Chiếm được Hàm Tử, quân Minh có thể uy hiếp tuyến đường thủy vùng Đông Bắc, vua Trùng Quang bị chia cắt ở Bình Than gặp nguy hiểm. Vì thế vua Trùng Quang và Nguyễn Cảnh Dị quyết định rút về căn cứ ở Nghệ An để hội quân. Nhà Hậu Trần cố gắng củng cố binh lực.

Khởi nghĩa khắp nơi giúp nhà Hậu Trần có thời gian củng cố

Trương Phụ muốn nam tiến để đánh tan nhà Hậu Trần, nhưng lại phải chống đỡ với nhiều cuộc khởi nghĩa diễn ra lúc đó. Sự cai trị tàn ác của quân Minh khiến người dân nổi lên khởi nghĩa khắp nơi. Trương Phụ đưa quân đi đàn áp, chém giết, Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi chép: “có nơi thây chất thành núi, có chỗ moi ruột quấn vào cây, hoặc rán thịt lấy mỡ, hoặc nướng đốt làm trò, thậm chí có đứa mổ bụng lấy thai”.

Tận dụng khoảng thời gian quân Minh phải lo chống đỡ các cuộc khởi nghĩa, nhà Hậu Trần ở Nghệ An lo củng cố lực lượng, trữ lương, rèn vũ khí. Đặng Dung cho quân và dân lấp đá, đóng cọc các tuyến sông ngăn quân Minh nam tiến.

Nhà Hậu Trần - P4: Nuôi hy vọng được phong vương, vuột mất cơ hội
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Trương Phụ sau khi đánh dẹp được các cuộc khởi nghĩa thì quyết định nam tiến. Tuy nhiên quân Minh gặp khó khăn khi dỡ bỏ các chướng ngại vật, việc dỡ cọc, dời đá rất mất thời gian. Đặng Dung cũng cho quân mai phục đánh tập kích quân Minh nhằm gây tiêu hao và cản trở việc dỡ bỏ các chướng ngại vật.

Sau hai tuần quân Minh mới đến được Thanh Hóa đóng quân. Vua Trùng Quang cho Sứ giả đến giảng hòa, xưng là con cháu họ Trần mong được phong vương khôi phục nhà Hậu Trần. Nhưng Trương Phụ không đồng ý và cho giết luôn cả Sứ giả.

Nhận thấy quân Minh rất mạnh, Thanh Hóa khó giữ được, quân Hậu Trần rút lui khỏi đây về Nghệ An cố thủ. Tuy nhiên lực lượng thủy quân do Đặng Dung chỉ huy vẫn bám trụ các con sông, dùng chiến thuật đánh du kích thoắt ẩn thoắt hiện khiến quân Minh bị thiệt hại.

Bị Mông Cổ tiến đánh, Trương Phụ phải về nước

Đầu năm 1410, Mông Cổ tiến đánh nhà Minh, Khả hãn Bản Nha Thất Lý cho quân tiến đánh cướp phá vùng biên giới, 10 vạn quân Minh tiến đánh nhưng bại trận hoàn toàn.

Nhận thấy sức mạnh đáng sợ quân Mông Cổ, hoàng đế Minh Thành Tổ huy động 50 vạn quân chuẩn bị cho cuộc chiến, đồng thời cho gọi viên tướng dày dạn Trương Phụ trở về nước tham gia cuộc chiến này, trao quyền Tổng binh lại cho Mộc Thạnh.

Trước khi về nước, Trương Phụ muốn có một số cuộc chiến nhằm giải tỏa bớt cho quân Minh khi mình về nước. Trương Phụ cho quân tấn công nghĩa quân Nguyễn Sư Cối ở Đông Triều, do lực lượng này ở gần và có nguy cơ uy hiếp thành Đông Đô. Nghĩa quân đa phần lính mới chưa có nhiều kinh nghiệm nên bị đánh tan.

Tháng 3/1410, Trương Phụ rút về nước cùng một số tướng và quân tinh nhuệ. Mộc Thạnh còn 4 vạn quân cùng hàng vạn ngụy binh để đối phó với nhà Hậu Trần.

Nhà Hậu Trần chờ cầu phong

Lúc này thế trận 2 bên đan xen nhau, quân Hậu Trần cũng tìm cách quấy rối hậu quân của quân Minh.

Tháng 5/1410, quân Minh tiến đánh Hạ Hồng (thuộc Hải Dương ngày nay) nhưng bị quân của Nguyễn Cảnh Dị đón đánh, quân Minh đại bại. Một cánh quân Minh khác ở sông Tranh (Ninh Bình ngày nay) cũng bị đại bại, tướng chỉ huy bị tiêu diệt. Những chiến thắng liên tiếp đã cổ vũ tinh thần cho người dân, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra trong thời gian này.

Tháng 6/1410, quân của Mộc Thạnh đụng độ quân của vua Trùng Quang ở Ngu Giang (Nga Sơn, Thành Hóa). Quân Minh cho thủy quân tấn công, quân Hậu Trần không chổng nổi phải rút lui, mất 3.000 quân.

Lúc này ở Thanh Hóa có cuộc khởi nghĩa Đồng Mặc đánh cho quân Minh khốn đốn. Đại Việt Sử ký Toàn thư mô tả: “Người Thanh Hóa là Đồng Mặc, tên hiệu là Lỗ Lược tướng quân, đánh giết bọn giặc nhiều không kể xiết. Chỉ huy của quân Minh là Tả Địch bị bắt, Vương Tuyên (có sách ghi là Vương Đản) thế cùng phải tự vẫn.”

Nhờ cuộc khởi nghĩa của Đồng Mặc mà nhà Hậu Trần vẫn giữ được Thanh Hóa, vua Trùng Quang cho sáp nhập quân khởi nghĩa này vào quân Hậu Trần và giao cho Đồng Mặc trấn giữ vùng Thanh Hóa.

Dù có lợi thế, nhưng vua Trùng Quang lại không tận dụng cơ hội tiến đánh quân Minh, nuôi hy vọng nhà Minh đồng ý việc cầu phong, cử một đoàn Sứ giả đến Kim Lăng để điều đình. Tuy nhiên hoàng đế Minh Thành Tổ đã cho giết luôn cả Sứ giả, thể hiện quyết tâm chiếm đóng cai trị Giao Chỉ.

Chỉ phong quan, không phong vương

Quân Hậu Trận đẩy mạnh tấn công khắp nơi khiến quân Minh phải căng sức chống đỡ. Để đối phó, quân Minh xin được giảm chính sách cai trị hà khắc ở Giao Chỉ nhằm giảm bớt sự chống đối của dân chúng; đồng thời cấp ruộng đất bổng lộc cho ngụy binh nhằm tận dụng. Quân Minh còn định dùng tiền bạc chức tước nhằm chiêu dụ những người đứng đầu khởi nghĩa, dùng chính sách để chiêu an dân chúng. Mục đích của quân Minh nhằm tạm giữ yên Giao Chỉ, để lo đối phó với các bộ tộc Mông Cổ phía bắc.

Thấy nhà Minh thay đổi chính sách cai trị, một lần nữa vua Trùng Quang lại nuôi hy vọng nhà Minh phong vương cho mình, sai một đoàn sứ bộ mang cống phẩm và thư xin cầu phong sang Kim Lăng.

Tuy nhiên hoàng đế Minh Thành Tổ chỉ chấp nhận phong chức quan cho nhà Hậu Trần. Minh thực lục ghi chép nội dung thư của Minh Thành Tổ gửi vua Trùng Quang như sau: “Bọn các ngươi dâng biểu xin hàng, nay chấp nhận lời xin, mỗi người được nhận chức quan, nếu quả thành thực thì một phương hưởng phúc, vĩnh viễn thái bình. Nếu ôm lòng man trá không có lòng thành, đại quân tiến đánh thì chính các ngươi để hoạ lại cho dân chúng, hối cũng không kịp.”

Nhà Hậu Trần hy vọng việc cầu phong nhằm khôi phục vương triều nhà Trần, chứ không cần quan tước của nhà Minh. Từ đó vua Trùng Quang không còn hy vọng gì ở việc này nữa.

Tuy nhiên thời gian thuận lợi cho nhà Hậu Trần không còn nhiều. Cuối năm 1410, tình hình biên giới với Mông Cổ đã ổn định, rảnh tay đối phó Giao Chỉ, hoàng đế Minh Thành Tổ lại để Trương Phụ thống lĩnh đạo binh lớn tiến vào Giao Chỉ.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: