Dù hoàn cảnh khó khăn vất vả nhưng Nguyễn Khuyến vẫn nỗ lực không ngừng trong học tập, đỗ đầu cả 3 kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình.

Nguyễn Khuyến: Thi đỗ “Tam nguyên” nhờ đặt công phu vào chữ “Lực”
Tem kỷ niệm 100 năm ngày mất Nguyễn Khuyến. (Ảnh: Public Domain)

Vào thế kỷ 19 ở làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam (nay là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) có gia đình ông thầy đồ trong làng, người dân hay gọi thầy là Đồ Huy. Thầy Đồ Huy người làng Yên Đổ, thi đỗ Tú tài, sau đó lập gia đình rồi về quê vợ ở làng Văn Khế dạy học. Năm 1835, thầy Đồ Huy đón đứa con trai đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Thắng.

Một lần, thầy Đồ Huy thấy con mình vừa nhảy lò cò bên chõng tre vừa đọc một bài thơ trong “Kinh thi”. Đồ Huy ngạc nhiên lắn hỏi con đọc cái gì và thử giải nghĩa xem, Nguyễn Thắng trả lời rằng cậu đọc bài thơ mà cha dạy các anh học.

Thấy con học lỏm mà nhớ được, Đồ Huy liền mua cho con giấy bút. Từ đó bé Thắng ngày ngày luyện viết, nhớ được rất nhiều chữ, dần dần có thể đọc được sách.

Vì gia cảnh nghèo không có đủ tiền mua đèn học, buổi đêm Nguyễn Thắng đọc sách ở bờ ao, dưới ánh trăng, hôm nào không có trăng thì mang sách ra miếu, đốt lá khô để đọc. Nhờ chăm chỉ mà Nguyễn Thắng ngày càng thông tuệ.

Đồ Huy thấy con mình sức học ngày càng tấn tới liền gửi con đến một thầy khác là bạn mình để học tiếp. Ban đầu thấy Thắng nhỏ tuổi nhất nên các bạn khác tỏ vẻ xem thường, nhưng rồi khả năng cùng sự thông tuệ của Nguyễn Thắng đã khiến các bạn cảm phục.

Năm 1853, khi Nguyễn Thắng đã 18 tuổi thì thầy Đồ Huy mắc bệnh nặng rồi qua đời. Gia cảnh đã nghèo nay lại càng nghèo khó hơn, Thắng phải chạy vạy, dạy học thêm để kiếm sống nên việc học hành bị chểnh mảng.

Năm 1864, Nguyễn Thắng đăng ký thi Hương ở Hà Nội và đỗ đầu kỳ thi này tức Giải nguyên. Thế nhưng đến kỳ thi Hội năm 1865 thì ông lại không đậu. Nguyên nhân là vì gia cảnh túng quẫn, bản thân phải chạy vạy lo toan cuộc sống nên Nguyễn Thắng không có thời gian tập trung học tập.

Nguyễn Thắng xem lại tên của mình thì chữ Thắng (勝) có chữ “lực” (力) nhưng nhỏ nên chỉ xem như tiểu lực, nên nỗ lực chưa đủ. Ông quyết đổi tên mình thành Khuyến (勸) có chữ “Lực” (力) lớn, hàm ý là nhắc nhở bản thân cần nỗ lực nhiều hơn.

Từ đó dù phải vất vả mưu sinh, nhưng Nguyễn Khuyến đặt công phu vào chữ lực (力), nỗ lực học tập không mệt mỏi. Vào khoa thi sau năm 1871, ông thi Hội và đỗ đầu gọi là Hội nguyên, vào thi Đình ông lại đỗ đầu gọi là Đình nguyên.

Bởi ông đỗ đầu cả thi Hương, thi Hội, thi Đình nên người đời gọi ông là “Tam nguyên Yên Đổ” (Yên Đổ là làng quê nội của ông).

Nghe tin Nguyễn Khuyến đỗ đầu, bạn bè ông ai vui mừng báo tin cho nhau và quyết định rằng kỳ này phải bắt Nguyễn Khuyến khao thật to. Đám bạn tìm Nguyễn Khuyến khắp các nhà trọ gần trường thi nhưng không thấy ông đâu. Cuối cùng họ tìm thấy Nguyễn Khuyến nằm ngủ trên chõng tre trong bếp một nhà trọ rẻ tiền ở xa trường thi. Bạn bè thấy hoàn cảnh của ông thì không còn ý định bắt ông phải khao nữa.

Dù hoàn cảnh khó khăn, phải vất vả kiếm sống, Nguyễn Khuyến vẫn nỗ lực học tập không mệt mỏi, ông trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ sau này noi theo.

Nguyễn Khuyến ra làm quan giữa lúc cơ đồ nhà Nguyễn lung lay, nên giấc mơ trị quốc bình thiên hạ của ông không thực hiện được. Mặc dù vậy ông làm quan trong sạch, thanh liêm chính trực, gắn bó với người dân.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời nghe radio: