Nhân quả báo ứng, xét về phương diện thời gian mà nói thì chính là mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, hiện tại và tương lai. Trong kinh Phật có cách nói “Tam thời báo” chính là hiện báo, sinh báo và hậu báo.

7 mẩu chuyện đáng suy ngẫm về cuộc sống: "Bên cạnh đường vẫn có đường"
(Ảnh: Pixabay)

Hiện báo, hay nói chính xác là hiện thế báo, là có báo ứng ở hiện tại. Sinh báo chính là chỉ việc kiếp này làm thì kiếp sau mới có báo. Cái gọi là “hậu báo” chính là nói kiếp này làm đủ loại nghiệp, không bị hiện thế báo, cũng không bị sinh báo, mà phải qua nhiều kiếp nữa mới bị báo.

Chúng ta hãy lấy thực vật làm ví dụ: Có loại cây trồng vào mùa xuân, mùa thu đã ra hoa kết quả, đây gọi là “hiện báo”. Có loại cây năm nay trồng, sang năm có thể ra hoa kết quả, đây tương đương với “sinh báo”. Còn có loại cây năm nay trồng lại phải đợi nhiều năm sau mới ra hoa kết quả, đây được gọi là “hậu báo”.

Có một bài thơ viết rằng:“Hành tàng hư thực tự gia tri, họa phúc nhân do canh vấn thùy? Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chích tranh lai tảo dữ lai trì”, ý nói rằng các việc làm minh bạch hay mờ ám, hư thực thì tự mình biết. Họa phước sẽ từ đấy mà ra, lại còn phải hỏi ai? Thiện ác cuối cùng rồi cũng có báo ứng, chỉ đến sớm hay đến muộn mà thôi. Tục ngữ cũng có câu: “Không phải không có báo mà là chưa đến thời điểm”, theo thời gian thì quả báo chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Chúng ta thường nghe có người oán trách: “Bà kia ăn chay quanh năm, niệm kinh tụng Phật, đã làm không ít việc tốt. Thế nhưng mà cả đời bà lại gặp nhiều điều không may, dường như không có ngày nào là suôn sẻ thoải mái từ sáng đến tối cả. Ông Trời đúng là không có mắt! Người tốt như vậy, mà lại phải chịu số phận xui xẻo, đâu còn nhân quả báo ứng nữa?” Hay có người lại than: “Bà ấy không điều ác nào không làm, phải sớm bị trời trừng phạt mới đúng! Nhưng, mọi người xem, bà ấy lại vừa giàu có vừa sung sướng, chẳng phải chịu đựng sự trừng phạt nào. Ông trời đúng là không có mắt!” Đối với những vấn đề này, kỳ thực, hết thảy đều là có liên quan đến nhân quả.

Bà kia có tâm hướng Phật, tích đức hành thiện, nhưng lại không được phúc báo là bởi vì kiếp trước bà còn thiếu nợ nhiều. Nghiệp lực trong quá khứ của bà còn chưa được hoàn trả hết ở kiếp này. Cho dù kiếp này công đức như núi nhưng phải hoàn trả nghiệp trong quá khứ nên việc vẫn phải chịu khổ là không thể tránh khỏi. Bà kia phải chờ đến khi nghiệp lực được tiêu trừ hết thì mới được hưởng phúc báo. Còn người làm điều ác mà vẫn được hạnh phúc, sung sướng là vì kiếp trước họ có phúc lớn, sang kiếp này vẫn chưa dùng hết. Đợi đến lúc người đó dùng hết rồi thì ắt sẽ phải chịu khổ chịu nạn ngay lập tức.

Câu chuyện nhân quả ba đời của cậu bé bán bánh

nhân quả
(Hình minh họa: Qua kknew.cc )

Có một câu chuyện kể về nhân quả giữa quá khứ, hiện tại và tương lai như thế này:

Trước đây có một vị hòa thượng già phát tâm muốn xây dựng một ngôi chùa, ông liền đi hóa duyên bốn phương. Hóa duyên trong kinh Phật trước đây giảng là không phải chỉ đi xin ăn như bây giờ mà là lựa chọn hoặc ngồi, hoặc đứng hoặc đến nơi dân chúng, tụng kinh, giảng giải để cảm hóa dân chúng, cùng chúng sinh kết thiện duyên và cùng nhau xây dựng chùa.

Thế nhưng, vị hòa thượng già đó ngồi ở nơi đó vất vả tụng kinh niệm Phật, niệm đến hơn ba tháng ròng rã mà vẫn không có người nào để ý đến ông cả.

Cuối cùng, một cậu bé bán bánh nướng ở bên cạnh nhìn thấy vị hòa thượng này quá khổ sở, cậu thật không đành lòng. Lòng từ bi của cậu bé tự nhiên sinh ra, cậu liền nghĩ: “Vị hòa thượng già kia cực khổ như vậy, mình sẽ đem bánh nướng bán đi rồi cho ông ấy tiền!” Nghĩ vậy, ngày hôm đó cậu bé bán được bao nhiêu tiền bánh nướng đều mang về quyên hết cho vị hòa thượng già kia.

Cả thị trấn đó, ai ai cũng nghe nói cậu bé bán bánh nướng quyên tiền cho vị hòa thượng già nên sinh lòng hổ thẹn và tự nghĩ: “Đứa bé bán bánh nướng mà cũng biết phát tâm hành thiện tích đức, mình đúng là bủn xỉn. Chẳng lẽ mình còn không bằng một đứa trẻ sao?” Thế rồi, cứ một người truyền mười người, mười người lại truyền một trăm người. Ông này quyên tiền, bà kia góp tiền, chẳng bao lâu đã đủ tiền để xây dựng ngôi chùa.

Vị hòa thượng già vô cùng cảm kích trước tấm lòng của cậu bé này. Ông nói với cậu bé: “Này cậu bé! Cậu hôm nay phát tâm làm được việc đại đức, tương lai nếu cậu có khó khăn gì hãy nhớ đến chùa tìm ta nhé!” Cậu bé đồng ý rồi vui vẻ rời đi.

Không ngờ, vừa trở về nhà, vì không nộp đủ tiền bán bánh nướng nên cậu bé bị ông chủ mắng mỏ thậm tệ rồi đuổi đi. Cậu bé nhất thời chưa tìm được công việc mới, nên ngày ngày lang thang trên đường và cuối cùng trở thành một người ăn xin. Cậu bé chẳng những hàng ngày không được ăn đủ ba bữa cơm mà còn rơi vào tình cảnh vô cùng khốn khó. Hơn nữa, cậu bé còn bị bệnh chốc đầu và mắt cũng bị mù. Đến lúc này thì ngay cả việc ăn xin cũng không còn là việc dễ dàng với cậu nữa, thực sự là đã rơi vào bước đường cùng.

Bỗng nhiên cậu nhớ tới lời vị hòa thượng già trước đây đã nói và cậu cảm thấy tìm được “đường sống trong cõi chết”. Thế là cậu từng bước, từng bước tìm đến ngôi chùa kia.

Lúc này vị hòa thượng già đã tu thành, đã chứng được “ba minh sáu thông” nên ông biết rõ cậu bé ăn xin sẽ đến chùa để cầu viện. Ngay vào lúc ban đêm hôm trước, ông đã triệu tập mọi người trong chùa và nhắn nhủ: “Ngày mai có một vị “đại hộ pháp” tới chùa chúng ta. Mọi người hãy mở cửa chùa cung kính nghênh đón, đừng để sơ suất!”

Mọi người nghe xong, ai nấy đều khó hiểu, người nào cũng tò mò không biết rốt cuộc là ai sẽ đến chùa vào ngày mai. Họ nhìn vị hòa thượng già lại thấy bộ dạng của ông không phải là nói đùa, nên đã tranh nhau hỏi vị hòa thượng người muốn đến chùa là ai? Vị hòa thượng phất ống tay một cái rồi nói: “Dù thế nào cũng nhất định có người đến là được!”

Ngày hôm sau, tất cả các vị sư trong chùa đều chuẩn bị nghênh đón người “đại hộ pháp”, nhưng mãi đến tận tối mà vẫn không thấy ai tới chùa. Vị sư tiếp khách nghi nghi hoặc hoặc tới hỏi vị hòa thượng già: “Thưa thầy, không có vị đại hộ pháp nào tới chơi cả!” Vị hòa thượng già nghiêm mặt hỏi lại: “Chẳng lẽ hôm nay không có bất kể một người nào đến chùa sao?”

Vị sư tiếp khách trả lời: “Không có một ai cả! Chỉ có…chỉ có một tên ăn mày nhỏ nhỏ mò mẫm tới mà thôi. Tên ăn mày đó muốn vào nhưng con sợ hỏng mất buổi đại lễ tiếp khách nên đã cho hắn mấy cái bánh rồi đuổi đi rồi!”

Hòa thượng già hai mắt mở to rồi nói lớn: “Người này chính là “đại hộ pháp” của chúng ta, mau mời vào! Mau mời ngay vào! Mau chóng đuổi theo để mời vào!” Vị sư tiếp khách nghe thấy liền kinh ngạc, vẻ mặt biểu lộ sự băn khoăn nhưng lại không dám cãi lời sư trụ trì, đành phải lập tức xuống núi truy tìm. May là cậu bé bị mù lòa nên đi chậm chạp, không lâu sau thì các sư cũng tìm thấy cậu. Họ đưa cậu về chùa, chăm sóc và để cậu ở lại chùa.

hoa thuong
(Ảnh minh họa/Nguồn: Flickr)

Nhưng thật không ngờ, một đêm nọ, cậu bé mù lòa đi vệ sinh không may bị rơi xuống hầm cầu mà chết đuối.

Tin tức được truyền ra ngoài, rất nhiều người biết tin và cảm thấy thật bất công với cậu: “Mọi người nói xem, làm gì có nhân quả báo ứng ở trên cõi đời này? Cậu bé vốn có nghề bán bánh nướng, cuộc sống tương đối tốt. Cậu lại hết lần này đến lần khác hành thiện tích công đức thế mà về sau lại toàn gặp vận xui. Đầu tiên là bị đuổi việc trở thành ăn mày, tiếp đến là bị mù lòa, thật khổ sở mới tới được chùa sinh sống thì lại bị chết đuối. Mọi người nói đi, nhân quả là cái gì?”

Cuối cùng những lời nói này cũng tới tai vị hòa thượng già. Vị hòa thượng già bèn cho mời rất đông mọi người tới chùa, ông giảng rõ cho mọi người về “tam thế quả báo”: “Cậu bé kia căn cứ vào nghiệp lực trong quá khứ, nên phải chịu ba đời thống khổ. Đời thứ nhất chính là phải chịu bj chốc đầu, đời thứ hai là bị mù lòa, đời thứ ba là bị rơi xuống hầm cầu mà chết. Nhưng, cậu bé một lòng từ bi, phát tâm làm đại công đức, nên nghiệp lực kia sớm được rút ngắn đi, cậu ấy chỉ phải trả những nghiệp lực đó trong một đời này thôi. Cậu đã được rút ngắn đi hai đời phải chịu thống khổ. Hiện tại cậu ấy đã được siêu sinh rồi! Nhân quả đều hiện rõ ra đầy đủ cả, sao có thể nói là không báo không ứng đây?”

Mọi người nghe xong đều xúc động vô cùng, cảm thấy tam thế nhân quả thật không thể tưởng tượng nổi.

Trong Kinh Phật có câu kệ như này: “Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong; nhân duyên tế ngộ thì, quả báo hoàn tự thụ”, ý nói là hạt giống hành thiện, hành ác dù trải qua bao nhiêu năm tháng, vẫn sẽ sinh trưởng trong bùn đất, một khi nhân duyên tụ hợp, thời cơ chín muồi, có ánh mặt trời, không khí, giọt sương, nó sẽ lập tức đâm trồi nảy lộc, ra hoa và kết quả, tự thụ tự báo.

An Hòa (dịch và t/h theo sự đồng ý của tác giả)

Xem thêm: