Ngọn lửa cách mạng được thắp sáng bởi một nhân vật thời cuộc, kéo theo sự sụp đổ của một chế độ độc tài – đó là một câu chuyện chung của các cuộc cách mạng đã và đang diễn ra tại nhiều nước trong khối Ả rập, cũng như của những cuộc nổi dậy dẹp bỏ độc tài ở Đông Âu vào năm 1989.

Những chế độ độc tài sụp đổ ra sao?
Người dân Berlin vui mừng trèo lên bức tường Berlin, một ngày trước khi nó bị đập bỏ vào năm 1989. (Ảnh: Lear 21/Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Vì sao hành động của một nhóm nhỏ bất đồng chính kiến đã trở thành một phong trào tranh đấu lan toả khắp nơi thu hút được mọi thành phần trong xã hội và dẹp bỏ một chế độ độc tài đầy quyền lực? Để hiểu tại sao nhân dân vùng lên phá đổ chế độ độc tài, trước tiên ta cần biết trong hoàn cảnh nào người dân đã hết chấp nhận giới cai trị họ.

Theo Roger Pertersen, tác giả của “Resistance and Rebellion: Lessons from Eastern Europe” (Phản kháng và Nổi dậy: Bài học Đông Âu), thì những cuộc nổi dậy chống độc tài thường có 3 giai đoạn rõ rệt:

  • Giai đoạn có tính cách quyết định nhất – khi đa số dân chúng thay đổi thái độ từ “trung lập/thờ ơ” qua “chống đối khắp nơi một cách vô tổ chức và không vũ trang”. Những hình thức chống đối này bao gồm việc viết lên tường (graffiti) những dòng chữ chống chính quyền, hát những bài ca yêu nước, phát hay nhận những truyền đơn có nội dung chống chính phủ, và tham gia những cuộc biểu tình tự phát.
  • Giai đoạn chống đối có tổ chức ở cấp địa phương và có thể có vũ trang.
  • Giai đoạn duy trì cái trớn của phong trào chống đối có sự tham gia của đông đảo dân chúng.

Theo ông Petersen, quan trọng nhất là những người tiên phong. Dù thoạt đầu có rất ít người, họ can đảm hô hào dân chúng tham gia phong trào. Đối với mỗi người dân, quyết định tham gia cuộc tranh đấu của họ có tính chiến lược khi họ tin rằng nhiều người khác cũng sẽ tham gia.

Hiện nay, sự hiện hữu của các mạng xã hội góp phần nhiều vào tiến trình làm xói mòn quyền lực của chế độ độc tài. Ngoài việc nhanh chóng chuyển tải thông tin mà nhà nước muốn bưng bít, mạng xã hội còn giúp cho việc tổ chức và huy động dân chúng tham gia các hoạt động phản kháng có hiệu quả hơn. Kinh nghiệm từ các cuộc nổi dậy chống độc tài ở Đông Âu cho thấy nhiều người quyết định tham gia biểu tình khi nhận thấy rằng nó sẽ được nhiều thành phần trong xã hội ủng hộ.

Một yếu tố quan trọng khác là khi chế độ trở nên quá thối nát và bất lực trong việc cung cấp những dịch vụ cơ bản và quản lý kinh tế thì người dân không còn tin tưởng vào chiêu bài của đảng cầm quyền là cần chấp nhận độc tài để có ổn định mà làm ăn và phát triển.

Khi dân chúng bị chính quyền hà hiếp quá đáng, họ sẽ bỏ qua những lợi lộc ít ỏi về an sinh để bảo vệ những giá trị cao cấp hơn như nhân phẩm và nhân quyền. Đây là yếu tố chung về tâm lý quần chúng trong những cuộc nổi dậy ở Đông Âu vào cuối thập niên 80 và gần đây trong khối Ả Rập.

Với sự chuyển biến trong tâm lý của người dân, số người chấp nhận hy sinh lợi ích của cá nhân để tranh đấu cho một lý tưởng chung sẽ tăng vọt đến một số lượng quyết định (a criticalmass) để trở thành một phong trào với khí thế không thể cưỡng, nhất là khi mọi thành viên trong phong trào nhận thức được sức mạnh của sự đoàn kết trong phong trào.

Trong nhiều trường hợp, phong trào chống đối được châm ngòi bởi những sự kiện cụ thể liên quan tới những nạn nhân của chế độ. Thí dụ, cuộc cách mạng ở Tunisia bộc phát sau khi Mohammed Bouzizi, người bán trái cây tại Sidi Bouzid, đã tự thiêu vì bị công an hành hạ. Tại Ai Cập, một thanh niên tên Khaled Said sau khi bị công an đánh đập dã man đã trở thành một biểu tượng và hấp lực của cuộc nổi dậy,

Khi chế độ độc tài dùng bạo lực để đàn áp người chống đối, một cuộc leo thang bạo lực sẽ diễn ra. Khi chính quyền quyết định ra lệnh cho lực lượng vũ trang dùng biện pháp mạnh nhất để đàn áp phong trào cách mạng, sự kiện này sẽ buộc những ai còn đứng về phía chính phủ phải đối diện với một sự chọn lựa mang tính cách chiến lược và đạo đức: trung thành với chính phủ và sẵn sàng dùng bạo lực hay là tham gia cách mạng.

Trong những cuộc cách mạng toàn dân trong 40 năm qua, khi các lực lượng vũ trang không tuân lệnh bắn vào dân chúng biểu tình, chia rẽ sẽ lộ ra trong hàng ngũ lãnh đạo quân đội, công an mật vụ, cũng như trong chính phủ, khi sự trung thành với chế độ của họ bị lung lay.

Vấn đề là khi đứng trước ngưỡng của một sự thay đổi trọng đại như vậy, liệu một chính quyền độc tài từng quen với việc dùng quyền lực tuyệt đối sẽ có đủ uyển chuyển và khả năng để thương lượng với phía cách mạng hay không?

Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia, thói quen của các chế độ độc tài toàn trị là dùng bè phái tông tộc để nắm hết những chức vụ trong bộ máy nhà nước. Dần dà, lãnh đạo độc tài quy tụ một tập thể cầm quyền toàn là nịnh thần, họ hàng. Điều này khiến cho chế độ trở thành tự kỷ, tự mãn và cô lập với quần chúng.

Tại Ai Cập và Tunisia, hai chế độ độc tài dù vững mạnh và đầy quyền uy đã sụp đổ nhanh chóng sau khi một tướng lãnh tuyên bố sẽ không tuân lệnh chính phủ để đàn áp dân chúng. Tại Romania, quân đội không những đã bất tuân lệnh bắn vào dân mà còn che chở họ và truy lùng những nhân vật chóp bu trong chính phủ và quốc hội bù nhìn. Quân đội xử bắn lãnh tụ Nicolae Ceaușescu và vợ là Elena Ceaușescu sau một phiên toà chiếu lệ.

Nói cho cùng, phong trào tranh đấu chỉ thành công khi số lượng người quyết định không cam chịu sự cai trị của chế độ độc tài nữa đạt một mức đủ cao, và họ chấp nhận những rủi ro khi tham gia tranh đấu vì họ tin rằng cuộc cách mạng sẽ có cơ hội thành công.

Khi dân không còn sợ hãi, chế độ độc tài sẽ cáo chung.

Nguyễn Thị Bích Ngà
Bài viết cùng HT tháng 8/2014

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

Nguồn tham khảo chính: Roger Pertersen, tác giả của “Resistance and Rebellion: Lessons from Eastern Europe” (Phản kháng và Nổi dậy: Bài học Đông Âu)

Xem thêmDiễn văn: “Tôi là một người Berlin” – John F. Kennedy

Mời xem video: