Việt Nam, xưa nay, là một xã hội chứa trong mình rất nhiều mâu thuẫn nội tại. Mâu thuẫn có thể đưa tới sự cải thiện và cái mới, nhưng điều ấy chỉ đúng khi người ta đã học biết cách giải quyết mâu thuẫn. Còn Việt Nam, mâu thuẫn luôn đem lại sự tiêu cực và mỗi lúc mỗi thêm trầm trọng. Nó gây ra chia rẽ, làm đứt gãy những mối liên kết trong các mối quan hệ. Nặng nề hơn, chẳng những con người trong xã hội hiện nay luôn có mâu thuẫn với nhau, mà còn tự mâu thuẫn với chính bản thân họ.

Đây là một đề tài lớn, cần nghiên cứu cẩn trọng về nguyên nhân và giải pháp, bởi giải quyết được mâu thuẫn nội tại và mâu thuẫn xã hội thì mới có thể giải quyết được bài toán thể chế và phát triển xã hội.

Trong phạm vi bài này, tôi chỉ đề cập một góc nhỏ của bức tranh: sự mâu thuẫn nội tại trong những đứa trẻ – thế hệ tương lai.

Vì sao tôi nhận định những đứa trẻ ở Việt Nam hiện nay bị mâu thuẫn nội tại? Mâu thuẫn nội tại là gì? Nó bắt nguồn từ đâu?

Mâu thuẫn nội tại là cụm từ để chỉ người có lời nói và hành động không nhất quán, thường mắc lỗi ngụy biện tiêu chuẩn kép, hầu như khó phân định rõ ràng được giữa đúng và sai, phải và trái, nên và không nên, thường hiểu sai hoặc không đủ cặn kẽ về các khái niệm, triết lý, tư tưởng. Ở người có suy tư, khi bị mâu thuẫn nội tại, họ sẽ hoang mang và mất rất nhiều thời gian để tìm lại được lý tưởng sống, nếu không họ sẽ lạc lối và rơi vào tình trạng cực đoan. Ở người ít suy tư, khi bị mâu thuẫn nội tại, họ còn không nhận ra điều đó và vô tư ăn nói, hành xử gây ra tổn thương hoặc gây hại mà vẫn cho rằng mình đúng.

Mâu thuẫn nội tại bắt nguồn từ đâu? Trước tiên, từ gia đình, sau đến nhà trường và xã hội. Trong bài này, tôi nói về khía cạnh gia đình. Bởi, ta đã biết, nói về khía cạnh nhà trường và xã hội thì cũng chỉ để nhận biết chứ chưa giải quyết được trong tình hình hiện nay. Nó đòi hỏi sự thay đổi toàn diện về thể chế, văn hóa, giáo dục, truyền thông…

Trong nhiều bài viết trước về nền tảng giáo dục gia đình, tôi thường đưa ra những phân tích và ví dụ cụ thể về việc yêu thương, quan tâm sai cách của người Việt. Đó là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự mâu thuẫn trong trẻ. Một đứa trẻ được dạy rằng ba mẹ lúc nào cũng yêu thương con cái và con cái phải yêu thương ba mẹ, ông bà, anh em, nhưng nó không hoặc rất ít được nghe lời nói yêu thương, ít nhận được sự quan tâm đúng cách, thường xuyên nghe trách mắng, bị đánh, bị quát tháo và chứng kiến ba mẹ cãi nhau thì nó sẽ hiểu sai khái niệm yêu thương và quan tâm. Nó sẽ bị mâu thuẫn.

Yêu thương phải là nói lời yêu thương, có hành động chia sẻ, quan tâm và hướng dẫn đúng nghĩa. Một đứa trẻ sẽ hoàn toàn bối rối khi mới hôm trước mẹ nó bảo, “Yêu con trai cưng của mẹ, cục vàng của mẹ..” mà hôm sau đã có thể quát, “Mày lì lợm cứng đầu y hệt thằng cha mày vậy, nói không biết nghe lời, học không lo học suốt ngày đi chơi. Ai yêu thương nổi mày.” Và người mẹ đó tin rằng, nói với nó rằng bà ta quát nó vì yêu nó, “Có thương mới chửi.” Nó hoàn toàn cảm nhận sai và đánh đồng sự tức giận với yêu thương, quan tâm. Khi lớn, nó sẽ quát người nó thương yêu vì nó không biết cách khác. Nếu người thương yêu nó yêu thương nó đúng cách thì nó cũng không cảm nhận được tình cảm đó một cách đủ đầy sâu sắc nhất.

Người ba dạy con trai phải cư xử rộng lượng nhưng ông ta không hề có sự bao dung trong cư xử với chính con trai mình khi nó mắc lỗi thì nó sẽ không thể học được điều gì cả mà hiểu sai luôn về khái niệm bao dung hoặc rộng lượng. Đứa trẻ trong gia đình Việt, đa số, là đứa trẻ rất đáng thương bởi chúng luôn bị mâu thuẫn nội tại bởi chính những mâu thuẫn nội tại của người lớn. Như một vòng lặp bệnh lý vô tận vậy.

Một mâu thuẫn khác mà những đứa trẻ ngày nay phải chịu nữa là sự mâu thuẫn văn hóa Đông-Tây trong gia đình và xã hội. Xã hội Việt Nam hiện nay đã mất dần những tinh túy trong văn hóa phương Đông và tiếp nhận văn hóa phương Tây một cách chưa đầy đủ, thấu suốt nên nó là một mớ hỗn loạn và nhìn đâu cũng thấy sai sai. Số người giữ được nét đẹp của văn hóa phương Đông và biết bỏ đi những điều không còn hợp thời, thay vào đó các giá trị hay ho trong văn hóa phương Tây là không nhiều, có thể nói quá ít. Những đứa trẻ lớn lên thành chàng trai cô gái hời hợt trong tư duy, hiểu sai về khái niệm, không có lý tưởng sống hay không biết lý tưởng sống là gì, không biết quan tâm đến các vấn đề của xã hội hoặc có quan tâm thì theo kiểu sai hướng đang chiếm số đông trong xã hội.

Những đứa trẻ may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình ba mẹ không hoặc ít bị mâu thuẫn nội tại thì có bị mâu thuẫn nội tại không? Vẫn có. Vì chúng đi học, ra xã hội, tiếp xúc với cộng đồng sẽ bị những điều sai làm cho hoang mang, chất vấn và sinh mâu thuẫn. Ba mẹ dạy con phải yêu kính thầy cô, nhưng khi đi học, đứa trẻ không được thầy cô yêu thương và đối xử công bằng thì nó không thể nào yêu kính được. Nó sẽ chất vấn về tính trung thực khi bài tập của bạn nó được điểm cao vì copy bài. Nó sẽ hoài nghi tình yêu thương, sự nhân bản khi bị thầy cô bợp tai hoặc nó sẽ chất vấn về giá trị của phẩm giá so với đồng tiền khi nó bị nêu tên trên loa trường vì chưa đóng học phí. Nó sẽ mất niềm tin vào sự công chính và hoài nghi sự dũng cảm khi nó bị đánh phạt trách mắng, cấm tiệt vì tội đánh nhau với đứa bạn vì đứa bạn đó ăn hiếp một bạn gái khác.

Ta thấy, có thể kể ra rất nhiều trường hợp cụ thể, đời thường, có thể tác động trực tiếp lẫn gián tiếp lên tâm hồn đứa trẻ làm cho nó trở thành một đứa bị mâu thuẫn nội tại. Người lớn không dám quan tâm chính trị xã hội, không dám đấu tranh chống cái sai trái, không dám đấu tranh cho quyền làm người, thường lờ tịt đi trước những bất công quanh mình và cứ cắm cúi kiếm tiền thì lớp trẻ cũng theo sau như thế, không thể trách chúng được, càng không có quyền đòi hỏi chúng điều gì.

Con đánh bạn vì bạn ăn hiếp bạn gái, con bị nhà trường phạt, con băn khoăn và nghi vấn về sự công chính và lòng dũng cảm thì làm ba mẹ phải giải thích cho con hiểu và khẳng định, xác quyết với con rằng việc con bảo vệ bạn gái là đúng. Hướng dẫn con cách xử lý tình huống trên bằng lời nói, không nên động tay chân. Lắng nghe con để hiểu hoàn cảnh lúc đó có phải là con bị buộc phải sử dụng tay chân không, nếu thật vậy, hãy thấu hiểu và nói với nó ba mẹ hiểu vì sao nó làm như thế. Có vậy, đứa trẻ mới hiểu đúng, hết hoài nghi và đủ niềm tin vào sự công chính, nó không mất đi sự dũng cảm.

Đọc nhiều lời chê trách lớp trẻ Việt Nam, tôi cứ băn khoăn mãi, chúng là tác phẩm của người lớn, sao chúng ta hư hỏng mà cứ đòi trẻ phải nên người? Chúng không có tội gì cả. Những thế hệ đi trước mới có tội với chúng. Đổ cho xã hội, nhà trường thì cũng đúng, nhưng chỉ một phần, nền tảng giáo dục gia đình cực kỳ quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ, nhất là trong bối cảnh xã hội Việt Nam.

Người lớn cần thay đổi, và làm ơn, học để nhận biết và giải quyết mâu thuẫn nội tại của chính mình thì mới có thể dạy được con. Để tránh cho trẻ không bị mâu thuẫn nội tại, ba mẹ phải hiểu rõ về bản thân mình, dành nhiều thời gian trò chuyện để phát hiện và hướng dẫn con tư duy đúng hướng. Tương lai Việt Nam nằm trong tay mỗi ông bố bà mẹ Việt.

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm:

Mời xem video: