Sông Kôn từ thượng nguồn chạy xuống đến đầu làng Hòa Phong thì rẽ nhánh như hai cánh tay ôm lấy làng quê, đến cuối làng là hai nhánh sông bắc phái và nam phái tiếp tục phân dòng chảy về hạ bạn rồi đổ ra biển Đông. Nhà tôi qua nhiều thế hệ ở sát bên bờ sông bắc phái nên bao đời gắn bó với dòng sông, nơi ấy có bến đò Bàu Sấu, có guồng xe nước Bộng Dầu quanh năm gồng mình chở nước tạo nên âm thanh réo rắt như tiếng nhạc trên sông.

Ngày ấy lòng sông rộng và sâu, quanh năm nước trong xanh, bốn mùa cá lội biệt tăm, nguồn lợi thủy sản dồi dào. Những xóm bên sông nhiều người dân sống bằng nghề chài lưới, họ dùng lưới, chài, đó dẹp hoặc bủa câu, giăng câu để bắt cá chứ không xung điện, đánh thuốc nổ như ngày nay. Tôi còn nhớ từng đàn thuyền hàng chục chiếc trương buồm chạy ngược xuôi từ dưới biển lên nguồn và từ nguồn xuống biển để ”măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên”, cảnh trên bến dưới thuyền, sõng bè qua lại thật sướng mắt.

Ca lui song Kon 04 image
(Ảnh qua kienthuc.net.vn)

Nhưng có lẽ hình ảnh in đậm nhất trong ký ức thời niên thiếu của tôi là cảnh nhộn nhịp trên sông vào mùa cá lúi. Hằng năm cứ đến đầu mùa nước lũ xăm xắp mé soi, thì cá lúi mẹ từ trên nguồn xuôi theo con nước xuống đẻ, nhiều người dùng lưới bủa và đứng nhá để bắt nhưng không được nhiều vì nước đục. Cá lúi mẹ to đến hai ba ngón tay, con nào cũng mập, mỡ nhiều, bụng đầy trứng. Cá đem kho với dầu phụng, thịt heo hoặc nướng bằng lửa than dằm với nước mắm ớt tỏi ăn cơm lúa mới trong mùa mưa thì không ai chê được.

Đến giữa tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch là hết mùa lũ, nước sông trong xanh là cá lúi con theo dòng nước đi ngược lên nguồn nên gọi là cá lúi lên, từng đàn cá dày đặc như tấm chiếu trải. Ngư dân trong làng và từ các nơi khác tập trung tại bến Bàu Sấu có đến vài ba chục sõng chài. Có lẽ đây là nơi hợp lưu giữa dòng nước sông Kôn trong xanh với dòng nước đục của Bàu Sấu, nên cá lúi lên dồn về đây rất nhiều. Bến đò Bàu Sấu hằng ngày tôi qua lại đi học, tan giờ học hoặc ngày nghỉ tôi và lũ bạn trong làng thường chen lấn hai bên bờ sông coi những ngư dân đứng trên sõng, lưng trần đen bóng giữa tiết trời lạnh buốt tung chài bắt cá. Có mẻ chài kéo lên hàng thúng cá lúi đầy, nhiều nhất là lúc mặt trời đứng bóng, trúng chừng vài mẻ chài là đầy sõng cá. Cá được đưa lên bờ có người nhà của ngư dân chờ sẵn rồi chuyển đến các chợ hoặc bán trong làng. Cá nhỏ như ngón tay cái và nhiều quá nên bán sỉ thì tính bằng rổ, thúng, còn bán lẻ họ dùng cái chén đong làm đơn vị mua bán. Thường là năm nào được mùa cá lúi thì giá rẻ, nên trong làng tôi cứ mùa này dùng thức ăn chủ yếu là cá lúi lên. Cá lúi lên chỉ móc ruột rửa sạch là đem kho khô với dầu hoặc mỡ heo ăn cơm hoặc ăn cháo đều rất ngon.

Nhớ mùa cá lúi sông Kôn
(Ảnh: DNGA, qua Facebook Kết nối Huế thương)

Thức ăn hằng ngày cho bao gia đình vùng quê sông nước cho đến thị thành từ nguồn lợi thủy sản trên sông Kôn thời đó dồi dào lắm, mùa nào cá nấy. Cá chép có con to đến hai nắm tay màu vàng ươm kho với dưa cải thịt mỡ, cá diếc nấu canh chua với rau răm… Con cá còn theo nước lũ từ sông vào đồng, nhất là cá rô, trê, lóc, chạch… Những hôm nghỉ học, trúng mùa làm cấy vụ Đông Xuân, tôi thả bò cho ông nội ra đồng, cứ theo những luống cày, đàng bừa mà bắt cả xâu cá. Con cá rô mề bằng ba ngón tay, nướng lửa than chảy mỡ ăn với nước mắm ngon thì tuyệt. Cá trê, cá lóc thì kho tộ, um với bắp chuối hoặc nướng chấm muối ớt giành cho người lớn lai rai vài ly rượu Bàu Đá trong mùa đông mưa phùn thì không chê vào đâu được. Song, vẫn không có mùa nào cá nhiều cho bằng mùa cá lúi lên, ngư dân tất bật hồ hởi, nhộn nhịp cả bến sông, kẻ bán người mua, trên bến dưới thuyền dập dìu. Con cá đã cùng với hạt lúa, hạt bắp, đậu mè và con bò, con heo nuôi sống bao đời người dân quê tôi.

Nhớ mùa cá lúi sông Kôn
(Ảnh qua travelvietnamtour.blogspot.com)

Bến Bàu Sấu nằm dưới chân ngọn núi Kỳ Đông, nơi đã từng diễn ra trận thư hùng thủy bối đẫm máu giữa nghĩa quân Cần Vương do đích thân tướng soái Mai Xuân Thưởng chỉ huy với quân Pháp và lính Nam Triều (1887). Thời đó quanh năm nước sâu thăm thẳm, tôm cá bốn mùa, vậy mà ngày nay khô cạn đến mức mùa mưa cũng không cần phải đi sõng và không còn thấy cá lúi lên đâu nữa, từ lâu bến sông đã vắng bóng ngư dân tung chài bắt cá. Ông lái đò cuối cùng ở bến đò Bàu Sấu là người cùng xóm với tôi, cũng là dân chài lưới đã ở tuổi xưa nay hiếm, như đã thành thói quen, nhớ mùa cá lúi lên là ông đội nón ra đứng bờ sông nhìn bến sông khô cạn bên lở, bên bồi mà chạnh lòng và thỉnh thoảng nhìn thấy những người dùng xung điện dưới sông bắt những con cá còn sống sót, lòng ông xót xa hơn.

Ca lui song Kon 05 imageCon cá, con tôm khó sinh tồn vì không giữ được cân bằng môi trường sinh thái, có người đổ cho mưa lũ, trời đất cũng chỉ đúng một phần, nhưng suy cho cùng chủ yếu là do con người gây nên dù vô tình hay cố ý. Đó là hậu quả của việc khai thác vô tội vạ làm cạn kiệt rừng đầu nguồn, tạo nên sức công phá của cường lũ dẫn tới sa bồi, thủy phá, lòng sông bị sa mạc hóa. Đó còn là tệ xung điện, đánh thuốc nổ để bắt cá có tính hủy diệt môi sinh, cùng với bao nhiêu thứ chất thải gây ô nhiễm dòng nước trên sông… làm sao con cá, con tôm, con tép sống và sinh sản nổi.

Một vùng Bàu Bái, Bàu Sấu rộng mênh mông, sâu thẳm thông với sông Kôn tạo thành ngã ba sông, tôm cá sinh sản đầy đàn với môi trường tự nhiên trong lành vùng sông nước. Còn bây giờ, nơi đây không còn là chốn ngụ của những đàn cá, đàn tôm bởi chúng rất sợ con người dùng xung điện, đánh thuốc nổ. Còn nhớ cách đây 8, 9 năm, một số bà con nông dân vay vốn ngân hàng nuôi mấy lồng cá trê phi thả ở Bàu Sấu, gặp lũ về ban đêm không kịp neo giữ, thế là cả lồng và cá đều biến sạch, người chủ lồng thì trắng tay, còn con cá cũng không còn mặn mà gì với vùng sông nước Bàu Sấu nữa.

Viết đến đây tôi lại suy nghĩ sao thời đó không chỉ có con cá lúi mà các loài cá cũng đều tìm đến ngã ba sông Bàu Sấu để trú ngụ! Và, càng nhớ những ngày này, tháng này mấy chục năm trước là mùa cá lúi lên rộ, nhiều nhất cũng tại ngã ba sông này.

Trần Duy Đức
Đăng lại có chỉnh sửa từ Facebook Đồng hương Tây Sơn

Bài đăng trên báo Bình Định

Xem thêm: