Trong một bài trước, chúng ta biết là đất Gia Định cótam gia cùng là học trò cụ Võ Trường Toản, gồm Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh, là những con người văn học làm rạng rỡ một vùng đất phương nam. Nhưng không chỉ có thế, Gia Định còn có cả “tam hùng” Đỗ Thanh Nhơn, Châu Văn Tiếp và Võ Tánh, là những võ tướng đóng góp nhiều công lao trong cuộc chiến chống lại nhà Tây Sơn của chúa Nguyễn Phúc Ánh. Điều đáng tiếc là trong lúc “Gia Định Tam Gia” được chứng kiến những thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến khốc liệt giữa nhà Nguyễn chống lại nhà Tây Sơn thì trong “Gia Định Tam Hùng”, không ai được tận hưởng niềm vui đó và cái chết của mỗi người là một bi kịch khác nhau.

Đỗ Thanh Nhơn

Đỗ Thanh Nhơn là người có công lớn trong những ngày đầu cuộc nội chiến, giúp chúa Nguyễn nhiều lần thắng lợi trước sức tấn công dũng mãnh của nhà Tây Sơn. Ông xuất thân từ huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên, sau về sống ở trấn Phiên An, tức Gia Định sau này. Không rõ ông sinh năm nào, khi chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần còn ở Phú Xuân, ông chỉ mới giữ chức Đội trưởng Hữu thuyền, sau theo chúa vào nam. Từ Gia Định, ông đến đất Ba Giồng (Tam Phụ) thuộc Định Tường, chiêu binh mãi mã, được 3.000 quân, lấy nơi đây làm căn cứ chiến đấu, tự xưng là Đông Sơn Thượng Tướng quân (từ Đông Sơn dùng để chỉ ngược lại từ Tây Sơn của ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ).

Từ căn cứ Ba Giồng, Đỗ Thanh Nhơn ba lần mang quân tấn công, đẩy lui được quân của Nguyễn Lữ thuộc nhà Tây Sơn, buộc Lữ phải rút về Qui Nhơn (1776). Với chiến công này, ông được chúa Định vương phong chức Chưởng dinh Ngoại hữu, tước Phương Quận công. Năm 1777, cả Định vương Nguyễn Phúc Thuần, khi ấy là Thái Thượng vương, lẫn Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương (con rể Nguyễn Nhạc) đều chết dưới tay nhà Tây Sơn, người còn lại trong dòng họ các chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh, lúc ấy mới 15 tuổi, mấy lần suýt rơi vào tay nhà Tây Sơn.

Những cái chết bi tráng của Gia Định tam hùng
Vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh (1762-1820) (Tranh: Public Domain)

Năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương, phong Đỗ Thanh Nhơn làm Ngoại hữu Phụ chính Thượng tướng quân, tước Quận công, cả chức và tước đều thuộc vào bậc nhất lúc bấy giờ. Tuy nhiên, bộ Đại Nam Thực Lục chép rằng cũng từ sự ưu đãi này, Đỗ Thanh Nhơn sinh lòng kiêu ngạo, lạm dụng quyền sinh sát trong tay, “kinh phí trong cung thì giảm bớt đi, không chịu cung hiến; phàm người bè cánh gần gũi thì cho theo họ mình; người có tội thì đem nướng than hừng, hình phạt rất thảm khốc, ai cũng nghiến răng. Vua cho là người có công, vẫn ưu đãi, dung thứ, thường đến thăm tận nhà, cũng không giữ lễ. Bè đảng lại phụ họa thêm, lấn át không kiêng nể gì, toan mưu làm phản. Chưởng cơ Tống Phước Thiêm nói riêng với vua: Xin giết giặc ở bên cạnh vua” (sđd, tập một, NXB Giáo dục – Hà Nội 2002, trang 209). Sau khi suy nghĩ kỹ, chúa Nguyễn Ánh cho triệu Thanh Nhơn vào cung bàn việc rồi hô thủ hạ giết đi.

Cái chết của Đỗ Thanh Nhơn là một tổn thất lớn cho lực lượng của chúa Nguyễn. Tại Qui Nhơn, được tin này, Nguyễn Nhạc đã không giấu được nỗi vui mừng. Nhiều thuộc hạ của Thanh Nhơn trốn về Ba Giồng, không tuân phục nhà Nguyễn nữa.

Châu Văn Tiếp

Châu Văn Tiếp còn có tên Châu Doãn Ngạnh, sinh năm 1738, tổ tiên cư ngụ tại Phù Mỹ, phủ Qui Nhơn, sau dời về huyện Đồng Xuân, phủ Phú Yên. Trong thời gian làm nghề mua bán ngựa, ông có dịp quen biết với Nguyễn Nhạc và những người cùng chí hướng. Sau khi nhà Tây Sơn dấy binh, Châu Văn Tiếp cùng với các anh em là Châu Doãn Chứ, Châu Doãn Chấn, Châu Doãn Húc chiêu mộ được hơn một ngàn người, đóng quân trên núi Trà Lang. Lúc đầu, Tiếp nghe lời thuyết phục của Nhạc, mang quân hợp cùng quân Tây Sơn, tưởng là để bảo vệ cơ nghiệp nhà Nguyễn, sau thấy được mưu đồ của anh em Nguyễn Nhạc, bèn đầu quân với tướng nhà Nguyễn là Tống Phước Hiệp và những năm sau đó, lập được nhiều công trận chống lại nhà Tây Sơn.

Năm 1780, sau khi lên ngôi vương, chúa Nguyễn Ánh triệu Châu Văn Tiếp vào Gia Định, cử làm Khâm sai Đô đốc Chưởng cơ, tước Quận công. Năm 1782, trước sức tiến công dũng mãnh của quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh phải chạy ra đảo Phú Quốc, Châu Văn Tiếp đã giương cao ngọn cờ thêu bốn chữ “Lương sơn tá quốc”, điều động thuộc tướng chia nhiều ngả tiếp ứng. Trong những trận chiến mãnh liệt sau đó giữa hai bên, quân Tây Sơn yếu thế phải lui về Qui Nhơn, Châu Văn Tiếp chiếm lại Sài Gòn, rước chúa Nguyễn Ánh trở về. Sau thành tích này, ông được cử làm Ngoại tả Chưởng doanh.

Mùa Xuân năm 1783, Nguyễn Huệ mang quân vào tấn công Gia Định, Châu Văn Tiếp sử dụng chiến thuật hỏa công để chống trả nhưng không thành công, phải lui quân. Tháng 2 âm lịch năm 1784, chúa Nguyễn ẩn lánh trên đất Xiêm La (Thái Lan ngày nay). Trong cuộc hội kiến giữa chúa với vua Xiêm, Châu Văn Tiếp từ ngoài đi vào, quỳ ôm gối chúa khóc mãi không thôi, vua Xiêm thấy thế bảo bầy tôi rằng: “Chiêu Nam cốc (nghĩa như “Nam Việt Thiên Vương” – Chú thích của tác giả) có bầy tôi như thế là có lòng trời. Bèn ước hẹn giúp quân để mưu đồ khôi phục.” (Đại Nam Thực Lục – sđd, trang 221).

Tháng 6 âm lịch năm 1784, chúa Nguyễn cử Châu Văn Tiếp làm Bình Tây Đại Đô đốc, chỉ huy quân lính Việt cùng 2 vạn thủy quân Xiêm và 300 chiến thuyền tiến về Gia Định. Sau những chiến thắng ban đầu, tháng 10 âm lịch năm ấy, ông đưa thủy quân đánh quân Tây Sơn trên sông Mân Thít. Trận đánh mang lại thắng lợi lớn cho quân Nguyễn, song ông bị thương nặng và tử trận. Cái chết của ông là tổn thất nặng nề cho lực lượng của chúa Nguyễn Ánh, mở đường cho việc quân Xiêm lợi dụng thời cơ tàn hại dân lành và cuối cùng bị Nguyễn Huệ đánh cho tan tác trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút.

Sự kiện Châu Văn Tiếp tổng chỉ huy liên quân Việt-Xiêm đã gián tiếp phản bác lại luận điệu cho rằng quân Xiêm xâm lược nước ta và chúa Nguyễn Ánh là kể “cõng rắn cắn nhà gà”. Như một luận điểm mà người viết đã có dịp đề cập đến trên trang này (xem bài: Chút suy nghĩ về chuyện “Cõng rắn cắn gà nhà” của Nguyễn Ánh – Gia Long), chỉ có thể coi là “xâm lược” khi quân đội một nước kéo sang tấn công quân đội nước chủ nhà và chiếm đóng nước đó. Trong trường hợp kể trên, hai vạn quân Xiêm được vua Xiêm thỏa thuận đặt dưới quyền sử dụng của vua quan Việt, ở đây là Châu Văn Tiếp, thì không thể gọi họ là đạo quân xâm lược. Việc họ Châu tử trận giữa chừng, lợi dụng sự sơ hở của quan binh Việt, quân Xiêm tàn hại dân lành, đó là một diễn biến ngoài dự liệu của người cầm quân, không thể đồng hóa những việc đó với hành vi xâm lược.

Cần nhắc lại là trong những thế kỷ 18 và 19, các nước Đông Nam Á có một thỏa thuận bất thành văn, theo đó, khi một nước gặp lâm nguy về mặt đối nội hay đối ngoại và có lời yêu cầu, một nước khác đang có bang giao tốt có thể mang quân sang để giúp bảo vệ xứ sở của họ. Điều này được chứng minh bằng thực tế lịch sử: năm 178, trong lúc tá túc ở kinh thành Vọng Các (Bangkok) của nước Xiêm, các tướng của Nguyễn Ánh đã giúp vua Xiêm đánh tan cuộc tấn công của quân Diến Điện (Miến Điện, nay là Myanmar); từ thời các chúa Nguyễn đến triều Nguyễn, quân Việt nhiều phen kéo sang Chân Lạp, giúp nước này giải quyết những cuộc xung đột nội bộ hay đánh lui những cuộc xâm nhập, tấn công của quân Xiêm. Không nhà chép sử nào của sử quán ta hay Chân Lạp gọi đó là hành vi xâm lược cả.

Võ Tánh

Không rõ Võ Tánh sinh năm nào. Cũng không rõ tổ tiên ông xuất phát từ đâu, chỉ biết ông sinh tại làng Phước Tỉnh, huyện Phước An, phủ Phước Tuy, thuộc dinh Trấn Biên (Biên Hòa).

Anh của Võ Tánh là Võ Nhàn, thuộc tướng của Đỗ Thanh Nhơn, giữ chức Cai cơ. Sau khi họ Đỗ bị trừ khử, Võ Nhàn cầm quân chống Nguyễn Ánh, bị bắt được và chịu giết. Những năm chúa Nguyễn lánh sang Xiêm, Võ Tánh huy động binh tướng đóng ở vùng Thập Bát Phù Viên (18 thôn Vườn trầu, nay thuộc khu vực Bà Điểm, Hóc Môn), sau thấy không tiện, bèn dời về Định Tường, giữ bãi Khổng Tước, quân đến hơn một vạn.

Năm 1788, chúa Nguyễn trở về nước, trước đó, đã cử Nguyễn Đức Xuyên tiếp xúc riêng với Võ Tánh, thuyết phục theo về với chúa. Tháng 4 âm lịch 1788, Võ Tánh ra mắt chúa Nguyễn Ánh ở hành tại. Chúa rất mừng, phong ông làm Tiên phong doanh Khâm sai Tổng thú Chưởng cơ rồi còn gả trưởng công chúa Ngọc Du, con gái thứ hai của thế tử Nguyễn Phúc Luân, cho ông.

Lúc bấy giờ, Võ Tánh còn khá trẻ, tánh hăng hái, mạnh bạo, trong trận đánh Bình Thuận, xảy ra chuyện bất đồng nghiêm trọng với Tiền quân Lê Văn Quân khi cho rằng Quân báo về triều giành công riêng cho mình. Có lần Võ Tánh đang trên đường về Gia Định theo lệnh triệu hồi của chúa Nguyễn, nghe tin Lê Văn Quân bị vây khổn, vẫn không quay lại giúp, may mà còn có Nguyễn Văn Thành giải nguy cho Quân. Mối bất đồng này đã góp phần nào vào cái chết của Lê Văn Quân vào năm 1791.

Tháng 9 âm lịch năm 1799, Nguyễn Ánh giao cho Võ Tánh trách nhiệm Trấn thủ Bình Định, với sự phụ tá của Hiệp trấn Ngô Tùng Châu, rồi tự mình rút quân về Gia Định. Được tin này, đầu năm 1800, vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn cử Trần Quang Diệu mang 50 ngàn quân bộ, Võ Văn Dũng mang 45 ngàn quân thủy cùng phối hợp tấn công và vây chặt thành Bình Định. Thấy thế đối phương quá mạnh, Võ Tánh một mặt tổ chức cố thủ, mặt khác cử người báo về Gia Định. Mấy tháng sau, đợi lúc có gió nồm, chúa Nguyễn mang 80 ngàn quân ra giải vây Bình Định, cùng với Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng quản tàu Long Phi), Vannier (Nguyễn Văn Chấn, quản tàu Phụng Phi) và De Forçant (Lê Văn Lăng, quản tàu Bằng Phi). Để giải vây Bình Định, chúa tính đến việc tấn công thủy quân Tây Sơn đang bố trí đội hình dày đặc ở đầm Thị Nại, ngăn chặn các hướng tiếp cận với thành Bình Định.

Đầu năm 1801, chúa đích thân cùng các danh tướng Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Trương, Võ Di Nguy, Tống Viết Phước đưa quân tấn công cửa Thị Nại. Trận đánh vô cùng ác liệt, tướng Võ Di Nguy trúng đạn tử trận, song cuối cùng thủy quân Tây Sơn tan vỡ, thuyền chiến bị đốt cháy gần hết. Chiến thắng Thị Nại được mệnh danh là “Đệ nhất võ công” của nhà Nguyễn.

Tuy nhiên, chiến thắng Thị Nại vẫn không làm nhẹ đi gánh nặng của cuộc vây khổn thành Bình Định. Tháng 4 âm lịch 1801, lương thực trong thành gần cạn kiệt, theo đề nghị của Võ Tánh, chúa Nguyễn Ánh tập trung quân, tấn công dinh lũy Phú Xuân hầu phân tán lực lượng của địch. Một tháng sau, đại quân Nguyễn chiếm lấy Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh phải bỏ thành chạy ra phía bắc. Trong lúc đó, tại Bình Định, lương thực trong thành không còn, quân phải giết voi, ngựa mà ăn.

Gia Dinh tam hung 03
Mộ Võ Tánh trong di tích thành Hoàng đế, nay thuộc An Nhơn tỉnh Bình Định. (Ảnh: Nguyễn Đông Sơn, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Bữa nọ Ngô Tùng Châu đến vấn kế Võ Tánh, ông nói với vị phó tướng của mình rằng: [“Tôi làm chủ tướng, nghĩa không thể cùng sống với giặc. Ông là văn thần, quân địch tất không hại đâu, nên tính cách tự toàn”. Tòng Chu (tức Tùng Châu – LN) cười nói rằng: “Cứ gì văn hay võ, lòng trung cũng là một thôi. Tướng quân biết chết theo nạn nước, Chu này không biết làm tôi chết với trung sao?”. Thế rồi trở về mặc mũ áo, hướng về cửa khuyết bái vọng rồi uống thuốc độc mà chết. Tánh ngậm ngùi than rằng: “Ngô quân đã hơn ta một nước rồi!”. Tức thì tới thăm và khâm liệm tống táng. Xong rồi kíp gửi thư cho Diệu, nói: “Tướng quân nghĩa phải chết là việc của ta, quân sĩ không có tội gì, không nên giết hại”] (ĐNTL, sđd, trang 447). (Xem bài: Câu chuyện trung nghĩa đằng sau cuộc chiến giữa quân Nguyễn và quân Tây Sơn tại thành Bình Định)

Gửi thư xong cho tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu, Võ Tánh ra lệnh mang thuốc súng lên lầu bát giác, mặc triều phục bước lên. Các tướng sĩ cúi rạp người xuống đất kêu khóc, ông vẫy cho họ lui ra xa rồi phóng hỏa đốt. Cửa thành mở rộng, Trần Quang Diệu đưa quân vào thành, dùng lễ chôn cất hai người thật tử tế rồi cho binh sĩ của hai ông được trở về nhà.

Người xưa chọn cái chết cho riêng mình để tướng sĩ dưới quyền được bình yên, kẻ thắng trận biết trân trọng nghĩa khí của con nhà tướng, dù từng là kẻ thù của nhau. Dù thành hay bại, họ đều xứng đáng là những bậc anh hùng. Người đời nay không biết cư xử với nhau như vậy là có tội rất lớn với tiền nhân.

Lê Nguyễn
17.9.2018

Theo Facebook của nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: