Từ ngày 28/2 đến 5/3, Nhật hoàng Akihito cùng Hoàng hậu lần đầu tiên tới thăm Việt Nam kể từ khi lên ngôi. Nhân dịp này, chúng tôi muốn gửi tới độc giả chân dung về Nhật hoàng Akihito, một vị vua “gần dân” của đất nước mặt trời mọc.

Vương triều Nhật Bản chính thức bắt đầu từ năm 660, khi Thần Vũ Thiên hoàng (Jimmu) lấy ngày 11/2 năm 660 TCN làm ngày lập quốc. Kể từ đó tới nay, Hoàng gia Nhật Bản đã trở thành nền quân chủ truyền đời lâu dài nhất còn tồn tại trên thế giới.

Nhật hoàng Akihito là hoàng đế thứ 125 của Hoàng gia Nhật Bản. Ông lên ngôi ngày 7/1/1989 sau khi Nhật hoàng Hirohito qua đời. Dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của Nhật Hoàng Akihito:

Thời niên thiếu của Nhật Hoàng Akihito

Nhật hoàng Akihito sinh ngày 23/12/1933, là con trai của Thiên hoàng Hirohito (Chiêu Hòa) và Hoàng hậu Nagako (Hương Thuần). Ông chính thức thừa kế ngai vàng vào năm 1989 và lấy hiệu là Heisei (Bình Thành). Chính vì thế, khi Nhật hoàng Akihito qua đời, người Nhật sẽ gọi ông là Bình Thành Thiên hoàng.

Nhật hoàng Akihito sinh ngày 23/12/1933, là con trai của Thiên hoàng Hirohito và Hoàng hậu Nagako

Akihito là con trai trưởng và là người con thứ năm của Thiên hoàng Chiêu Hòa và Hoàng hậu Hương Thuần. Lúc thiếu thời (1940-52), hoàng gia bổ nhiệm quan giáo thụ dạy dỗ riêng cho đến khi ông nhập học trung học tại Gakushuin – trường sở dành riêng cho tầng lớp quý tộc Nhật Bản. Khác với thông lệ tiền triều, Thiên hoàng Chiêu Hòa không bổ nhiệm Akihito vào quân đội sau khi ông học xong trung học.

Nhật hoàng Akihito tự học trong Cung điện Hoàng gia tại Tokyo.

Tháng 3 năm 1945, khi Mỹ ném bom không kích Tokyo, Akihito và em trai, Hoàng tử Masahito, phải sơ tán khỏi thủ đô. Đệ nhị Thế chiến kết thúc, Nhật Bản bị Mỹ chiếm đóng, Akihito theo học Anh văn do Elizabeth Gray Vining – một chuyên viên thư viện – dạy kèm. Ông tốt nghiệp khoa Chính trị của trường Đại học Gakushuin.

Ngày 10 tháng 11 năm 1952 Akihito nhận lễ tấn phong Hoàng Thái tử tại Hoàng cung Tokyo. Sang năm sau, Tháng 6 năm 1953, Thái tử Akihito đại diện Nhật Bản tham dự lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị.

Những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Nhật hoàng Akihito
Nữ hoàng Elizabeth II đứng cạnh Thái tử Akihito nhân dịp ông tới London dự lễ đăng quang của bà năm 1953 (Ảnh: Getty Image)

Năm 1959, Thái tử Akihito cưới Michiko Shoda, con gái của một doanh nhân. Cả nước vui mừng với lễ cưới truyền thống được tổ chức cùng dàn xe ngựa kéo lộng lẫy. Hơn 500.000 người đổ ra đường để chào mừng sự kiện này. Đây được coi một trong những ngày hạnh phúc nhất trong lịch sử hậu chiến Nhật Bản.

Năm 1959, Hoàng Thái Tử Akihito cưới Michiko Shoda.

Những năm sau đó, Thái tử và vợ là công nương Michiko lần lượt công du 37 nước trên thế giới để phá bỏ thành kiến rằng Hoàng gia Nhật Bản vô cảm như người máy. Cả hai tạo nên hình ảnh mới gần gũi với người dân Nhật Bản hơn.

Kế thừa ngôi vị

Ngày 7 tháng 1 năm 1989, Thiên hoàng Chiêu Hòa băng hà. Ngày 12 tháng 11 năm 1990, Thái tử Akihito lên ngôi, trở thành vị Thiên hoàng thứ 125 của Nhật Bản, lấy niên hiệu là Heisei.

Nhật hoàng Akihito kế tục ngôi vị.

Nhật hoàng Akihito là người kế thừa của Ngai vàng hoa Cúc, một tên gọi hoa mỹ của Hoàng gia, bắt nguồn từ việc người Nhật ví hoa cúc như mặt trời chiếu sáng, cũng giống như Hoàng gia vậy.

Sau khi lên ngôi, Nhật hoàng Akihito tiếp tục việc rút ngắn khoảng cách giữa Hoàng gia và người dân thường Nhật Bản. Nhật hoàng và Hoàng hậu đã viếng thăm chính thức 18 quốc gia, cũng như tuần du 47 phủ huyện Nhật Bản.

Nhật hoàng Akihito tiếp tục việc rút ngắn khoảng cách giữa Hoàng gia và người dân thường Nhật Bản.

Nhật hoàng Akihito đã vài lần công khai xin lỗi các nước châu Á về những tội ác của phát xít Nhật Bản gây ra cho họ trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945), bắt đầu bằng việc xin lỗi Trung Quốc vào tháng 4 năm 1989, ba tháng sau khi Chiêu Hòa Thiên hoàng qua đời.

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu
cầu nguyện cho những người tử nạn trong chiến tranh.

Ngày 23 tháng 12 năm 2001, trong một động thái nhằm xoa dịu căng thẳng mối quan hệ Nhật Bản và Triều Tiên, Nhật hoàng Akihito đã trả lời một cuộc phỏng vấn báo giới trong ngày sinh nhật của mình rằng: người Nhật và người Triều Tiên có quan hệ họ hàng gần gũi. Nhật hoàng Akihito cho rằng trong Nhật Bản ký, thái hậu của Thiên hoàng Hoàn Vũ (736–806) có mối quan hệ huyết thống với Vũ Ninh Vương (501-523), vua của Bách Tế. Nhật hoàng Akihito cũng cho rằng trong thời cổ, khi người dân Triều Tiên di cư đến Nhật Bản họ đã truyền thụ nhiều tri thức về văn hóa và khoa học kỹ thuật cho Nhật Bản, và những sự kiện đáng tiếc trong quá khứ nên được hai bên tha thứ.

Xem thêmVị hoàng hậu có xuất thân thường dân đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản

Tháng 6/2005, Nhật hoàng Akihito cùng Hoàng hậu Michiko viếng thăm khu vực Saipan của Mỹ, nơi diễn ra trận chiến Thái Bình Dương nổi tiếng của Chiến tranh thế giới thứ hai, kéo dài từ ngày 15/6 đến ngày 9/7/1944. Trong chuyến thăm, Nhật hoàng nhiều lần đến các đài tưởng niệm chiến tranh để gửi hoa viếng và cầu nguyện cho các vong linh của binh sĩ Nhật Bản, Mỹ cùng các thường dân Triều Tiên và người dân địa phương đã bỏ mạng tại trận đánh này. Đây là lần đầu tiên một Nhật hoàng viếng thăm và cầu nguyện tại một địa điểm xảy ra chiến tranh nằm ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Chuyến viếng thăm Saipan của Nhật hoàng được đông đảo người dân Nhật Bản hoan nghênh, cũng như những chuyến viếng thăm các khu tưởng niệm chiến tranh tại Tokyo, Hiroshima, Nagasaki, và Okinawa năm 1995.

Nhật hoàng Akihito cùng Hoàng hậu Michiko viếng thăm khu vực Saipan.

Ngày 6/9/2006, Nhật hoàng làm lễ chào mừng việc cháu trai của ông là Thân vương Hisahito ra đời. Hisahito là con thứ ba của thứ nam của Thiên hoàng, và là hoàng nam có thể thừa kế ngôi vị đầu tiên của gia đình Thiên hoàng trong suốt 41 năm qua. Vì vậy việc Hisahito ra đời là một cứu cánh lớn của Hoàng gia trong việc chọn người thừa kế ngai vàng Hoa Cúc. Trước đó, Thái tử chỉ có duy nhất một con gái là Kính cung Công chúa Aiko, mà theo luật lệ thì nữ giới không có quyền thừa kế ngai vàng.

Sự ra đời của Thân vương Hisahito cũng có nghĩa là việc đề xuất thay đổi luật lệ để nữ giới được thừa kế ngai vàng có nhiều nguy cơ bị bác bỏ. Bản thân việc sửa đổi này đã bị đình hoãn khi Hoàng gia công bố việc Thâu Tiểu cung Thân Vương phi Kiko, vợ của Thâu Tiểu cung Thân vương Fumihito mang thai Hisahito vào tháng 2/2006.

Cậu bé trong ảnh là Thân vương Hisahito.

Nhật hoàng Akihito trị vì trong giai đoạn đất nước Nhật Bản có nhiều thay đổi như khủng hoảng kinh tế do vỡ “bong bóng bất động sản” từ những năm 1990, tỷ lệ thất nghiệp đạt kỷ lục vào năm 2009, v.v. Sau trận sóng thần tại và động đất tại Nhật Bản vào 3/2011, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã đến thăm thành phố Minamisanriku, tỉnh Miyagi.

Nhật hoàng muốn thoái vị

Ngày 8/8/2016, trong bài phát biểu phát sóng truyền hình quốc gia, Nhật hoàng Akihito đã tỏ ý định rõ ràng về việc thoái vị vì tuổi cao sức yếu – Đây là điều chưa xảy suốt 200 năm ra kể từ khi Thiên hoàng Quang Cách tuyên bố thoái vị năm 1817. Tuy nhiên, Nhật hoàng Akihito chưa thể dễ dàng trao lại vương quyền cho Hoàng Thái tử do những phức tạp trong Luật Hoàng thất chỉ mới được đưa ra vào năm 1947.

Khoảnh khắc Nhật hoàng Akihito bày tỏ mong muốn được thoái vị cũng là một khoảnh khắc hiếm hoi của ông trên truyền hình. Trong thời gian trị vì 28 năm, Nhật hoàng mới chỉ một lần phát biểu với hình thức này vào tháng 3 năm 2011, sau thảm họa Động đất và sóng thần Tohoku 2011.

Nhật hoàng Akihito xuất hiện trên truyền hình, và thông điệp của ngài nhanh chóng lan rộng.

Về việc xin thoái vị, Nhật hoàng Akihito đã bày tỏ công khai mong muốn của mình: Đó không phải chỉ là một sự “giải thoát” thoải mái cho cá nhân, mà còn muốn tạo ra một thay đổi hợp lý cho luật hoàng gia, tạo ra sự thoải mái và nhẹ nhõm hơn cho các Nhật hoàng sau này.

Vị Nhật hoàng 83 tuổi đã truyền đi một thông điệp rất rõ ràng của ông: Nhật hoàng cũng chỉ là con người bình thường, với đầy những hạn chế của con người, và họ cũng già đi như những người khác.

Rõ ràng những tâm sự đó của Nhật hoàng đã chạm đến được trái tim của đông đảo người dân Nhật. Mặc dù không có ai phát biểu công khai, nhưng hầu hết các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy đa số người Nhật đồng tình với việc thay đổi Luật Hoàng thất, cho phép Nhật hoàng thoái vị.

Thanh Phong