Thi hào Tô Đông Pha, một trong Bát đại gia Đường Tống, từng viết một câu thơ thế này: “Nhân sinh như nghịch lữ, Ngã diệc thị hành nhân”, đời người như quán trọ, ta là khách qua đường. Vội vội vàng vàng đi qua nửa đời người, trải qua muôn loại sự tình, gặp rất nhiều kiểu người, ta mới hiểu được rằng nhân sinh có năm người phải coi trọng, có ba điều cần xem nhẹ.

Nhân sinh có 5 người cần xem trọng, 3 điều cần xem nhẹ
(Ảnh minh họa: Aphotostory, Shutterstock)

Sinh thời cần xem trọng 5 người

Cha mẹ

Sử học gia Tư Mã Thiên viết : “Phụ mẫu giả, nhân chi bổn dã”, cha mẹ là gốc của con người. Cha mẹ cho chúng ta cốt nhục, sự sống, là nền tảng để chúng ta có thể đứng vững trên đời này.

Trong “Kinh Thi” có viết: Cha sinh ta ra, mẹ nuôi dưỡng ta, vuốt ve ta, nuôi ta lớn lên, dạy dỗ ta, che chở ta. Muốn báo ơn sâu như trời cao lồng lộng, sâu thẳm vô cùng”.

Ân tình của cha mẹ cao hơn núi, sâu hơn biển. Dẫu có bận thế nào, mệt ra sao cũng không được quên đối xử tốt với cha mẹ.

Người coi trọng cha mẹ thì làm người ắt sẽ không quên gốc. Người hiếu thuận với cha mẹ làm người ắt sẽ không quên ơn..

Con cái

Con cái giống như là sự tiếp nối sinh mệnh của chúng ta. Khi có con, người ta mới hiểu sâu sắc được ý nghĩa truyền thừa của sinh mệnh.

Con cái cũng là nhân duyên, là tìm đến cha mẹ để có nơi nương tựa. Trong mắt trẻ, cha mẹ chính là bầu trời. Trong mắt cha mẹ, con cái lại luôn nhỏ bé, cần sự chăm sóc che chở. Con cái dạy cho chúng ta biết như thế nào là tình yêu vị tha.

Trong “Chiến quốc sách” có nói rằng: “Phụ mẫu chi ái tử, tắc vị chi kế thâm viễn”, ý rằng cha mẹ thương yêu con, vì con mà lo lắng suy xét, tính toán sâu xa. Luôn mong mỏi con trai thành rồng, con gái thành phượng, đó cũng chính là tấm lòng của các bậc làm cha làm mẹ trong thiên hạ.

Bạn đời

Trên thế gian này, người đồng hành bên chúng ta trong thời gian lâu dài nhất không phải cha mẹ, không phải con cái, mà chính là người bạn đời.

Đến một lúc nào đó, cha mẹ sẽ rời bỏ chúng ta mà đi trước, con cái cũng phải lập gia đình riêng của mình. Cha mẹ và con cái dường như được định sẵn chỉ ở bên chúng ta trên một chặng đường đời nhất định.

Trên con đường nhân sinh, người có thể cùng chúng ta dắt tay đi đến cuối cùng, chỉ có bạn đời của chúng ta. Cuộc sống vợ chồng luôn là như vậy, dẫu có mâu thuẫn vẫn yêu thương nhau cả một đời, nhường nhịn chăm sóc cả một đời.

Lúc trẻ là vợ chồng, khi già là người bạn, nương tựa vào nhau nên vợ nên chồng. Vì vậy, mỗi người đều phải trân quý duyên phận vợ chồng của mình, không dễ dàng từ bỏ.

Ân sư

Người thầy, người tưởng như rất bình thường mộc mạc, đã có những đóng góp quan trọng trong con đường làm người, làm việc của bất kỳ ai.

Trong “Kinh Thi” có câu: Đào lý bất ngôn, hạ tự thành khê”, cây đào cây mận không nói lời nào mà dưới gốc cây tự tạo thành một con đường nhỏ. Cây đào cây mận không nói lời nào, nhưng lại cho hoa thơm, trái ngọt thu hút rất nhiều người tới gốc cây, khiến cho dưới gốc cây người đi thành một con đường nhỏ.

Người thầy chân chính có đạo đức cao thượng, khoan dung lấy thiện đãi người, tự nhiên sẽ có thể cảm hóa được người khác, tự nhiên sẽ được người khác tôn trọng. Đây chính là phẩm chất của những người thầy vĩ đại.

Tri kỷ

Có câu nói rất có đạo lý rằng: “Ngàn vàng dễ kiếm, tri kỷ khó cầu”. Một người cho dù sự nghiệp có thành công đến đâu đi chăng nữa mà không có người bạn tâm giao, hoặc vì tư lợi mà khiến bạn bè thân thích đều rời xa, thì cuộc đời người ấy sẽ có một khoảng trống rất lớn.

Người bạn tốt như chiếc áo ấm sưởi ấm chúng ta những ngày giá lạnh. Người bạn chính trực lại như người thầy giúp ta vượt qua những cám dỗ cuộc đời. Gặp được một người bạn tốt chính là là duyên phận, nhất định phải trân quý.

Đời người có 3 điều cần xem nhẹ

Tiền tài

Trong “Tăng quảng hiền văn” viết: “Cao ốc ngàn gian, đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét; gia tài bạc triệu, ngày ăn cũng chẳng quá ba bữa”. 

“Đại đạo chí giản”, bản chất của cuộc sống là đơn giản và mộc mạc. Người xưa quan niệm, “tích tài không bằng tích đức”. Đối với nghèo khó không cần quá ưu sầu, cũng không nên vôi vã truy cầu phú quý, không cần vì tiền mà làm ra những việc trái đạo lý. Trái lại, nên hiểu rằng, “tiền tài là vật ngoài thân”, như vậy có thể càng thêm ung dung hưởng thụ đời người.

Tình cảm

Người quá để tâm đến chuyện tình cảm thì thường sống rất mệt mỏi. Trên đời này không có mối quan hệ nào không có chút mâu thuẫn, cũng hiếm có trường hợp luôn cùng chung chí hướng, bao dung tương hỗ lẫn nhau. Người sống một đời, cây cỏ sống một mùa thu.

Không miễn cưỡng, không ủy khuất, không ép buộc, chỉ nên đem kiên nhẫn và thiện ý, lưu lại cho những người xung quanh.

Được mất

Nhân sinh tựa như một chuyến lữ hành, được mất đều tùy duyên. Chúng ta đến thế gian này một chuyến, bất quá cũng chỉ là một lần trải nghiệm. Nếu lúc nào, ở đâu cũng so đo được mất thì chẳng phải là khiến bản thân mệt mỏi.

Thay vì tiếc nuối những thứ đã mất, chi bằng hãy trân quý hết thảy những gì mình đang nắm giữ. Bớt đi một chút phàn nàn và chấp nhất sẽ có nhiều hơn một chút thoải mái và tự tại.

Đời người, suy cho cùng được thứ này sẽ mất thứ khác, được mất luôn là bằng không. vì thế sống trên đời không nên so đo tính toán quá nhiều, không cần phải quá bận tâm đến được mất, thiệt hơn. Người biết đủ, hiểu thấu lẽ được mất, sống thuận theo tự nhiên sẽ sống được vui vẻ, hạnh phúc nhất.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: