Vương Dương Minh, vị đại sư tâm học triều Minh từng nói rằng: “Ngô Nho dưỡng tâm vị thường ly khước sự vật, chỉ thuận kỳ thiên tắc tự nhiên tựu thị công phu.” Câu này có nghĩa là nhà Nho lấy việc tu thân dưỡng tính mà không thoát ly khỏi sự vật, sự việc bình thường. Họ không cần cố ý kiếm tìm, chỉ thuận theo tự nhiên, giữ một tâm thái tự tại. Đó chính là công phu của Nho gia. Kiến giải này của ông kỳ thực cũng hàm chứa rất nhiều đạo lý trong chuyện tu hành. Có một câu chuyện về Vương Dương Minh như vậy.

Nhà Nho và vị tăng nhân đàm luận về chuyện tu hành
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Cuộc đàm luận của Vương Dương Minh và một vị tăng nhân

Năm Vương Dương Minh 30 tuổi, ông chuyển tới Tây Hồ, Tiền Đường dưỡng bệnh. Tại đây có một lão tăng sống một mình, suốt ngày nhắm mắt tĩnh toạ, không nói một lời, không nhìn bất cứ thứ gì, nghiêm khắc thực hành một công phu tu luyện trong Phật giáo.

Vương Dương Minh trong tâm thấy rất hiếu kỳ, bèn tiến tới thăm dò. Quan sát một thời gian, Vương Dương Minh dùng thiền ngữ hỏi: “Vị hoà thượng này cả ngày luôn miệng nói điều gì, suốt ngày mắt trừng trừng nhìn thứ gì?”

Vị tăng nhân nghe có người nói vậy, bèn ngạc nhiên dứng dậy hành lễ, nói với Dương Vương Minh rằng: “Tiểu tăng không nói, không nhìn đã ba năm nay rồi. Thí chủ lại nói luôn miệng nói gì, trừng trừng nhìn thứ gì, là có ý gì?”

Vương Dương Minh thấy vị tăng nhân đáp lời, bèn hỏi: “Ông là người ở đâu? Đã xa nhà bao nhiêu năm rồi?” Vị tăng nhân đáp: “Ta là người Quảng Đông, đã xa nhà hơn 10 năm rồi.”

Vương Dương Minh lại hỏi: “Người nhà thân thích của ngài còn những ai?” Vị tăng nhân đáp: “Chỉ còn một mẹ già, không biết sống chết ra sao.”

Vương Dương Minh lại hỏi: “Ngài có nhớ mẹ già chăng?” Tăng nhân đáp: “Không thể không tưởng nhớ.” Vương Dương Minh nói: “Ngài đã không thể không tưởng nhớ, thì dẫu cả ngày không nói gì, trong tâm cũng đã đang nói ra rồi. Dẫu rằng cả ngày không nhìn, nhưng trong tâm cũng đang nhìn rồi.”

Vị tăng nhân giật mình nói: “Thí chủ đàm luận thật tinh diệu, khiến ta mở rộng tầm nhìn mà minh bạch hơn.”

Vương Dương Minh nói: “Mặc dù cả ngày ngồi đó, nhưng tâm vẫn bấn loạn…” Vương Dương Minh nói đến đây, vị tăng nhân đột nhiên khóc nói: “Thí chủ nói rất phải. Tiểu tăng sớm nên quay về thăm lại mẫu thân.”

Hôm sau Vương Dương Minh lại tới thăm vị tăng nhân, thì đồ đệ của vị tăng nhân nói rằng 12 giờ đêm qua tăng nhân đã gói ghém hành lý về quê.

Xuất gia tu hành của Phật gia và tu thân dưỡng tính của Nho gia

Câu chuyện này không phải là để hạ thấp Phật gia, đề cao Nho gia. Kỳ thực kể từ khi vị tăng nhân trả lời Vương Dương Minh thì đã phá mất công phu của mình rồi, để lộ việc ông vẫn còn động tâm tới lời nói của người khác dù đã bế mục, bế khẩu nhiều năm. Từ khi vị tăng nhân trả lời về gốc gác của ông và về người thân thích của ông thì ông cũng đã để lộ ra phần sâu thẳm nhất trong nội tâm là vẫn ôm giữ quan niệm về gốc gác, gia đình, thân bằng quyến thuộc. Đây đáng lẽ là điều một người chuyên tu Phật giáo cần làm được ngay từ khi xuất gia, đó chính là đoạn dứt với thế tục.

Tu luyện thời cổ đại có một tiêu chuẩn vô cùng nghiêm khắc. Người xuất gia thời xưa khi đã làm lễ xuống tóc thì cũng không được coi như người bình thường nữa. Đó là nguyên do vì sao ngay cả Vua, Hoàng Đế gặp cao tăng cũng cúi đầu thăm hỏi một cách tôn kính, chứ không có chuyện cao tăng phải quỳ gối dập đầu trước bậc Chí Tôn. Ai cũng xem người tu luyện là tấm gương tại nhân gian để noi theo, ai cũng xem người tu luyện là cầu nối giữa nhân gian với Thần Phật.

Bên cạnh các tiêu chuẩn bề mặt như ý chí kiên cường, khả năng chịu khổ, chưa từng phạm tội, đôi khi còn phải thi lấy bằng “Độ điệp” trước khi xuất gia, thì kỳ thực người xuất gia thời xưa đều hiểu rằng đã xuất gia rồi là phải “xả tận hết thảy”, nếu không thể “xả tận” thì đừng xuất gia. Mà trong “xả tận” này thì sắc và tình là giới cấm vô cùng quan trọng. Cha mẹ vợ con đến tìm thì xưng là “thí chủ – bần tăng”. Điều này có nghĩa là duyên thế tục đã đoạn, mong muốn tu xuất khỏi luân hồi. Bởi vì Phật gia giảng rằng trong luân hồi, đời này là bạn, đời sau là mẹ, đời sau nữa có khi lại là con, tiếp đến nữa thì có thể đã là người xa lạ. Sinh mệnh chân chính của người ta là đời đời kiếp kiếp, chứ không phải một đời.

Người xuất gia chân chính xưa kia hiểu rằng tu luyện là quá trình buông xả cái “vị tư”, cái tình riêng của bản thân để đạt đến trạng thái “vị tha” và từ bi với vạn sự vạn vật. Tu hành không biến con người ta thành vô tri vô giác như đá, như gỗ, cũng không buồn chán, mà chính là quá trình tìm ra sự an lạc, thanh thoát tự trong tâm, không còn bị những hỷ nộ ái ố của người thường khống chế nữa. Việc tu luyện không chỉ giới hạn trong tình thân quyến, mà thất tình lục dục, những thứ danh lợi mà người ta ham thích thì cũng đều phải “xả tận”. Vậy nên mới nói “tiền tài là vật ngoại thân”, “danh vọng là thứ hư ảo”. Ngay đến việc xây chùa, dựng tượng, cúng dường cũng được xem là “trăng nơi đáy nước”, nếu chấp nhất vào đó mà không buông xả đi thì cũng không tu thành được. Bởi vì phương pháp là như vậy nên xuất phát điểm là cao, tu sẽ nhanh hơn so với Nho gia. Đây cũng là điểm khác biệt quan trọng nhất giữa tu thân dưỡng tính của Nho gia và xuất gia tu hành của Phật gia.

Trái ngược lại, đạo tu thân của Nho gia lại không chọn cách thoát ly thế gian, mà đề xuất một trật tự ổn định cho xã hội, sau đó thuận theo tự nhiên mà tu dưỡng bản thân. Nho gia quan niệm rằng Trời đất sinh dưỡng vạn vật, con người là con của tự nhiên, nên Thiên đạo đương nhiên cũng bao hàm đạo của con người trong đó. Chính vì thế, chỉ cần buông bỏ những dục vọng và chấp niệm che mờ nội tâm của chính mình, thì tự nhiên sẽ có thể bước lên con đường chính đạo, thuận theo đạo Trời mà hành. Nhưng cũng vì xuất phát điểm như vậy nên mặt bằng thấp hơn, rất nhiều Nho sinh không biết, cũng không có được sự thăng hoa mà người chú trọng tu luyện cần có.

Trong lịch sử, có những người đi theo con đường của Nho gia khi đạt tới cảnh giới nhất định thì cũng biểu hiện ra sự thanh thoát, không gò bó vào cái tình. Họ bằng lòng với cuộc sống “an bần lạc đạo”, có thể siêu thoát xuất lại, giống như Khổng Tử từng nói về Nhan Hồi: “Hiền thay trò Hồi! Một giỏ thức ăn, một bầu nước uống, ở trong ngõ sâu, người ta không chịu nổi ưu phiền, còn Hồi thì không thay đổi niềm vui của mình.”

Chưa đạt đến thì đừng cưỡng cầu

Vương Dương Minh tuy theo Nho gia, nhưng cũng đã chỉ ra cho vị tăng nhân rằng: Trong tâm thương nhớ mẹ già, thì dẫu ngồi đả toạ nơi chùa chiền miếu mạo thì tu hành như vậy cũng bằng như không tu, liệu có thể tu được gì đây? Chi bằng về nhà phụng dưỡng mẹ già còn hơn.

Gượng ép bản thân làm những việc trong tâm không mong muốn, như vậy cũng không đạt được gì. Bởi vậy có câu rằng đã xuất gia thì cần phải “xả tận”, nếu không “xả tận” được thì đừng xuất gia. Nội tâm không đạt được đến điểm đó mà cưỡng cầu thì cũng vô nghĩa. Ý nghĩa của “xuất gia” thời xưa chính là nghiêm khắc như vậy.

Chuyện kể rằng có một vị xạ thủ bắn tên, trăm phát trăm trúng, chưa từng thất thủ. Một hôm, Hoàng đế ngưỡng mộ tài năng cho gọi ông đến, xem ông bắn tên và hứa rằng nếu quả thực ông có thể trăm phát trăm trúng thì sẽ ban thưởng cho một trăm đồng tiền vàng, nhưng nếu không phải vậy thì sẽ xử trảm.

Vì trong tâm xạ thủ đều là tạp niệm, trong đầu chỉ nghĩ tới hậu quả nếu bắn không trúng sẽ như thế nào, rồi nếu bắn trúng thì sẽ thế nào, nên không thể tập trung tinh thần bắn tên. Trước sự cám dỗ và đe doạ, lần đầu tiên vị xạ thủ bắn tên này thất thủ.

Thế nào là thuận theo tự nhiên không gượng ép? Đạo gia giảng về vấn đề này rất thâm sâu. Lão Tử so Đạo của ông giống như nước, nước không hỏi quy củ của vạn vật trên thế gian, chỉ để tâm tới việc chảy về nơi thấp, khi gặp chướng ngại thì nước chảy quanh. Nếu chẳng thể chảy quanh thì nước sẽ dừng lại, âm thầm tích tụ năng lượng, chờ đợi tới khi năng lượng đầy đủ rồi sẽ vượt qua chướng ngại, mọi sự đều thuận theo tự nhiên.

Khi hành sự, nếu có thể ở vào trạng thái như “nước”, không vội vàng, hấp tấp, không lo lắng vì muốn đạt được mục tiêu, và trừ bỏ những nhân tố bất an khiến tâm phiền ý loạn, mới có thể giúp tâm hồn được tự do, khoáng đạt. Như vậy mới có thể khai mở tâm linh, phát huy tối đa tiềm năng của mình và tạo ra kỳ tích.

Dẫu là sự nghiêm ngặt “xả tận” của Phật gia, sự thuận theo tự nhiên của Đạo gia hay việc tu thân dưỡng tính của Nho gia cũng vậy, chúng đều có những đạo lý thâm sâu bên trong, đều là tinh hoa của văn hóa truyền thống. Ngày nay, chỉ cần suy ngẫm kỹ cũng có thể hiểu được những tinh hoa này trong chốn chùa chiền đạo quán còn hay là mất.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời nghe radio: