc đều để cho Trương Phúc Loan tự quyết.

Trương Phúc Loan tha hồ vơ vét quốc khố, đánh tô thuế nặng mà không chăm lo cho dân chúng, muôn dân ca thán.

Năm 1765, chúa Nguyễn Phúc Khoát mất, viết di chiếu nhường ngôi cho con là Nguyễn Phúc Luân (thân phụ của Nguyễn Phúc Ánh tức vua Gia Long sau này).

Biết Nguyễn Phúc Luân là người thông minh khó mà uy hiếp, Trương Phúc Loan đã bố trí người giết chết cận vệ rồi bắt giam Nguyễn Phúc Luân, đồng thời phong Nguyễn Phúc Thuần mới 11 tuổi lên nối ngôi nhằm dễ bề thao túng.

Chúa Nguyễn Phúc Thuần cho triệu Nguyễn Cư Trinh về kinh thành giữ chức Lại Bộ Thượng Thư, ông trở thành đối trọng của Trương Phúc Loan. Nguyễn Cư Trinh khiến quyền thần Trương Phúc Loan không dám ngang tàng tùy ý muốn gì làm nấy như xưa.

Trước mặt Triều đình, Nguyễn Cư Trinh từng nói rằng: “Chốn triều đình bàn việc đã có định chế, Phúc Loan sao dám vô lễ như thế, sắp muốn chuyên quyền chăng? Trong nước sinh loạn tất là người ấy”. Phúc Loan giận lắm nhưng e sợ, không dám làm gì. (Theo “Việt Nam văn học sử giản ước tân biên”)

Nguyễn Cư Trinh trở thành vị đại thần trụ cột cuối cùng của các đời chúa Nguyễn. Năm 1767, Nguyễn Cư Trinh qua đời do tuổi cao sức yếu, không còn ai ngăn cản được Trương Phúc Loan dẫn đến việc Đàng Trong ngày càng suy yếu rồi mất.

Đánh giá về ông, Đại Nam liệt truyện có ghi chép rằng:

“Cư Trinh là người có tài lược, khéo quyết đoán. Những việc ông tâu bày phần nhiều là lời trung, bàn phải. Khi coi việc quân ở cõi Nam, mở đất đai, giữ yên ngoài biên, huân nghiệp hơn người. Ông lại giỏi văn, trội thơ, có tập ‘Đạm am’ lưu hành ở đời.”

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: