Nhìn bên trong từ bên ngoài, nhìn bản thân từ người khác, những gì bạn bài xích chính là những điều bạn cần học hỏi. Dưới đây là những quy tắc để bạn thấu hiểu chính mình.

Nhìn người khác, bạn sẽ hiểu chính bản thân mình
(Ảnh: AaDil, Pexels, Fee to Use)

Quy tắc 1: Bạn là người thế nào thì sẽ cho rằng người khác là thế ấy. Những điều bạn không thể tha thứ cho người khác là những điều bạn không thể tha thứ cho chính mình.

Một người có đạo đức không tốt sẽ nghi ngờ đạo đức của người khác; một người không trung thành với người khác cũng sẽ nghi ngờ sự trung thành của người khác; một người hay nổi nóng sẽ cho rằng người khác hay tức giận với mình… Liệu bạn có đang đổ tội và oán trách người khác chỉ vì nỗi oán giận của mình hay không? Cũng như vậy, những gì người khác dè bỉu bạn cũng phản ánh thế giới nội tâm của họ. Họ phê bình bạn, rất có thể là vì họ không hài lòng với bản thân, thậm chí bản thân họ chính là “cái kiểu người” mà họ phê bình.

Khi nội tâm an hòa, bạn sẽ dừng việc phê bình người khác và suy nghĩ về nỗi bất bình của mình với người khác. Một người thật sự thiện lương, dù cho bạn đối xử với họ ra sao, những gì họ bộc lộ sẽ chỉ là ôn hòa, lương thiện, bởi vì họ chính là con người như vậy.

Quy tắc 2: Nhìn bên trong từ bên ngoài, nhìn bản thân từ người khác. Thông qua người khác, bạn mới có thể thật sự hiểu được bản thân mình.

Những gì mà bạn nhìn thấy ở người khác thật ra chính là bản thân bạn. Mọi mối quan hệ của bạn đều là một tấm gương, thông qua chúng, bạn có thể thật sự hiểu được chính mình.

Nếu bạn cảm thấy người khác đang kiêu căng ngạo mạn, thì có thể là bạn đang đố kỵ. Nếu bị kẻ khác chọc ghẹo, thì có thể bạn đang muốn khoe khoang sắc đẹp của mình. Nếu bạn cảm thấy người bạn đời mất đi tình yêu thương, thì có thể là bạn đã không còn nhiệt tâm với họ nữa.

Đôi khi chúng ta yêu quý một ai đó, rồi lại đột nhiên cảm thấy chán ghét họ, bạn đã suy nghĩ là vì sao chưa? Có thể họ đang để bạn nhận ra mặt tối của chính mình đấy! Điều khiến bạn ghét nhất ở người khác có thể cũng là điều mà bạn không chịu nổi ở chính mình.

Quy tắc 3: Nội tâm như thế nào thì sẽ bị người như thế ấy thu hút. Những gì mà bạn bài xích chính là những thứ lòng bạn muốn chối bỏ.

Bạn sẽ tìm được ở những người mình yêu quý tính cách của bản thân, và cũng tương tự như vậy, bạn sẽ tìm thấy ở những người mình bài xích thứ bạn không muốn chấp nhận.

Thay vì dạy hai người làm thế nào để hòa hợp thì chi bằng hãy dạy họ cách làm cho lòng dịu lại, tự nhiên hai người sẽ hòa hợp. Dạy họ cách tăng cảm tình dành cho nhau chi bằng dạy họ tự trưởng thành, mối quan hệ đôi bên tự nhiên cũng sẽ trưởng thành. Muốn cải thiện một mâu thuẫn, đầu tiên bạn phải hiểu rõ lòng mình. Nếu vấn đề trong lòng bạn không được giải quyết, thì cố gắng hàn gắn cũng chỉ tạo nên nhiều rắc rối hơn mà thôi. Một người cố chấp, nếu khoảng trống trong lòng không được bù đắp, thì không thể bỏ qua cho người khác được, lại càng khó mà giải thoát được cho bản thân mình.

Mối quan hệ giữa bạn và bất cứ ai đều phản ánh nội tâm của chính bạn. Nếu bạn không ngừng giành giật với cái tôi của mình thì bạn cũng sẽ không ngừng xung đột với người khác.

Quy tắc 4: Bạn trói buộc người khác thì bản thân bạn cũng sẽ bị trói buộc.

Khi bạn điều khiển người khác, đồng thời bạn cũng sẽ bị điều khiển. Thử nghĩ mà xem, khi bạn khống chế người khác, không cho họ làm cái này cái kia, vậy nếu họ không làm theo những gì bạn nói thì sao? Bạn sẽ ra sao? Bạn sẽ không vui. Vui buồn của bạn sẽ là do người khác quyết định. Vậy mà bạn còn cho rằng họ bị bạn trói buộc ư? Thực ra chính tâm của bạn cũng đang bị họ điều khiển.

Vậy nên khi bạn đang suy nghĩ tiêu cực về người khác, đang oán hận người khác, đang tìm cách thay đổi hay tranh đấu với người ta, thì bạn cũng đang làm hại chính mình. Phải làm thế nào mới có thể loại bỏ được kẻ địch? Hãy xem kẻ địch là chính mình! Bạn sẽ nhận ra rằng, đó chính là người mà bạn cần phải tha thứ nhất.

Quy tắc 5: Hãy học hỏi từ những điều gây khó chịu cho bạn.

Bất luận là sếp, đồng nghiệp, cấp dưới, bạn bè, vợ chồng hay con cái, thì những tính cách, suy nghĩ và hành vi mà bạn không thích ở họ hay những lời khuyên của họ đều là những điều mà từ đó bạn có thể học hỏi.

Dù lời khuyên đó là đúng là sai ở trên logic bề mặt, thì xin đừng lập tức công kích hay đáp trả. Hãy bắt đầu bằng việc tự hỏi bản thân. Nếu bạn có sai, thì thật sự nên sửa. Nếu bạn “không sai” thì hãy thử tìm xem liệu mình có sai ở những hành động tương tự không. Nếu bạn thật sự cảm thấy rằng mình “không hề sai”, thì riêng việc bạn phật ý, mất lòng đã là một thử thách để giúp bạn biết bao dung hơn rồi đó.

Yêu một người thích bạn, điều đó không phải là vấn đề. Yêu một người yêu bạn, bạn chưa học được gì cả. Yêu một người không thích bạn, nhất định bạn sẽ học được một vài điều. Yêu một người vô duyên vô cớ chỉ trích bạn, điều bạn thấu hiểu ra, chính là nghệ thuật sống.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thanh Trúc biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: