Lập hạ là một trong “tứ lập” tiết khí, đánh dấu cho sự xuất hiện của mùa hè. Lập hạ trong Hoàng lịch được coi là Tiết tháng tư, là thời gian chuyển giao từ cuối mùa xuân sang đầu mùa hạ, nó rơi vào khoảng từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng 5 Dương lịch. Tiết Lập hạ có tổng cộng 15 ngày. Tiết khí này đối ứng với thiên địa nhân gian, động lực sinh sôi vô tận và sự sản sinh tinh hoa của vạn vật. Với những đặc điểm ấy, cổ nhân đã có những nguyên tắc và ẩm thực dưỡng sinh vô cùng hữu dụng vào mùa hè.

Nguyên tắc dưỡng sinh vào mùa hè
(Tranh minh họa: Public Domain)

Nguyên tắc dưỡng sinh

Người xưa rất coi trọng học thuyết dưỡng sinh thuận theo sự thay đổi của bốn mùa. Y học cổ đại nhấn mạnh rằng mùa hè là mùa để “dưỡng trưởng” (bồi dưỡng sự tăng trưởng) và “dưỡng tâm”.

Trong sách “Hoàng đế nội kinh – Tứ khí điều thần đại luận” nói rằng, vào mùa hè khí của trời đất giao hòa với nhau, cây cỏ ra hoa, vạn vật sinh sôi nảy nở. Cơ thể con người chúng ta cũng cần thích ứng với khí của trời đất, mùa hạ phải “dưỡng trưởng” mới khiến cho tinh khí trong cơ thể con người sinh sôi, nảy nở đầy đủ.

Phương pháp cụ thể của “Dưỡng trưởng” là ngủ muộn và dậy sớm để phù hợp với dương khí hưng thịnh của trời đất và sự biến hóa ngày dài đêm ngắn (trời sáng sớm hơn và tối muộn hơn). Mùa hè thuộc Hỏa, Hỏa khí thông với Tâm (tim), vì vậy mùa hè tương thông với Tâm khí, dưỡng Tâm là hiệu quả nhất. Vào mùa hè, không khí dần dần nóng lên, có lợi cho tâm tạng, sự tuần hoàn của khí huyết. Chúng ta cần bảo trì tâm thái bình tĩnh, thanh thản, lạc quan vui vẻ, thoải mái cởi mở để khí trong toàn thân được lưu thông thông suốt, tránh tức giận, bực bội, nóng giận hay vui mừng quá độ, nếu không sẽ làm tổn thương tim.

Vì thời tiết mùa hè khô nóng khó chịu nên mọi người cần kịp thời điều chỉnh tâm lý, tránh uất ức hoặc nổi cơn thịnh nộ bất chợt. Vì vậy hãy cố gắng duy trì tinh thần ổn định và tâm trạng vui vẻ. Nếu cảm thấy chán nản thì nên tham gia các hoạt động giải tỏa căng thẳng phù hợp như nghe nhạc êm dịu để thư giãn đầu óc hoặc gần gũi với thiên nhiên để thay đổi tâm trạng.

Vào mùa hè, ở trong phòng điều hòa quá lâu dễ khiến cho cơ thể trong nóng ngoài lạnh, gây ra bệnh tật. Vì vậy, nên vận động vừa phải để ra mồ hôi, giúp khí lưu thông và phát ra ngoài sẽ có lợi cho sức khỏe. Ví dụ, buổi sáng đi dạo dưới ánh nắng mặt trời và tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp cơ thể bài trừ thấp khí và tăng khả năng hấp thụ dương khí. Trong khi tập luyện cần chú ý bổ sung lượng nước vừa phải, và không nên “tham lạnh”. Bởi vì uống đồ uống lạnh không tốt cho việc duy trì khả năng miễn dịch và giữ gìn sức khỏe.

Thực phẩm dưỡng sinh mùa hè

Chế độ ăn vào mùa hè nên là thanh đạm, ít muối, ít dầu mỡ, chọn thực phẩm có tính axit, ăn nhiều rau củ quả theo mùa, không nên ăn các loại rau quả ướp lạnh quá và các loại rau quả trái mùa, như vậy tốt cho ruột và dạ dày.

Đối với ẩm thực dưỡng sinh vào mùa hè cần “hồng nhập tâm”, “đắng nhập tâm”, điều này giúp tiêu trừ tâm hỏa. Cho nên, các loại thực phẩm có màu đỏ tự nhiên và các loại thực phẩm có vị đắng đều thích hợp. Còn các loại thực phẩm có tính axit sẽ giúp tiêu hóa và loại bỏ cảm giác thèm ăn cũng được nên được sử dụng.

Mùa hè chính là thời điểm để ăn đậu và dưa. Ví dụ trong các loại đậu, đậu đỏ rất thích hợp để bồi bổ vào mùa hè. Ngoài ra còn có táo đỏ, kỷ tử… cũng tốt cho việc tăng cường thể lực và bảo vệ huyết quản tâm tạng. Tuy nhiên những người đang bị bệnh sưng viêm nhiễm trùng thì tạm thời không nên ăn. Ý dĩ thì có thể làm trắng da, khử ẩm và lợi tiểu, thích hợp để cho vào nấu cùng chè hoặc cháo.

Các loại trái cây màu đỏ như anh đào, mận, cà chua, lựu, dứa, dưa hấu, quả mọng màu đỏ… đều được khuyên dùng. Những thực phẩm có vị đắng như hạt sen, mướp đắng, rau cải đều là những thực phẩm tốt vào mùa hè. Tuy nhiên nên ăn điều độ vừa phải, ăn quá nhiều sẽ không tốt. Trà tâm sen, trà xanh và trà đắng đều có vị đắng, rất thích hợp để uống hàng ngày trong mùa hè.

Theo Epoch Times tiếng Trung. 
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: Bốn việc cần cân nhắc kỹ trước khi giúp đỡ người khác