Cố Cung có cách gọi cũ là Tử Cấm Thành, được Hoàng đế Minh Thành Tổ bắt đầu xây dựng từ năm Vĩnh Lạc thứ 4 đến năm Vĩnh Lạc thứ 18. Tổng cộng 24 vị Hoàng đế của hai triều Minh và Thanh nối tiếp nhau trị vì tại đây. Tử Cấm Thành là cung điện của Hoàng gia, được thiết kế với tường đỏ ngói vàng, màu sắc huy hoàng rực rỡ, nhưng tên gọi lại bắt đầu bằng chữ “Tử” (màu tím).

Nguyên nhân gọi Cố Cung là Tử Cấm Thành
(Ảnh: HelloRF Zcool, Shutterstock)

Cố Cung chiếm diện tích khoảng 720.000m2 toàn bộ điện, đường, phòng ốc đạt đến hơn 8.700 gian, tường thành bốn phía cao hơn 10m. Khảo sát kiến trúc trong Cố Cung, điện Thái Hoà to lớn hùng vỹ tượng trưng cho “Thiên” ở vị trí trung tâm của Cố Cung, là nơi nhô lên cao nhất. Cung Càn Thanh và cung Khôn Ninh tượng trương cho “Thiên” “Địa” ở sát liền nhau. Hai cổng Nhật Tinh và Nguyệt Hoa ở hai bên tượng trưng cho “Nhật”“Nguyệt”. 6 cung bên đông tây cùng những tổ hợp kiến trúc phía ngoài tượng trưng cho nhị thập tinh thần, biểu thị cho quần tinh trên trời. Quần thể kiến trúc mang tính tượng trưng này bảo vệ 2 cung Càn Thanh và Khôn Ninh, thể hiện cho sự uy nghiêm của Thiên tử “thụ mệnh vu Thiên” (nhận mệnh từ Trời) và “quân quyền Thần thụ” (quyền của thiên tử được Thần trao cho).

Người ta gọi toà thành đế vương này là Tử Cấm Thành không chỉ “danh xứng kỳ thực” mà còn mang hàm nghĩa là thành của Thiên tử. Về lai lịch của việc gọi Hoàng cung là Tử Cấm Thành thì có 3 thuyết pháp sau đây:

Thuyết pháp thứ nhất

Cái tên Tử Cấm Thành bắt nguồn từ điển cố “tử khí đông lai” thời cổ. Tương truyền rằng, trước khi Lão Tử cưỡi trâu xanh đi đến Hàm Cốc quan thì có “tử khí” (khí mây màu tím) từ hướng đông bay tới. Người giữ ải lúc ấy là quan Doãn Hỷ trông thấy luồng tử khí này, chẳng bao lâu sau thì lại thấy Lão Tử cưỡi trâu xanh khoan thai đi đến.

Doãn Hỷ liền biết đó là thánh nhân nên đã xin Lão Tử viết ra bộ kinh sách để truyền lại. Lão Tử đã viết ra bộ “Đạo Đức Kinh” với 5000 chữ nổi tiếng để lại cho hậu nhân. “Tử khí” này được mọi người cho là có hàm nghĩa cát tường, dự báo điềm tốt lành như đế vương, thánh hiền hay báu vật xuất hiện.

Từ điển cố đó, có thể thấy việc lấy chữ “tử” đứng đầu trong “Tử Cấm Thành”, ý chỉ điềm cát tường.

Thuyết pháp thứ hai

Theo thuyết pháp này, lai lịch của cái tên “Tử Cấm Thành” là có liên quan đến một truyền thuyết. Thời Tam Hoàng Ngũ Đế, Hoàng Đế tự cho mình là con của Thiên Đế, tức Thiên tử. Thiên cung là chỗ ở của Thiên Đế, cũng đương nhiên là nơi Thiên tử cư trú.

Trong “Quảng nhã – Thích thiên” viết: “Thiên cung vị chi tử cung”, ý nói cung điện nơi Hoàng đế cư trú được gọi là “tử cung” (cung điện màu tím). Tử cung cũng được gọi là Tử Vi cung.

Trong “Hậu Hán Thư” viết rằng: “Trên trời có Tử Vi cung là nơi cư trú của Thượng Đế, bậc vương giả lập cung cũng theo đó mà làm.”

Trong sách “Nghệ Văn Loại Tụ” cũng viết rằng: “Nơi ở của Hoàng đế phải nguy nga tráng lệ để thể hiện sự uy nghiêm. Nguyên tắc của sao Tử Vi cũng là tỏa sáng khắp nơi.”

Thuyết pháp thứ ba

Theo thuyết pháp này, lai lịch của cái tên Tử Cấm Thành có liên quan đến học thuyết “Hoàng Viên” thời cổ đại. Thời cổ đại, các nhà thiên văn học phân “tinh viên” trên trời (khu vực của sao) làm tam viên, nhị thập bát tinh tú cùng các tinh toà khác.

“Tam viên” là chỉ Thái Vi viên, Thiên Thị viên và Tử Vi tinh viên. Tử Vi tinh viên chỉ thiên tử, ở vào vị trí trung ương của “Tam viên”. Tử Vi tinh viên tức Bắc Đẩu Tinh, bốn phía chung quanh có quần tinh vây lấy.

Thời cổ có cách nói: “Tử Vi chính trung”, Tử Vi ở chính giữa. Bấy giờ cũng lại có cách nói: “Thái bình thiên tử đương trung toạ, thanh thận quan viên tứ hải phân” tức là thời thái bình, thiên tử ngồi ở vị trí trung tâm, các quan viên chia ra ở quanh bốn bên.

Người xưa đã xem thiên tử là Tử Vi Tinh Viên, cho nên Tử Vi Viên cũng trở thành vùng đất của hoàng gia, do đó gọi cung điện của Đế Vương là Tử Cực, Tử Cấm, Tử Viên. Từ góc độ “Tinh viên” học của cổ nhân, cách đặt tên “Tử Cấm Thành” và thiết kế kiến trúc của Tử Cấm Thành có thể nói là thống nhất cao độ, châu liên hợp bích.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: