Từ cổ đến nay, thứ mà âm nhạc tốt đẹp mang đến cho con người đều là những thụ hưởng tuyệt vời, vừa có thể tịnh hóa tâm linh, tịnh hóa linh hồn lại giúp cải biến thân thể. Hơn nữa, vào thời cổ đại có một số người tu luyện cũng có thể từ trong tiếng nhạc mà biết được tâm tình của con người, sự biến đổi của xã hội thậm chí là sự hưng vong của triều đại. Thời thượng cổ, nhạc thần Sư Diên chính là người xuất sắc trong số ấy.

Trí tuệ cổ nhân: Có Đức mới đàn được hay
(Tranh minh họa: Zhao Ji, Wikipedia, Public Domain)

Sư Diên là nhạc sư thời nhà Ân Thương. Từ thời Thần Phục Hy, các thành viên trong gia tộc của ông đều đảm nhiệm chức nhạc sư của các triều đại. Sách “Thái Bình Quảng Ký” ghi chép lại, Sư Diên sống thời gian rất lâu, khi thì xuất thế, lúc lại ẩn cư và là một người am hiểu đạo. Thời kỳ Hoàng Đế Hiên Viên, Sư Diên đảm nhiệm quan viên trong ti nhạc. Lúc này ông đã rất nhiều tuổi.

Vào những năm cuối nhà Hạ, ông đến cậy nhờ vua Thương Thang. Thời nhà Ân, Sư Diên đã biên tập toàn bộ chương nhạc của thời Tam Hoàng Ngũ Đế. Trình độ gảy đàn của ông rất cao, đạt đến mức độ khi ông gảy đàn thì mọi âm thanh nơi thế gian đều tĩnh lặng lại, các vị Thần Tiên đều hiện thân lắng nghe, khi ông chơi Ngọc Luật (một loại nhạc khí) thì sẽ đưa các Thiên Thần giáng thế. Vì thế, người đương thời gọi Sư Diên là “Nhạc Thần”.

Tới thời kỳ Thương Trụ vương, Trụ Vương sa đà vào tửu sắc, say sưa tối ngày, mệnh lệnh cho Sư Diên diễn tấu nhạc khúc nhưng không vừa lòng vì cho rằng khúc nhạc mà ông gảy rất tẻ nhạt và vô vị vì thế Trụ Vương đã cho giam Sư Diên vào nội cung, dự định xử tử ông. Trong lúc bị giam cầm, Sư Diên vẫn kiên trì diễn tấu những bản nhã nhạc thanh cao và tao nhã.

Sách “Hoàng Đế nội kinh” viết: “Trời có ngũ âm, người có ngũ tạng”. Ngũ âm là chỉ năm loại âm điệu gồm “Cung, thương, giác, chinh, vũ”, đối ứng với ngũ tạng và ngũ thường. Trong đó, âm nhạc điệu cung bình ổn nhu hòa, đối ứng với tì tạng của con người, thể hiện tâm tình của thánh nhân; âm nhạc điệu thương dồn dập trong trẻo, đối ứng với phổi của con người, thể hiện tâm tình của nghĩa; âm nhạc điệu giác cao êm và ngân nga, đối ứng với gan của con người, thể hiện ra tâm tình của nhân từ; âm nhạc điệu chinh cao vút và nhiệt huyết, đối ứng với tâm tạng của con người, thể hiện tâm tình của lễ; âm nhạc điệu vũ rõ ràng, đu đưa và xa vời vợi, đối ứng với thận của con người, thể hiện tâm tình của trí.

Con người khi nghe nhạc thì ngũ tạng sẽ chịu những ảnh hưởng này, sẽ xuất hiện những rung động mang tính quy luật, từ đó khiến cho tinh thần và thậm chí là cả thân thể cũng có những sự biến hóa. Khi mọi người nghe được âm cung thì tự nhiên sẽ có một loại tâm tình ôn nhu thư thái và thản đãng, khi nghe được âm giác thì sẽ sinh ra một loại tâm trắc ẩn, cảm thông và nhân ái, khi nghe được âm thương thì tâm sẽ liêm chính ngay thẳng, khi nghe được âm chinh thì sẽ có tâm thái chỉnh tề có lễ độ, còn khi nghe được âm vũ thì lại cảm thấy vui vẻ được giúp đỡ người khác.

Sư Diên diễn tấu những khúc nhã nhạc đối với bậc Đế Vương có đạo đức cao thượng hoặc tự yêu cầu nghiêm khắc bản thân mà nói thì không khác gì “trời hạn gặp mưa rào”. Bởi vì âm nhạc tốt có thể tẩy sạch những tạp niệm và ý nghĩ tà ác trong nội tâm con người, khiến người ta trở về với bản tính trong sáng chất phác. Nhưng Trụ Vương bởi vì đã trầm mê vào thanh sắc, rời xa đạo đức, có nhiều dục vọng thì đã không thể tiếp thụ được loại âm nhạc này được nữa. Bởi thế, quan viên cai quản hình ngục đã nói với Sư Diên: “Đây là tiếng nhạc thuần phác của niên đại xa xôi, hiện tại đã không lưu hành, ông phải diễn tấu một số bản nhạc mà Đại Vương của chúng tôi thích nghe”.

Để khỏi bị bào cách (dùng sắt nung đỏ đốt da người), Sư Diên miễn cưỡng diễn tấu khúc nhạc mê hồn dâm phách. Thông thường mà nói, nhạc khúc như vậy nhỏ thì có thể khiến người nghe tình chí tán loạn trầm luân, phóng túng tình dục, còn lớn thì có thể khiến thương thân bại quốc. Quả nhiên, Sư Diên diễn tấu khúc nhạc ấy đã khiến cho nhóm quan lại hình ngục cảm thấy khoái lạc vui vẻ, làm cho Trụ Vương cảm thấy rất thỏa mãn. Trụ Vương chuyển giận sang vui, liền phóng thích Sư Diên. Còn Sư Diên khi diễn tấu khúc nhạc ấy thì trong tâm đã cảm nhận được những bước chân đi đến diệt vong của nhà Thương.

Sau khi Sư Diên rời cung, nghe nói Chu Vũ Vương muốn khởi binh diệt Trụ liền tìm đến để nương nhờ. Nhưng khi đi qua sông Bộc Thủy thì ông đột nhiên biến mất. Có người cho rằng ông đã chết dưới sông này, vì thế dân chúng đã khắc tượng Sư Diên và lập đền thờ ông ở đây. Nhưng cũng có thuyết nói rằng ông đã hoàn thành xong sứ mệnh của mình và đi ẩn cư, từ đó không thấy ông xuất hiện nữa.

Sư Diên ngoài sống trường thọ ra, trong cuộc đời ông còn có một bản sự rất to lớn, đó là ông có thể căn cứ vào các nhạc khúc đang truyền lưu trong quốc gia mà phán đoán được sự hưng vong của quốc gia đó. Sở dĩ ông có được bản sự đó là bởi vì ngũ âm “cung, thương, giác, chinh, vũ” có sự đối ứng với con người và sự vật.

Trong “Lễ ký” viết rằng: Cung âm đại biểu cho Thiên tử, là âm thống soái; thương âm là đại biểu cho thần tử; giác âm là đại biểu cho dân chúng; chinh âm là đại biểu cho chính sự; vũ âm là đại biểu cho vạn vật. Nếu cung âm mà loạn thì có nghĩa là quân chủ kiêu xa hoang dâm, thương âm loạn thì có nghĩa là thần tử phạm thượng, giác âm loạn thì dân chúng kêu than sôi trào, chinh âm loạn thì có nghĩa là có nhiều việc bi thương đau buồn, vũ âm mà loạn thì tài vật ngân quỹ quốc gia lâm nguy.

Theo cổ nhân, một ca khúc, một bản nhạc hoàn chỉnh và hài hòa thì phải bắt đầu từ cung âm, sau là âm giác chinh vũ tạo thành, cuối cùng mới là thương âm. Âm luật như vậy có nghĩa là Thiên tử dẫn dắt văn võ bá quan, lấy con dân làm trung tâm, các cơ quan làm nhiệm vụ của mình, như vậy quốc gia mới có thể hưng thịnh thịnh vượng. Trái lại, nếu trong nhạc khúc mà ngũ âm đặt sai vị trí thì đó là dị tượng thể hiện xã hội có sự rối loạn, đất nước có sự đổi thay. Chính nhờ vào sự am hiểu ấy, Sư Diên có thể đoán biết được sự hưng suy của các đời từ Hoàng Đế, qua Hạ Thương Chu, từ đó mà bản thân cũng được bình an vô sự.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm: