Nhận thức muộn là những suy nghĩ của con người nhằm suy xét vấn đề sau khi sự việc đã xảy ra. Nhận thức muộn giúp ta đánh giá vấn đề và rút ra bài học kinh nghiệm trong sự việc đó nhằm làm tốt hơn hoặc có biện pháp tránh. Nhưng nhiều người dùng nhận thức muộn không phải để rút ra bài học kinh nghiệm mà để phán xét người khác. Chính điều này làm cho người ta vướng các lỗi: phán xét ẩu, lý trí một cách vô cảm, đổ lỗi cho nạn nhân…

Sau khi một cô gái bị hiếp dâm, người ta nghe hoặc đọc thông tin khá đầy đủ của sự việc thì nhận thức muộn của họ sẽ phân tích và phán, “Ai biểu con gái mà đi chơi khuya rồi về lại đi đường vắng. Sao không kiếm đường đông mà đi, sao không thuê khách sạn mà ngủ lại, sao không… mà lại để…”

Thật ra thì, chẳng có bất kỳ ai trong chúng ta biết trước được tương lai trong phút tới xảy ra điều gì, nó có làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của ta không. Thế thì tại sao ta lại có thể phán một cách chắc nịch rằng cô gái kia là kẻ ngốc và do đó nên mới bị hại!?

Không ai trong chúng ta biết cái gì sẽ xảy ra cho đến khi nó xảy ra. Và ai trong chúng ta cũng đều rất nhiều lần gặp những tình huống bất ngờ hoặc những điều xấu xảy đến với mình mà mình không tránh được. Không có ai thông minh, tính toán được hết mọi phương án cho mọi biến số của rất nhiều sự việc xảy ra trong cuộc sống.

Lúc này, ngồi đây, ta nghĩ ồ sao anh kia lại làm cái điều ngốc thế nhỉ. Nhưng, anh kia, khi đang làm điều ngốc đấy thì lại không biết mình ngốc, anh có nguyên nhân và lý do cho hành động của mình.

Nhận thức muộn giúp ta học hỏi, nhưng đừng để nó biến ta thành những kẻ ra vẻ khôn ngoan khi phán xét. Điều này rất bậy và tệ.

Bạn ngồi xem phim, biết mọi tình tiết của câu chuyện, bạn thấy kẻ ác núp trong đống rơm, bạn hét lên cảnh báo cho nhân vật chính, “Nó kìa, bắn nó đi, bắn đi, ơ ngu lại để cho nó bắn chết rồi!” Bạn xem một trận bóng đá, góc nhìn và quan sát của bạn hoàn toàn khác với góc nhìn của cầu thủ đang dẫn bóng. Bạn gào lên, “Cánh trái. Cánh trái. Kìa. Chuyền đi. Trống quá chuyền đi. Ô cái thằng không chịu chuyền, ham dắt rê để mất bóng rồi!” Toàn bộ đều là nhận thức muộn và khi nói những câu như trên nghĩa là bạn đang chỉ nhìn thấy sự việc ở góc của bạn và đang rất ẩu trong lời nói và suy nghĩ.

Tất cả chúng ta đều rất khó chịu khi bị ai đó phán xét bởi nhận thức muộn. Ta nghĩ, “Nói hay lắm, ở trong trường hợp đó đi, trong hoàn cảnh đó đi rồi biết!” Ấy vậy mà ta sẽ rất dễ để bản thân rơi vào cái bẫy nhận thức muộn và phán bậy về sự việc của người khác chứ không tránh. Con người cứ làm tổn thương nhau vòng vòng và tệ hơn nữa là nhân danh tình yêu thương khi gọi đó là sự quan tâm!

Sửa tư duy là điều không dễ, nhưng không sửa thì sao biết với mình nó dễ hay khó?!

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm:

Mời xem video: