Có câu tục ngữ rằng: “Phú bất quá tam đại”, giàu không quá ba đời. Đây tựa như một “lời nguyền” mà rất nhiều gia tộc giàu có không vượt qua. Trong lịch sử chỉ có một số ít những gia tộc trải qua nhiều đời vẫn giàu có thịnh vượng, nhưng không có gia tộc nào trường thịnh mãi mãi không suy. Vậy thì vì sao giàu có lại không được lâu dài?

Nguyên nhân các gia tộc thường "giàu không quá ba đời"
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Chuyện kể rằng xưa kia có một vị quan lớn, gia cảnh vốn giàu có, con cháu đông đúc sum vầy, nhưng lại thường mang vẻ u sầu trong lòng.

Một lần, ông ngẫu nhiên gặp một lão nông. Lão nông biết rõ gia cảnh của vị quan lớn kia nên hỏi: “Ngài đã giàu có như thế, tiền của mấy đời con cháu cũng tiêu không hết, sao ngài còn phải thở dài?”

Vị quan này trả lời: “Ông nhìn hai thế hệ gần đây trong nhà tôi mà xem, đời sau lại không bằng đời trước, thực sự là giàu không thể quá ba đời. Chỉ e khi cháu trai bằng tuổi của tôi thì sẽ tiêu hết gia sản, nói không chừng còn có họa sát thân.”

Lão nông tỏ vẻ không hiểu, vị quan lại giải thích: “Tôi quan sát thế hệ sau trong gia tộc nhà tôi, từ nhỏ đã được hậu đãi nên thường tùy tiện làm điều xằng bậy, dưỡng thành thói quen hưởng thụ. Hai đời sau này lười biếng, cảm thấy hết thảy những gì chúng đang hưởng đều là những thứ nên được. Dẫu là người trưởng tộc cũng không thể khuyên răn được chúng. Bởi vậy phúc lộc của chúng không được lâu dài.”

Rồi vị quan lại nói với lão nông: “Ông đã sống đến tuổi này, nhìn tướng ông chắc chắn cả đời đã làm không ít việc thiện. Vô luận là ông hiện tại khổ bao nhiêu thì sau này con cháu đều được hưởng âm đức của ông.”

Cổ nhân dạy: “Con người sống bởi gian khổ, chết bởi an nhàn”. Đối với một cá nhân mà nói, càng ở vào lúc thuận cảnh, càng yên ổn, thì càng phải chú ý không phóng túng bản thân, càng phải nên nghĩ đến lúc gian nguy. Người như vậy mới có thể bảo trì được lương tâm, bảo trì được thiện lương, bảo trì được âm đức của mình.

Cuộc đời của bất kỳ ai cũng sẽ phải gặp những khổ đau và thất bại, không có khả năng cả đời luôn gió lặng sóng êm. Hơn nữa, hầu như không có người nào được hưởng thụ an nhàn phú quý từ trẻ đến già cả.

Có người khi còn trẻ chịu nhiều vất vả, nhiều lần trải qua khó khăn gian khổ. Như vậy thì phần sau của cuộc đời rất có thể là được dễ chịu hơn một chút, có thể hưởng thụ hơn một chút.

Có người khi còn trẻ đã đỗ đạt hoặc sớm được phong quan tiến chức thì ở tuổi trung niên, con đường sẽ nhấp nhô, không thuận lợi, không được hài lòng toại nguyện. Nhưng người ấy khi đến tuổi lão niên lại trở nên vinh hiển.

Cũng có người từ lúc tuổi trẻ đã đắc ý, đường làm quan thuận lợi, nhưng cuộc sống trong gia đình lại có nỗi ưu sầu, chẳng hạn lo nghĩ về chuyện hôn sự, ưu sầu về chuyện con cháu.

Lại có người khi còn trẻ đã đạt hiển quý, không phải trải qua gian khổ, lại được kế thừa gia nghiệp của cha ông, mọi chuyện đều suôn sẻ, nhưng không sống được trường thọ…

Con người là như vậy, mà gia tộc lại càng là như thế. Bởi vậy cổ nhân mới giảng rằng: “Trong phúc có họa, trong họa có phúc”, “Giàu không quá ba đời”. Nếu một người tích lũy nhiều hơn, cần kiệm hơn, thiện lương hơn thì tự nhiên gia đình họ sẽ có phú quý và được hưởng thụ. Còn một người chỉ lo hưởng thụ nhiều hơn, thì tự nhiên sẽ tiêu tan âm đức của mình, cuối cùng cũng sẽ khốn cùng, rách rưới, suy vong.

Con người cùng với vạn sự vạn vật trong vũ trụ, bất luận là to lớn đến mức nào hay nhỏ bé đến đâu đều không nằm ngoài quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” “thành, trụ, hoại, diệt”. Do đó không có gia tộc nào, quốc gia nào trường tồn mãi với thời gian. Hơn nữa, muốn trường tồn thì tất phải tích được âm đức.

Văn hóa truyền thống cho rằng hết thảy danh vọng, tài vận, phúc lộc của một người đều là do đức và nghiệp tích từ nửa đời trước hoặc là các đời trước mà sinh ra. Người nào có được “âm đức” thì làm gì cũng thông thuận, hoặc nếu có khó khăn thì cũng là “hữu kinh vô hiểm”. Còn người nào có “ác nghiệp” thì làm gì cũng trắc trở, khó khăn, mà nếu không từ thủ đoạn đạt được thành công thì hậu quả lại là thân bại danh liệt, thậm chí tổn hại đến sinh mệnh của bản thân.

Cổ ngữ có câu: “Người có âm đức, tất sẽ có âm báo”. Từ “âm” ở đây không mang nghĩa của “âm” trong âm phủ, số âm hay âm dương. Từ “âm” trong “âm công”, “âm đức”, “âm phúc” mang ý nghĩa là thầm lặng, ngầm, kín đáo, không hiển lộ ra bên ngoài, giống như ý nghĩa trong từ “âm thầm” vậy. Nó có nghĩa rằng người làm việc thiện chân chính là xuất phát từ nội tâm, họ không cầu danh, không cầu hồi đáp, do đó việc đại thiện thì thường được làm một cách âm thầm, kín đáo, lặng lẽ, không phô trương. “Người có âm đức, tất sẽ có âm báo” ý nói rằng người đại thiện sẽ tích được phúc đức, và Thượng Thiên cũng sẽ thầm lặng mà ban thiện quả cho họ. Việc nhân đức của họ vì vậy mà được gọi là “âm công”, phúc của họ do đó được gọi là “âm phúc”.

Người xưa nói: “Vương hầu tương tương, trữ hữu chủng hồ”, vương, hầu, khanh, tướng, há cứ phải là con dòng cháu giống! Người ta không phải tự nhiên mà có địa vị cao quý hay thấp hèn. Là người bình thường nhưng biết cố gắng, làm nhiều việc thiện, tích được đại đức thì cũng có thể thay đổi được vận mệnh. Ngược lại, người mà trời sinh đã giàu có sung túc nhưng nếu chỉ biết phóng túng bản thân, ham chơi vô độ, khi hưởng hết phúc rồi thì cũng trở nên nghèo khổ, bần hàn. Đó cũng là quy luật “phúc hết thì họa đến”.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: