Dù là danh tướng trụ cột của hai triều đại đối địch nhau là nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn, nhưng Trần Quang Diệu và Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) vẫn lưu giữ tình bạn đẹp, suốt 25 năm tránh gặp mặt nhau trên chiến trường.

Trò đùa tuổi trẻ khiến tai họa ập đến

Dân gian kể rằng, một ngày cuối xuân năm 1776, có hai thành niên đang tắm sông ở cạnh bến đò Hà Thân làng An Hải, phủ An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam thì viên quan sở tại đi ngang qua, dáng bộ rất hách dịch với dân chúng.

Thấy vậy, một chàng thanh niên liền nghịch ngợm tát nước vào mặt viên quan nọ khiến ông ta tức tối, nhảy xuống sông đuổi đánh. Thấy thế chàng thanh niên còn lại lao đến để cứu bạn. Hai người mấy lần dìm viên quan xuống cho nhận nước một chập rồi lôi lên.

Đôi bạn thân ấy là Nguyễn Văn Thoại và Trần Văn Đạt. Sự việc này khiến viên quan tức tối và tìm cách trả thù. Gia đình Nguyễn Văn Thoại phải tức tốc lên ghe bầu về phương nam, định cư ở Cù lao Dài trên sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Vĩnh Long. Gia đình Trần Văn Đạt đến quê ngoại là làng Trà Khê, gần chân núi Ngũ Hành Sơn để lánh nạn. Từ đó hai người bạn xa nhau.

Số phận khiến đôi bạn trở thành tướng trụ cột đối địch nhau

Trần Văn Đạt sau này gia nhập quân Tây Sơn với tên là Trần Quang Diệu, ông cùng vợ mình là Bùi Thị Xuân trở thành tướng tài trụ cột của nhà Tây Sơn.

Trần Quang Diệu
Tượng thờ Trần Quang Diệu trong Điện thờ Bảo tàng Quang Trung, Bình Định. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Năm 1777, Nguyễn Văn Thoại đầu quân chúa Nguyễn ở Ba Giồng (Định Tường). Cũng năm 1777, quân Tây Sơn dù lấy danh nghĩa phò chúa Nguyễn, nhưng sau khi đánh chiếm Gia Định đã giết Nguyễn Phúc Dương (người mà Tây Sơn có khẩu hiệu phò tá ban đầu) cùng nhiều hoàng tộc khác, chỉ còn lại Nguyễn Phúc Ánh may mắn có đứa trẻ nhà kép hát che dấu nên thoát được. Từ đó Nguyễn Văn Thoại theo phò tá cho Nguyễn Phúc Ánh.

Số phận trớ trêu khiến đôi bạn thân thiết xưa kia trở thành hai vị tướng trụ cột của hai bên đối địch nhau. Nguyễn Văn Thoại giữ chức Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân, tước Hầu. Trần Quang Diệu là Thái phó. Việc đôi bạn thân khi xưa chạm trán trên chiến trường tưởng chừng là điều khó tránh khỏi.

Tình bạn vĩnh hằng hơn mọi công danh

Thực tế suốt 25 năm giao chiến giữa hai bên Tây Sơn và chúa Nguyễn, Nguyễn Văn Thoại và Trần Quang Diệu chưa bao giờ đối mặt nhau trên chiến trường, mà lấy các lý do khác nhau để tránh đi.

Đơn cử năm 1801, Nguyễn Văn Thoại đưa quân từ Vạn Tượng (thuộc Lào ngày nay) tiến đánh Phú Xuân thì nghe tin Trần Quang Diệu đưa quân từ quy Nhơn đến ứng cứu. Không muốn đối đầu với bạn mình, Nguyễn Văn Thoại giao lại binh quyền chỉ huy cho phó tướng của mình rồi về Gia Định.

Nguyễn Văn Thoại và Trần Quang Diệu: Một tình bạn đẹp
Tượng Thoại Ngọc Hầu trong đền thờ ông tại núi Sam. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Thấy tướng chỉ huy chưa ra trận đã tự ý bỏ về, Nguyễn Phúc Ánh giáng chức Nguyễn Văn Thoại làm Cai đội quản đạo Thanh Châu. Nguyễn Văn Thoại đã lường trước việc này sẽ khiến mình mất hết công danh sự nghiệp, nhưng ông vẫn hành động bởi đặt tình bạn lên trên tất cả.

Trần Quang Diệu biết nhà Tây Sơn để mất lòng dân, khó tránh khỏi sụp đổ, nhưng ông vẫn cùng vợ là Bùi Thị Xuân tận sức chống đỡ cho nhà Tây Sơn đến hơi thở cuối cùng, hẳn là vì lòng trung nghĩa.

Giúp bạn lo chuyện hậu sự

Khi Tây Sơn bại trận, vua Gia Long cùng các binh tướng không ai nỡ giết Trần Quang Diệu. Vua Gia Long ngỏ ý muốn ông về với mình, nhưng Trần Quang Diệu đáp rằng: “Trung thần không thờ hai vua, nay tôi bị bắt thì chỉ có tội chết. Nếu nhà vua mới rộng lượng tha cho, như trước đây tôi đã tha cho các tướng ở Quy Nhơn thì tôi sẽ về ở nơi thôn dã, cày ruộng, nộp thuế như người thường dân, chứ nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu”.

Khi ấy nhà Tây Sơn vừa mới dẹp, lòng người chưa ổn, vua Gia Long khó mà đáp ứng Trần Quang Diệu cho được. Bởi vậy cuối cùng vua vẫn phải ra lệnh xử tử Trần Quang Diệu.

Thân tộc của Trần Quang Diệu do chuyện này cũng bị liên lụy. Nguyễn Văn Thoại phải giúp họ đổi sang họ Nguyễn để tránh đi. Một số tài liệu nghiên cứu cho rằng, nhớ tình bạn xưa, Nguyễn Văn Thoại đã cho người về quê, giao cho vợ thứ là bà Nguyễn Thị Hiền lấy 3 mẫu ruộng để thờ tự bạn mình.

Công lao khai khẩn vùng đất Nam bộ

Sau này Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) được giao các trọng trách khác nhau. Năm 1817, ông làm Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh. Tại đây ông giúp dân khai khẩn các vùng đất mới, lập ấp, đào kinh đắp đường, phát triển và bảo vệ vùng đất mới. Nhiều công trình lớn của ông vẫn còn cho đến tận ngày nay.

Năm 1818, Nguyễn Văn Thoại cho đào kênh dài 30km nối rạch Đông Xuyên (Long Xuyên) với ngọn Giá Khê (Rạch Giá). Đào xong vua Minh Mạng lấy tên ông để đặt tên cho tên kênh là Thoại Hà và ngọn núi phía đông gần đấy là Thoại Sơn.

Nguyễn Văn Thoại cũng cho đào con kênh dài 87km nối liền Châu Đốc và Hà Tiên. Có nguồn kể rằng, sau khi Nguyễn Văn Thoại đào xong, nhận thấy vợ ông là Châu Thị Tế có công lớn giúp chồng đào kênh, lại là người phụ nữ đức độ có tiếng trong vùng, Vua bèn lấy tên bà đặt tên kênh là Vĩnh Tế Hà và tên núi ở bờ kênh là Vĩnh Tế Sơn.

Nguyễn Văn Thoại còn thực hiện nhiều công trình, đồng thời khai khẩn lập làng mới, giúp người dân giao thương đi lại thuận lợi. Người dân nơi đây đều ca ngợi công đức vợ chồng ông.

Năm 1821, Nguyễn Văn Thoại giữ chức Thống Chế bảo hộ Cao Miên, kiêm Án thủ Châu Đốc đồn, kiêm quản trấn Hà Tiên. Năm 1824, vua Nặc Ông Chân ghi nhớ công ơn bảo hộ của ông nên thông qua ông tặng nhà Nguyễn 3 vùng đất là Chân Sum (còn gọi là Chân Thành hay Chân Chiêm, nằm giữa Giang Thành và Châu Đốc), Mật Luật (Ngọc Luật, cũng nằm giữa Giang Thành và Châu Đốc), Lợi Kha Bát (Prey Kabbas tỉnh Takeo). Nhà Nguyễn chỉ lấy 2 đất Chân Sum và Mật Luật.

Năm 1827, Nguyễn Văn Thoại có chuyến và thăm lại làng quê An Hải, ông cho lập chợ An Hải, đồng thời phụng cúng tiền của để xây dựng đình, chùa của làng. Ông cũng đến thăm nơi thờ tự người bạn thân là Trần Quang Diệu, tìm lại nơi gợi nhớ những kỷ niệm thuở xưa của tình bạn giữa hai người.

Tình bạn
Khu lăng Thoại Ngọc Hầu. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Năm 1829, Nguyễn Văn Thoại mất tại Châu Đốc. Mộ ông được đặt trong lăng ở chân núi Sam (thuộc Châu Đốc, tỉnh An Giang).

Sau khi ông mất thì con cháu dính vào vụ án oan, viên hình tào Võ Du vu cáo ông nhũng nhiễu của dân, sau có người phụ nữ từng được ông nhận nuôi lại có chồng theo Lê Văn Khôi phản nghịch. Vì thế mà Thoại Ngọc Hầu dù đã khuất vẫn bị giáng chức, con cháu bị mất hết gia sản. Dù triều đình sau này có biết về mối oan của ông, nhưng cũng không có hành động bù đắp thích đáng.

Tuy vậy, người dân vẫn luôn ghi nhớ công lao của ông. Có thơ rằng:

Hùng vĩ Lăng ông Thoại Ngọc hầu,
Ngàn xưa coi lại nét thanh cao.
Phò vua, trải mật bao gian khổ,
Công nghiệp còn ghi dấu cựu trào.

Còn trong cao dao có câu rằng:

Đi ngang qua cảnh núi Sam,
Thấy lăng ông lớn hai hàng lụy rơi.
Ông ngồi vì nước vì đời,
Hy sinh tài sản không rời nước non.
Nước kênh Vĩnh Tế lờ đờ,
Nhớ ông Bảo Hộ dựng cờ chiêu an.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: