Một câu chuyện không bao giờ cũ, một sự thực lịch sử xin được nhắc lại với thế hệ trẻ hôm nay.

Những ngày cuối tháng 3.1975, cuộc chiến diễn ra ác liệt làm gia tăng nỗi sợ hãi của cư dân những thành phố lớn ở miền Nam. Tại Sài Gòn, nhiều cô nhi viện, cơ sở từ thiện nuôi dưỡng trẻ em tàn tật, không chỗ nương thân, với sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện quốc tế, bắt đầu lo lắng về ảnh hưởng của chiến cuộc đối với đời sống của những trẻ em do họ chăm sóc. Họ liên tiếp bày tỏ sự lo ngại với các cơ quan trong và ngoài chính phủ Hoa Kỳ và điều này đã khiến Tổng thống Ford quyết định phát động chiến dịch Babylift nhằm mục đích đưa các em dưới 10 tuổi đang sống trong các trại mồ côi và các cơ sở từ thiện sang Mỹ sống dưới sự bảo trợ của những gia đình có nguyện vọng lập con nuôi.

Chien dich babylift 05

Chiến dịch được phát động vào ngày 3.4.1975 thì ngay vào ngày hôm sau (4.4), chuyến bay đầu tiên đã bắt đầu. Và cũng bắt đầu thảm kịch có một không hai trong lịch sử thế kỷ 20: Chuyến bay thứ nhất bằng máy bay vận tải khổng lồ C-5A đã ngộ nạn trên biển Đông, được phi công cố gắng lái quay lại Sài Gòn và rơi trên một cánh đồng lúa không xa sân bay Tân Sơn Nhất. Trong số 230 trẻ em, hành khách chính của chuyến bay, và nhân viên phục vụ cùng nhiều công dân Mỹ, có 180 người tử nạn, số còn lại được chữa trị vết thương và sắp xếp đi theo những chuyến bay sau đó. Một chi tiết không thể không nhắc đến: trong số những em sống sót trong tai nạn này, một em được đặt tên là Melody và làm con nuôi của Yul Brynner, diễn viên điện ảnh đầu trọc nổi tiếng từng đóng vai chính trong bộ phim “Vua Xiêm và tôi”.

Tính chung, từ ngày 4.4 không may mắn đó đến những chuyến bay cuối cùng trong chiến dịch Babylift diễn ra vào ngày 26.4.1975, đã có trên 2.600 trẻ em Việt Nam dưới 10 tuổi được đưa qua Mỹ, Canada và nhiều nước châu Âu khác.

***

Tháng 4 năm 1975, trong lúc những cuộc di tản dầu sôi lửa bỏng đang diễn ra trên khắp các tỉnh miền Trung và bắt đầu manh nha trên đường phố Sài Gòn, thì những chuyến bay trong chiến dịch Babylift đã làm nặng nề, u uất thêm bầu không khí căng thẳng khắp nơi. Trên đất Mỹ, chính quyền Ford bị đả kích mạnh mẽ. Trong khi đích thân ông Ford ra đường băng sân bay San Francisco chụp ảnh bên cạnh những chuyến bay vừa hạ cánh đầy ắp trẻ em, và đại diện chính thức của nước Mỹ tại Sài Gòn là Đại sứ Graham Martin cho rằng chiến dịch Babylift “có thể làm đảo ngược công luận Mỹ về vị thế của Việt Nam Cộng Hòa…” thì luật sư Tom Miller coi đó là “một trong những nỗ lực vô vọng cuối cùng (của chính quyền Mỹ) nhằm tạo được thiện cảm trong cuộc chiến”. Một cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ cho thấy chiến dịch “hoàn toàn thiếu hẳn sự hoạch định của các cơ quan liên bang và tổ chức tư nhân”. Báo chí còn độc mồm, độc miệng hơn; họ đăng những hàng tít lớn: “Babylift or Babysnatch?” (Không vận trẻ em hay bắt cóc trẻ em?). Những cơ quan cứu trợ tại Việt Nam bị tố cáo là “Saigon’s baby business” (Sài Gòn kinh doanh trẻ em). Nhưng cũng có những người bênh vực chiến dịch Babylift. Không nói ra cũng biết đó là những nhà hoạt động xã hội, do thỉnh nguyện thiết tha của họ mà có chiến dịch này.

Chien dich babylift 03 Chien dich babylift 07 Chien dich babylift 02

Chiến dịch babylift Chiến dịch babylift Chiến dịch babylift

Nói gì thì nói, không ai đảo ngược được một việc đã rồi. Vấn đề còn lại là theo dõi những số phận côi cút đang bơ vơ trong cảnh sống xa lạ quanh mình. Theo tổ chức Des Moines Register, một năm sau khi đến Mỹ, hàng trăm trẻ em thuộc chiến dịch Babylift vẫn phải sống dưới một qui chế pháp lý mơ hồ. Quan trọng hơn nữa, nhiều gia đình đưa chúng về vẫn không biết chắc họ có được nhận chúng làm con nuôi không. Mãi về sau, mọi chuyện mới được giải quyết êm thắm, nhờ nỗ lực chung của toàn xã hội. Ở Úc, tình hình tương đối lạc quan hơn. Năm 1983, một cuộc điều tra cho thấy ở bang New South Wales, trên 90% gia đình có nhận trẻ Việt làm con nuôi cảm thấy việc làm của họ là “thành công” hay “rất thành công”, cho cả họ lẫn các đứa trẻ. Năm 2000 là một mốc thời gian quan trọng, khi tất cả những đối tượng của chiến dịch Babylift đã trưởng thành, đang phấn đấu để có một chỗ đứng xứng đáng trong đời sống xã hội. Họ đã đủ lớn khôn để có những trăn trở về gốc gác sinh thành, về một đất nước mà từ đó họ đã ra đi. Những tình tự dân tộc thấm sâu vào máu thịt bao giờ đã khiến mỗi câu chuyện về họ là một cảm xúc rất đỗi thiêng liêng.

Tháng 10 năm 1974, Khanh Duy Nguyen (Nguyễn Khánh Duy?) bơ vơ giữa đường phố, được một người nào đó mang đến một cô nhi viện. Trong chiến dịch Babylift, anh được một gia đình người Mỹ ở Rockford, bang Illinois, nhận làm con nuôi. Suốt thời thơ ấu của Duy, bố mẹ nuôi thường khuyến khích anh tìm lại cội rễ Việt Nam của mình. Mùa Hè năm 1985, họ tạo điều kiện cho anh tham gia cuộc họp mặt ở Colorado, nơi đây, anh có được những tình bạn đầu tiên. Những lần họp mặt kế đó diễn ra vào những năm 1995, 2000, và đến năm 2001, một cuộc trở về quê mẹ kỳ thú có tên “Motherland Tour” được các xơ ở Loretto tổ chức. Duy cùng các bạn trẻ đồng cảnh ngộ được ngắm nhìn những thắng cảnh của đất nước, được về thăm lại những cơ sở từ thiện, nơi đã cưu mang họ trong những năm tháng đầu đời. Sau chuyến đi đó, Duy đã viết: “Trở về Mỹ sau chuyến đi kéo dài hai tuần, tôi biết là tôi cần phải quay lại (Việt Nam) trong một thời gian dài hơn nữa”. Sau đó, anh làm đúng theo dự tính, trở lại Sài Gòn sống ở đó 11 tháng, và theo anh, là để tìm hiểu mình “đã trở thành một người như thế nào”, cho dù anh không hề biết bố mẹ ruột là ai, không có một gia đình nào để tìm đến.

Trường hợp của Lynn Martinez (Mỹ Hằng) thật xúc động. Chị rời quê hương trong chiến dịch Babylift khi đã lên 5 tuổi. Chị không nhớ hết những gì xảy ra trong thời điểm đó, nhưng có những ấn tượng không thể phôi pha trong lòng chị. Mẹ chị làm trong cô nhi viện, trước khi tiễn chị ra đi và hôn chị cái hôn sau cùng, bà đã khóc nức nở, hứa với con sẽ có ngày gặp lại. Còn nhỏ quá, chị không ý thức được điều gì, chỉ cảm thấy buồn và sợ hãi khi chiếc xe tải lăn bánh đưa chị ra sân bay. Được đưa đến Washington sống với người mẹ nuôi, được chăm sóc, vỗ về, Lynn vẫn không quên những ấn tượng về người mẹ ruột. Về sau, chị được biết người mẹ đã chết giữa những biến động ở Sài Gòn, không lâu sau khi chị cùng nhiều trẻ em khác được đưa đến Mỹ. Ngày nay, Lynn đã có chồng, có nhà ở, xe riêng và một công việc làm thú vị, nhưng hình ảnh người mẹ trong buổi chia tay vẫn là nỗi ám ảnh suốt quãng đời còn lại của chị.

Câu chuyện về Hoa Stone lại là gương phấn đấu vượt qua sự nghiệt ngã của số phận và những cám dỗ của xã hội anh đang sống. Anh lớn lên trong một trại mồ côi gần Sài Gòn và bị bại liệt từ nhỏ, phải di chuyển trên đôi bàn tay đã chai sần rất sớm. Năm 1975, Hoa được 8 tuổi, chiến dịch Babylift đưa anh sang Úc, vào một gia đình người bản xứ ở Adelaide. Họ đã có ba con, nhưng vẫn dành cho anh tình yêu của những người bố, người mẹ thực sự. Hoa được học tiếng Anh, tập thích nghi với đời sống gia đình bố mẹ nuôi, trên quê hương thứ hai của mình. Những năm đầu tiên thật hạnh phúc, nhưng không lâu sau, Hoa đối mặt với nhiều chuyện không may: cậu em nuôi nhỏ nhất, cũng là người bạn chí cốt của Hoa, qua đời trong một cơn hen suyễn nặng. Nỗi buồn đó kèm theo những trăn trở về cha mẹ, về quê hương, khiến Hoa học hành sa sút, và dù được bố mẹ nuôi hết lòng động viên, anh cũng quyết định rời bỏ ngôi nhà đã một thời là tổ ấm của anh. Cuộc sống bên cạnh những thanh thiếu hư hỏng ngoài xã hội đưa Hoa đến với rượu và ma túy. Nhưng bỗng như một phép lạ, vào những lúc chông chênh nhất, Hoa tìm được sự an ủi của tôn giáo và anh quyết định dành tuổi trẻ cho một cuộc sống có ích hơn. Anh trở về Việt Nam năm 1998, học lại tiếng Việt và tham gia vào công tác từ thiện trên đất nước đã sinh thành ra anh. Anh quyên tiền để giúp những trẻ bại liệt, mang quần áo, thuốc men, thực phẩm cho những trại trẻ mồ côi, giúp những gia đình nghèo khó đưa con họ đến trường. Tuy dã cố hết sức mà vẫn chưa tìm lại được cha mẹ ruột, nhưng những việc làm nhân ái ấy đã mang đến cho Hoa nhiều an ủi.

Với tất cả ý nghĩa của sự tình cờ, chiến dịch Babylift ấy lại là dịp để những ông bố, bà mẹ nuôi thể hiện nghĩa cử sâu đậm tình người.Vợ chồng chị Victoria Andes đã có hai con, nhưng vẫn liên lạc với tổ chức Pearl Buck Foundation để xin một đứa con nuôi. Chị nhận được ảnh đứa con sẽ đến với gia đình chị, đặt trước cho nó cái tên Leisy, nhưng phải sau những chuyến bay bão táp của chiến dịch, chị mới được gặp nó. Gương mặt thì đúng là gương mặt của Leisy trong tấm ảnh, nhưng phải cố trấn tỉnh lắm, Victoria mới không phải giật mình. Nó có vẻ là một đứa bé sơ sinh hơn là trẻ 5 tháng tuổi, chỉ cân nặng hơn 4,5 kg và đưa mắt lấm lét nhìn những người vây quanh như một con thú trước kẻ săn mồi. Những ngày đầu tiên, Leisy đã làm cho bố mẹ nuôi mất ăn, mất ngủ. Bé bị tiêu chảy liên miên, từ thể trọng 4,5 kg ban đầu, hai tháng sau chỉ còn 4 kg. Nhưng Leisy đã biết cười với người mẹ nuôi tốt bụng. Nụ cười đó làm Victoria quên hết nhọc nhằn, chị cầu cứu với tổ chức từ thiện LeLeche League và không đầy một tiếng đồng hồ sau, một người lạ mặt mang đến nhà chị bình sữa mẹ nặng hơn 100 gr. Từ ngày đó, Leisy được nuôi bằng sữa của hơn 40 bà mẹ không tên, căn bệnh tiêu chảy không còn nữa…

Ngày nay, Leisy đã là một phụ nữ trẻ đẹp, thông minh. Chị có bằng cao học về giáo dục nghệ thuật và giảng dạy tại trường Cao đẳng đã đào tạo chị. Chị không bị kỳ thị trong đời sống cộng đồng, có nhiều bạn bè và đã lập gia đình với một người đàn ông tuyệt diệu… Trong lòng người phụ nữ Việt Nam xa xứ, hình ảnh bố mẹ ruột thật mơ hồ như khói, như sương, nhưng Leisy đã thực sự tìm được tình yêu ở người mẹ nuôi Victoria, một bà tiên vừa bước ra từ trong một câu chuyện cổ tích xa xưa nào đó.

Lê Nguyễn
Doanh Nhân Sài gòn Cuối tuần 2005 – 10.4.2019

Đăng lại từ facebook Lê Nguyễn dưới sự cho phép của tác giả

Xem thêm: