Năm 1483 vua Lê Thánh Tông sai các quan đại thần sưu tầm luật định của các Triều đại trước, xây dựng lại thành một bộ hoàn chỉnh gọi là “Quốc triều hình luật” hay còn gọi là “Bộ luật Hồng Đức”. Bộ luật Hồng Đức được đánh giá là có nhiều tiến bộ so với các bộ luật trước đó và được sử dụng trong suốt 300 năm thời Hậu Lê. Nhà Nguyễn cũng kế thừa rất nhiều từ bộ luật này. Đáng chú ý, bộ luật này cho thấy quyền lợi của người phụ nữ cũng được xem trọng trong thời kỳ quân chủ xưa kia.

Những điểm coi trọng quyền lợi của người phụ nữ trong bộ luật Hồng Đức
(Ảnh minh họa: Saravutpics, Shutterstock)

Bộ luật Hồng Đức ưu tiên phụ nữ trong khá nhiều khía cạnh. Về tài sản kế thừa cũng không phân biệt nam hay nữ. Điều 388 quy định khi cha mẹ mất thì để 1/20 ruộng đất làm hương hỏa thờ cúng giao cho con trưởng giữ, tài sản còn lại chia đều cho các con. Luật cho phép con gái trưởng được thừa kế ruộng hương hỏa nếu gia đình không có con trai.

Trong lao động, việc trả tiền công nhật không phân biệt lao động là nam hay nữ, đều được trả như nhau.

Để bảo vệ người phụ nữ có thân phận thấp nhất trong xã hội, điều 113 quy định nếu người con gái phải tự bán mình mà không có người bảo lãnh thì cả người mua, người viết văn khế, người làm chứng đều bị phạt, phải trả lại tiền cho người mua và văn khế bị huỷ bỏ.

Trong cưới hỏi, luật quy định nếu nhà gái đã nhận đồ sính lễ mà nhà trai thay đổi không đồng ý lấy nữa thi bị mất đồ sính lễ, chủ hôn bên nhà trai bị phạt 80 trượng.

Trong quan hệ hôn nhân, người vợ có quyền có tài sản riêng, có quyền đồng sở hữu khối tài sản chung cùng chồng trong thời gian hôn nhân. Người vợ cũng có quyền được thừa kế tài sản của chồng và sự chênh lệch giữa hai vợ chồng trong việc thừa kế tài sản của nhau là không đáng kể.

Người phụ nữ được có tài sản riêng, được tham gia các hoạt động kinh tế gia đình. Tài sản chung của vợ chồng khi bán phải có đủ chữ ký của cả vợ và chồng.

Trong hôn nhân, vợ cũng được phép thưa kiện nếu bị chồng bỏ mặc quá 5 tháng (chưa có con) hoặc 1 năm (nếu có con).

Luật Hồng Đức cũng xử rất nặng những kẻ cưỡng bức phụ nữ. Kẻ nào cưỡng bức phụ nữ thì bị xử tội lưu hay chết, còn phải nộp tiền tạ cho người bị hại. Điều 42 quy định: “Nếu vì tội này làm người đàn bà bị thương hay bị chết thì kẻ phạm tội bị xử nặng hơn tội đánh bị thương người thường một bậc”, tức bị xử tương đương với tội đánh chết người và bị xử chết. Điền sản của kẻ phạm tội bị tịch thu đưa cho bên bị hại. Với trẻ em dưới 12 tuổi dù có đồng ý thì vẫn bị khép vào tội cưỡng bức và xử rất nặng như trên. Vì trẻ em dưới 12 tuổi chưa trưởng thành dễ bị lừa gạt.

Tội phạm tùy trường hợp mà bị dùng hình, nhưng nếu là phụ nữ thì không áp dụng dùng hình, nếu bị phạt lưu hình thì chỉ đánh roi hoặc thích chữ vào mặt. Đàn ông phạm tội thường bị đeo xiềng xích, nhưng phụ nữ thì không phải đeo xiềng xích.

Điều 680 quy định nếu người phụ nữ đang mang thai mà phạm tội tử hình, thì phải hoãn thi hành, chờ sinh được 100 ngày mới đem đi xử.

Bên cạnh quyền lợi mà người phụ nữ có được, luật Hồng Đức cũng nêu rõ những ràng buộc là trách nhiệm của người phụ nữ theo tiêu chuẩn đạo đức thời xưa, đó là phải “tòng phu”, tức theo chồng, phải yêu thương chăm sóc chồng và gia đình chồng. “Tòng phu” ở phương diện hôn nhân, là chỉ người phụ nữ phải một lòng một dạ với chồng, bảo trì trinh tiết, không thất tiết. Người xưa quan niệm rằng phụ nữ như vậy sẽ giữ được đức hạnh của mình, có được hậu phúc và được người đời tôn kính.

Trần Hưng tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: