Thời nhà Nguyễn có lệ chỉ có thi đỗ mới được làm quan, vậy mà Nguyễn Tri Phương dù không theo con đường khoa bảng, nhưng bằng tài năng đã được tiến cử trực tiếp lên vua Minh Mạng. Cuộc đời của ông gắn liền với cuộc chiến chống Xiêm La và Pháp, bảo vệ bờ cõi.

Giúp dân Lục tỉnh Nam bộ an cư lạc nghiệp

Theo Đại Nam Thực Lục, sau khi đánh bại Xiêm La giữ yên vùng đất Nam bộ, giữ được quyền bảo hộ Cao Miên, Nguyễn Văn Chương trở về được thăng hàm Chánh Hiệp biện đại học sĩ, lãnh Thượng thư bộ Công đại thần Cơ mật viện, tước Tráng Liệt tử. Được ban một Ngọc bài có khắc bốn chữ “Quân kỳ thạc phụ”, được chép công trạng vào bia đá ở Võ miếu (Huế).

Cũng năm 1847, vua Thiệu Trị mất, vua Tự Đức lên thay. Nhà Vua phê chuẩn cho Nguyễn Văn Chương tên mới là Nguyễn Tri Phương, “Tri Phương” trong câu “dõng thả tri phương” nghĩa là dũng mãnh mà lắm mưu lược. Rồi Vua bổ sung thêm cho ông chức Khâm sai Tổng thống Quân vụ Đại thần các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên

Vào Nam bộ, nhận thấy nơi đây mới được khai phá, dân chúng chưa ổn định, cứ nay hợp mai tan, Nguyễn Tri Phương dâng sớ xin Vua cho lập đồn điền, tổ chức canh phòng làng xóm để dân an cư yên ổn. Ông lại chiêu mộ dân lập đồn điền, khai phá đất hoang.

Nguyễn Tri Phương còn kiến nghị Triều đình khuyến khích người có điền sản đứng ra chiêu mộ dân lập đồn điền. Cứ 50 người lập thành một đội, 10 đội thành một cơ. Ai mộ đủ 50 người được cử làm chánh đội trưởng suất đội (chánh thất phẩm), mộ 500 người (một cơ) được cử làm Phó Quản cơ (chánh lục phẩm) .

Nguyễn Tri Phương còn ban thưởng: Người nào mộ 30 dân được miễn xâu thuế trọn đời, mộ 50 dân được ban hàm chánh cửu phẩm, mộ 100 dân được hàm chánh bát phẩm.

Một trong những người góp công lớn nhất mộ dân lập đồn điền là Trương Định, được Triều đình bổ nhiệm làm Quản cơ hàm Chánh lục phẩm. Ông sống gần gũi với dân nên được dân tin yêu, gọi là Quản Định. Sau này Trương Định trở thành người lãnh đạo dân chúng chống Pháp lớn nhất ở Nam bộ, dân chúng tôn ông là “Bình Tây đại nguyên soái”. (Xem bài: Chuyện về “Bình Tây đại nguyên soái” Trương Định)

Chính sách của Nguyễn Tri Phương đã giúp 100 làng liền nhau an cư lạc nghiệp, đời sống sung túc, lúa gạo dư dả chở ra bán cho miền Trung.

Nguyễn Tri Phương cũng hay đi các nơi tìm hiểu dân tình để kịp thời chấn chỉnh hệ thống quan lại. Đến năm 1857 thì dân chúng lục tỉnh đều an cư lạc nghiệp.

Khiến quân Pháp bị sa lầy phải rút khỏi Đà Nẵng

Năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng. Quân Pháp với vũ khí hiện đại vượt trội làm chủ chiến trường, vua Tự Đức dù thay tướng nhưng vẫn không lật ngược được tình thế. Vua phải cử Nguyễn Tri Phương làm Tổng thống Quân vụ Quảng Nam, Nguyễn Thế Hiển làm tham tán với hy vọng ngăn được quân Pháp.

Nguyễn Tri Phương: Khiến quân Pháp sa lầy ở Đà Nẵng
Tàu chiến của Pháp ở Đà Nẵng năm 1858. (Tranh: L’Illustration, Journal Universel, Paris, 1858, Marzolino, Shutterstock)

Tuy nhiên quân Pháp với vũ khí vượt trội và hỏa lực rất mạnh đã phá hủy một số đồn. Triều đình giáng cấp của Nguyễn Tri Phương nhưng vẫn lưu chức để hy vọng ông cản được quân Pháp.

Nguyễn Tri Phương sau một thời gian đã nắm được tình hình, cho rằng vũ khí của liên quân hiện đại và hỏa lực mạnh vượt xa vũ khí của mình nên chủ trương tránh đánh trực diện để tránh sức mạnh hỏa lực mạnh của đối phương, thực hiện “vườn không nhà trống” nhằm cắt nguồn tiếp tế lương thực, cho quân mai phục nếu bên liên quân tấn công. Với lối đánh mới này, quân Pháp gặp khó khăn và thiệt hại mỗi khi tổ chức tấn công.

Đầu năm 1859, quân Pháp tấn công, Nguyễn Tri Phương tránh cho quân đụng độ trực diện, mà cho quân mai phục, đợi quân Pháp đến gần mới đánh. Quân Pháp không sao tiến tiếp được. Vua Tự Đức hay tin đã gửi tặng Nguyễn Tri Phương một thanh ngự kiếm và sâm quế để khích lệ.

Nguyễn Tri Phương: Khiến quân Pháp sa lầy ở Đà Nẵng
Bản đồ Đà Nẵng xưa tìm được trong nhà một vị võ quan Đại Nam ngày 15-9-1859. (Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Nguyễn Tri Phương cho đào chiến lũy dài hình chữ “Phẩm” (品) ngăn quân Pháp, phía dưới đào hào cắm đầy chông tre, trên đậy bằng vĩ tre phủ đất và trồng cỏ ngụy trang. Sau lũy luôn luôn có quân mai phục, sẵn sàng nổ súng chống trả.

Khi quân Pháp ba mặt tấn công, số bị rơi xuống hào sâu, số bị chông tre đâm, số còn lại bị quân Đại Nam phục kích bắn. Liên quân bị tổn thất rất nhiều, phải rút hẳn về căn cứ ở Tiên Sa.

Vua Tự Đức nhận tin vui thì lệnh ban thưởng tiền cho quân sĩ, lệnh cho tỉnh Quảng Nam mang thịt trâu cùng rượu ra chiến tuyến để khao quân sĩ.

Bị sa lầy ở Đà Nẵng, Liên quân Pháp – Tây Ban Nha quyết định chuyển hướng tấn công vào Gia Định. Đây là trung tâm kinh tế lớn và trù phú của Nam bộ.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “Lấy vợ lấy đức không lấy sắc, kết bạn kết tâm chẳng kết tài”: