Trong quá trình xây dựng Tử Cấm Thành, từ bố cục, hình dáng, màu sắc… đều được nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Mỗi một chi tiết đều ẩn chứa lý niệm truyền thống của Trung Hoa, ví như lý niệm về Hoàng quyền, lý niệm âm dương ngũ hành, v.v.. Màu sắc của Tử Cấm Thành cũng không ngoại lệ.

Tử Cấm Thành
(Ảnh: Chuyuss, Shutterstock)

Tử Cấm Thành rộng lớn như vậy nhưng chỉ chủ yếu sử dụng hai màu vàng và đỏ, so với các cung điện nguy nga khác thì có phần đơn giản hơn.

Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, màu đỏ tượng trưng cho sự vui mừng, còn có ngụ ý chỉ sự trang nghiêm, hạnh phúc và cát tường. Theo tư liệu lịch sử ghi chép lại, từ sau triều đại nhà Chu, vào đời Hán, các cung điện bắt đầu sử dụng màu đỏ một cách phổ biến. Cho nên Tử cấm thành noi theo quy chế cung điện của các đời trước, tường vách đều dùng màu đỏ. Trừ Hoàng cung ra, chỉ có phủ thân vương và những đàn miếu quan trọng mới được phép dùng màu đỏ.

Việc Tử Cấm Thành sử dụng màu vàng cũng liên quan đến khởi nguồn của nền văn minh Trung Hoa. Lưu vực sông Hoàng Hà là vùng cao nguyên hoàng thổ mênh mông bát ngát với màu vàng đặc trưng. Màu vàng này ăn sâu vào nền văn minh của con cháu Viêm Hoàng. Tới thời Hán, Hán Vũ Đế Lưu Triệt xác lập màu vàng là màu của Hoàng tộc, nó cũng tượng trưng cho Hoàng quyền. Các triều đại sau này cũng không thay đổi, đều lấy màu vàng làm màu tôn quý.

Ngoài việc chịu ảnh hưởng của văn hóa truyền thống ra, việc Tử Cấm Thành sử dụng màu đỏ và màu vàng còn do chịu ảnh hưởng từ học thuyết Âm dương Ngũ hành. Trong học thuyết ngũ hành, màu vàng đại biểu cho phương vị trung ương, trung ương thuộc thổ, thổ có sắc vàng, gốc của vạn vật, cho nên xưa nay màu vàng được giới thống trị xem là màu tôn quý nhất, đa số mái của các cung điện đều lợp ngói hoàng lưu ly.

Căn cứ lý luận tương sinh tương khắc trong Ngũ hành, hỏa sinh thổ, hỏa nhiều thì thổ tiêu rụi, còn thổ nhiều thì hỏa tối. Mà hỏa là màu đỏ, cho nên trong cung điện, cửa, song, tường chủ yếu dùng màu đỏ để cân đối với màu vàng của mái ngói. Điều này để ngụ ý rằng có sinh sôi, có lớn mạnh. Đây cũng là thể hiện ý nguyện triều đình được hưng vượng, phát đạt lâu dài.

Kiến trúc Hoàng cung với mái dùng ngói lưu ly vàng được bắt đầu sớm nhất là từ thời nhà Tống. Hai triều Minh và Thanh dần từng bước quy định: chỉ có hoàng cung, lăng tẩm cùng những đàn miếu được xây dựng theo lệnh của Hoàng đế mới dùng ngói lưu ly vàng, ngoài ra các nơi khác đều không được phép.

Xã hội xưa tuân theo chế độ cấp bậc nghiêm khắc, màu sắc trong kiến trúc cũng thể hiện ra điều ấy. Theo quy định, thứ tự màu sắc từ cao xuống thấp là vàng, đỏ, lục, thanh, lam, hắc, tro. Màu vàng và đỏ là 2 màu tôn quý nhất. Lâu đài điện các trong Tử Cấm Thành đa số đều tường đỏ ngói vàng, màu sắc rực rỡ, vừa làm tăng hiệu quả hài hoà đẹp mắt, hình thành một chỉnh thể mang khí tượng hùng vĩ nghiêm trang, vừa biểu hiện sự phú lệ của hoàng gia, lại phản ánh được “thiên thượng quyền uy” “thiên tử chí tôn” của Hoàng đế.

Mặc dù vậy, trong Tử Cấm Thành không phải chỉ dùng hai màu đỏ và vàng. Một số kiến trúc nhỏ sử dụng ngói màu xanh hoặc màu đen. Những kiến trúc này không phải là nơi ở và hoạt động của Hoàng đế, cho nên quy cách thấp hơn.

Ví như nơi ở và nơi học tập của các Hoàng tử có tường đỏ ngói xanh. Màu xanh đối ứng với “Mộc” và mùa xuân nên phù hợp với sự lớn lên, hướng về phía trước của thanh thiếu niên. Vì thế cung điện của Thái tử được gọi là Đông Cung và mái được lợp bằng ngói lưu ly màu xanh. Đến đời Gia Tĩnh triều Minh mới đổi lại dùng màu vàng, trở thành nơi Hoàng đế triệu kiến Hàn lâm học sĩ.

Văn Uyên Các là thư phòng, nơi lưu trữ sách, hồ sơ quan trọng nên mái được lợp ngói màu đen và bức tường cũng không có màu đỏ mà là màu xanh lục. Đó là bởi vì màu đen đại biểu cho “thủy”, “thủy” lại đại biểu cho mùa đông, mang ý cất giấu, sưu tầm, bảo tồn. Ngoài ra còn mang ý nghĩa màu đen là thuộc “thủy”, “thủy” khắc “hỏa” nên là nơi lưu trữ sách an toàn.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: