Cửa biển Thần Phù là vị trí rất quan trọng, quân Minh muốn nam tiến phải đến đây ra biển tiến xuống phía nam. Vị trí quân Hậu Trần chọn đón đánh là ở Mô Độ, Yên Mô, Trường Yên, nơi có con đường hẹp lại lầy lội, như thế quân Minh sẽ không huy động được sức mạnh của đội kỵ binh tinh nhuệ, hy vọng dù thua thiệt về quân số nhưng được bù đắp về địa lợi. Tháng 9/1412, Trương Phụ đưa quân đến cửa biển Thần Phù.

Thế trận tại cửa biển Thần Phù

Sáng sớm ngày 6/9/1412, quân Minh đến của biển Thần Phù, từ xa đã thấy bóng thuyền quân Hậu Trần, Trương Phụ liền sai Phương Chính đưa hàng trăm chiến thuyền tiến đánh, Trương Phụ dẫn quân theo sau. Kỵ binh quân Minh vẫn đi hai bên bờ theo thủy quân, nhưng lại không không tiến theo được bởi địa hình không cho phép.

Lúc này có gió bắc, chiến thuyền quân Minh theo chiều gió mở hết các cánh buồm nhằm tận dụng sức gió tiến đánh. Trước đà tiến của quân Minh, các thuyền nhỏ của quân Hậu Trận dường như kinh sợ quay đầu chạy ra biển, quân Minh đuổi sát theo sau.

Các chiến thuyền quân Hậu Trần vừa chạy đến cửa biển thì dàn ngay thành thế trận, thuyền quân Minh to lớn nối đuôi nhau trong dòng sông nhỏ hẹp không thể dàn thành trận được.

Thuyền quân Minh vừa chớm ra vùng cửa biển, chưa kịp dàn trận thì các chiến thuyền quân Hậu Trần dàn trận sẵn tấn công dồn dập.

Nhà Hậu Trần - P6: Đại chiến ở cửa biển Thần Phù
(Tranh minh họa của họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Nguyễn Súy chỉ huy một cánh quân chiếm lĩnh vị trí thuận lợi trên bờ để bắn tên và đạn pháo xuống thuyền quân Minh.

Quân tiên phong của Phương Chính thiệt hại nặng. Quân Minh lợi dụng hướng gió cố chạy nhanh ra biển, đâm cả vào thuyền quân Hậu Trần.

Đúng lúc này hậu quân của Trương Phụ cũng tiến đến, hai bên giằng co bất phân thắng bại.

Quân Hậu Trần nửa đánh nửa rút, khiến vỡ trận

Trương Phụ quan sát thế trận thấy cánh quân trên bộ của Nguyễn Súy chiếm vị trí tốt, liên tục bắn pháo và tên vào các chiến thuyền quân Minh, liền sai một cánh quân trên bộ nửa đêm bất ngờ đánh vào quân Nguyễn Súy.

Nguyễn Súy bị đánh bất ngờ không chống nổi phải cho quân lên thuyền rút lui. Không còn được hỗ trợ, Nguyễn Cảnh Dị cũng cho quân rút theo. Thế trận bao vây của quân Hậu Trận bị hở, thủy quân Minh tràn được ra vùng biển tìm cách bao vây lại quân Hậu Trần.

Các chiến thuyền của Phò mã Hồ Bối bị quân Minh hình thành thế bao vây, biết thế không chống nổi liền cho quân lên bờ rút lui theo đường rừng. Quân Minh không đuổi theo các cánh quân Hậu Trần rút đi mà nhắm thắng vào cánh quân của Đặng Dung.

Cánh quân của Đặng Dung bỗng chốc bị bỏ lại một mình. Đặng Dung chỉ huy quân mở một con đường máu chạy thoát ra biển rồi rút về phương nam.

Cuộc chiến diễn ra liên tục không ngừng từ sáng sớm ngày 6/9/1412 đến trưa ngày 7/9/1412. Minh Thực Lục ghi chép rằng hàng ngàn quân Hậu Trần bị diệt, 1.000 quân và tướng chủ lực bị bắt như đại tướng Trần Lỗi, Long hổ tướng Đặng Nhữ Hý,…

Nhìn chung quân Hậu Trần có một điểm yếu là không có một tiếng nói thống nhất từ trên xuống, cánh quân nào cũng chỉ nghe theo lời chủ tướng của mình. Vì thế mà có cánh quân thì rút đi, cánh quân khác thì cô độc ở lại chiến đấu.

Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, sử thần Ngô Sĩ Liên nói rằng: “Đạo cầm quân chế thắng cốt ở đồng tâm hiệp lực. Giả sử bọn Súy và Dị một lòng quyết đánh thì Dung và Phụ cũng chưa biết ai được ai thua. Đó là vì trời không giúp họ Trần vậy!”

Mất Thanh Hóa, phòng thủ Nghệ An

Quân Hậu Trần rút về Nghệ An lo phòng thủ, quân Minh dễ dàng chiếm Thanh Hóa mà không có sự kháng cự đáng kể nào. Dân Thanh Hoá chống cự và dấu lương thực, quân Minh mạnh tay chém giết bừa bãi.

Do thủy quân bị thiệt hại nặng, Trương Phụ cho gấp rút đóng thêm các chiến thuyền mới.

Thấy quân Hậu Trần tập trung phòng thủ ở Nghệ An, Trương Phụ vốn cẩn trọng không dám cho quân đánh ngay. Vua Minh Thành Tổ nóng lòng muốn kết thúc chiến tranh ở Giao Chỉ liền quyết định cho thêm quân tăng viện cùng lương thực.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: