Những người đã từng tới tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, có cơ hội đều muốn ngắm một chút đại viện của Kiều Gia. Nó nằm tại thôn Kiều Gia Bảo, trấn Đông Quan, huyện Kỳ, Sơn Tây, là nhà tổ của gia tộc họ Kiều, thương nhân tỉnh Sơn Tây. Đại viện của Kiều Gia đã chứng kiến sự hưng vượng, thịnh suy thành bại của gia tộc học Kiều truyền kỳ của Trung Quốc.

Những hoành phi câu đối giúp một gia tộc hưng vượng suốt hơn 200 năm
Đại viện Kiều Gia. (Ảnh: Underbar dk, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Khi Kiều Gia còn hưng vượng sản nghiệp trải khắp cả nước, kéo dài hơn 200 năm. Kiều Gia sở dĩ có thể gia hưng tộc vượng như vậy có liên quan mật thiết tới gia quy của Kiều Gia. Gia quy quy chính con người, gia phong hưng thịnh sự nghiệp. Nhờ sự ước thúc và giáo hoá của gia quy, gia huấn, gia tộc họ Kiều mới có được gia phong ưu tú, hưng vượng, truyền lại cho hậu thế, ảnh hưởng sâu rộng.

Cổng lớn

Tử Tôn hiền tộc tương đại,
Huynh đệ mục gia chi phì.

Đôi câu đối được trạm khắc trên tấm ván đồng ngay giữa cổng lớn của Kiều Gia. Đây là câu đối do Lý Hồng Chương, một trọng thần cuối thời nhà Thanh viết tặng Kiều Gia, ý rằng: Con cháu hiền tài, gia tộc sẽ phồn thịnh, cường đại; Huynh đệ thuận hoà, gia đình mới có thể phú quý, hanh thông. Cổ ngữ giảng “Gia hoà vạn sự hưng”, đôi câu đối này cũng hàm chứa sự hài hoà, bao dung, rộng lượng và quan niệm trị gia “Hoà vi quý” trong truyền thống Á Đông.

Bức tường chứa Bách Thọ Đồ

Tổn nhân dục dĩ phục Thiên lý;
Súc đạo đức nhi năng văn chương.

Câu đối này được khắc hai bên bức tường chứa “Bách Thọ Đồ” đối diện với cổng lớn của trung đường Kiều Gia. Đây là câu đối do Tả Tông Đường, một đại thần phụ trách quân sự thời Mạt Thanh viết, ý rằng: Giảm bớt dục vọng cá nhân để khôi phục bản tính của con người, thuận theo thiên lý của tự nhiên; Tích luỹ, tu dưỡng đạo đức, mới có thể phù hợp với Lễ Nhạc Pháp chế và quy phạm của xã hội.

Tường ngoài của đại viện

Kinh tế hội thông thủ kỷ luật;
Ngôn từ an định khứ điêu tuyên.

Câu đối này được khắc hai bên tường ngoài của cổng lớntại trung đường (sảnh tầm trung), ý là: Khi theo đuổi sự nghiệp kinh doanh hay tiến hành giao dịch thương nghiệp, thì hành vi phải tuân thủ theo đạo đức, phép tắc của xã hội và quy phạm của sự thành tín; khi bàn luận với người phải khiến người tâm an, lời nói nên bỏ đi những gọt giũa, tô điểm, cần chân thành mà thiết thực.

Lầu các nơi Chính Môn

Phục Trung Đạo Hoà

Bức hoành phi này treo trên lầu các nơi cổng chính của trung đường. “Phục trung” vốn chỉ khi đi đường chân không xiên lệch, ở đây có ý là tuân theo đạo Trung Dung. “Đạo hoà” chỉ việc đối nhân xử thế bình hoà, thành khẩn. Ý của cả bức hoành phi này là thuận theo đạo Trung Dung, dĩ hoà vi quý, trung thành ngay thẳng, khiêm nhường, ôn hoà. Tên của chủ nhà là Kiều Chí Dung và tên “Tại Trung Đường” đều xuất phát từ tư tưởng “Trung Dung”, tư tưởng cối lõi của Nho gia, mang nghĩa “Chấp lưỡng dụng trung” (Chọn phần giữa hai đầu). Kiều Gia dùng đạo Trung Dung trị gia, coi trọng sự trung hậu, hoà thuận, không thiên lệch, hoà mà không đồng.

Đồng Lâu Viện

Vi Thiện Tối Lạc

Bức hoành phi này treo ở phía trên tầng 2 của Đồng Lâu Viện. Bốn chữ triện lớn đơn giản, cổ kính, trang nhã, khuyên răn con cháu không được chỉ chú tâm tới cái thiện của riêng mình, mà phải tích đức, hành thiện, giúp người làm vui. Đây cũng là cội nguồn tư trưởng khiến con cháu nhiều đời của Kiều Gia thích hành thiện, bố thí, giàu mà nhân nghĩa. Người trong gia tộc họ Kiều được lòng khắp thiên hạ, và được quảng đại nhân dân kính trọng.

Tư Thục Viện

Tấm hoành phi “Hội Phương” treo ở lầu Chính Đường Môn của Tư Thục Viện nhà Kiều Gia. Nó dùng một miếng gỗ chế thành hình chiếc lá sen theo thủ pháp điêu khắc tròn, hình ảnh sống động. Đây là sản phẩm độc đáo của người thợ mộc, thư pháp tinh tế, thâm sâu, là tác phẩm tinh tuý trong những bức hoành phi điêu khắc bằng gỗ của Đại viện. Bức hoành phi này và kiến trúc lầu môn cổ điển phản chiếu khiến cả hai đều trở nên huy hoàng.

Khoan hoành thản đãng phúc trăn gia thường dụ;
Ôn hậu hoà bình vinh cửu hậu tất xướng

Đôi câu đối hai bên trụ cổng nghĩa là khi xử sự tâm thế phải khoan dung, thoáng đãng, thì phúc đến vận may, gia tộc thường giàu có; Đãi người nhiệt tình, ôn hoà, ấm áp, mới có thể vinh quang bền lâu, đời sau ắt sẽ cường thịnh. Đôi câu đối này thể hiện được tư tưởng tu thân, trị gia của Nho gia.

Nhất Tiến Viện – Minh Lâu Viện

Truyền gia hữu đạo duy tồn hậu;
Xử thế vô kỳ đãn xuất chân.

Câu đối này treo ở cổng Nhất Tiến Viện thuộc Minh Lâu Viện, ý rằng duy chỉ có tích tồn đức dày mới là chân đạo kế thừa gia nghiệp, xử thế lập thân không có cách nào đặc biệt, duy chỉ có bản tính thẳng thật, chân thành.

Kiều Gia trọng hậu đạo, thành thật, không lừa gạt, không che dấu, lấy nghĩa thủ lợi. Thành tín tụ nhân khí, trọng đức tụ tài nguyên, câu đối đơn giản nhưng lại thắp sáng đạo truyền gia và xử thế của chủ nhân.

Tam Tiến Viện thuộc Minh Lâu Viện

Thi Thư ư ngã vi khúc nghiệt;
Thị hiếu dữ tục thù toan hàm.

Câu đối này do Triệu Xướng Tiếp, nhà thư pháp nổi tiếng cận đại viết, treo ở trên cổng Tam Tiến Viện thuộc Đồng Lâu Viện.

Vế trên nói ra việc Tô Thức thời Tống “lại một bài đáp lại cuộc diện kiến với hai người Du Tử và Vương Lang”. Vế dưới nói về Hàn Dũ thời Đường trông ngóng, ưu tư nhớ về người xưa nơi lầu cũ.

“Khúc nghiệt” chỉ hạt ngũ cốc đã lên men, nảy mầm, dùng làm mỹ tửu. Ý của câu đối này là: Thi thư đối với ta mà nói cũng như ngũ cốc ủ làm rượu ngon, giúp tăng trưởng kiến thức của bản thân; Có những sở thích khác nhau so với mọi người nơi thế tục, vun đắp những thú vui, tình cảm thanh cao.

Từ đường Kiều Gia

Hoành phi “Mẫn Kỳ Đức” ý là kế thừa đức hạnh của tổ tiên. Câu đối này được treo ở Lầu Từ Đường Môn của Kiều Gia.

Bách niên yến dực duy tu đức;
Vạn lý bằng trình tại độc thư.

“Yến Dực” (cánh chim yến) ví với việc tiền bối giỏi mưu lược tiền đồ quanh vinh cho con cháu. Thời xưa có truyền thuyết kể về con chim Bằng, do cá Côn, một loài cá lớn, biến thành, nó có thể cưỡi trên gió lốc bay xuyên trời cao mấy vạn dặm, sau này dùng ví với tiền đồ vô cùng rộng mở. Muốn trù tính một tương lai tốt đẹp cho con cháu đời sau, duy chỉ có khuyên chúng tu đức hạnh; con cháu kế thừa và hồng dương nghiệp tổ, mới có thể làm rạng danh tổ tiên, có tiền đồ cao rộng, cần chú trọng ở việc chuyên cần đọc sách.

Bắc Viện thuộc Đức Hưng Đường

Trung hậu bồi tâm hoà bình dưỡng tính;
Thi thư khải hậu cần kiệm truyền gia.

Câu đối này được treo ở Bắc Viện thuộc Đức Hưng Đường nhà Kiều Gia, ý rằng trung thành, hậu đạo tu dưỡng nội tâm, tâm bình khí hoà điều dưỡng tâm tình; Dùng thi thư dạy dỗ đời sau, coi cần kiệm là mỹ đức truyền gia, tạo lập chỗ đứng trong xã hội, muốn thành tựu sự nghiệp ắt phải coi trọng tu dưỡng, đi theo con đường chính, làm việc thiện. Phải lấy thi thư lễ nghĩa và tự mình làm gương dạy con cháu để chúng được giáo dục và hun đúc một cách không tự biết. Như vậy tự nhiên sẽ thành gia phong đoan chính, lương thiện, hoà ái, thành tín, cần kiệm, nho nhã, và có thể truyền thừa cho đời sau.

Tây Nam Viện Chính Viện

Độc thư tức vị thành danh cứu cánh nhân phẩm cao nhã;
Tu đức bất kỳ hoạch báo tự nhiên mộng ổn tâm an.

Câu đối này được treo ở Cổng lầu trung đường Tây Nam Viện Chính Viện, ý rằng đọc sách dẫu chưa thành danh, cũng đã biết ăn nói và có nhân phẩm nho nhã; Tích đức hành thiện không cầu báo đáp, tự nhiên có thể tâm an, ngủ cũng ngon. Cổ nhân cho rằng lấy thi thư tu nhân phẩm, lấy học vấn dưỡng tâm tính, bồi dưỡng cho con cháu trở nên thông tình đạt lý, thì gia nghiệp của gia tộc sẽ có người kế tục.

Tam Tiến Viện thuộc Minh Lâu Viện

Hành sự mạc tương thiên lý thác
Lập thân nghi dữ cổ nhân tranh.

Câu đối này do Hà Thiệu Cơ, nhà thư Pháp thời Thanh viết, treo ở cổng Tam Tiến Viện thuộc Minh Lâu Viện, ý là: Làm việc đừng vi phạm quy luật tự nhiên và phép tắc của xã hội; Lập thân xử thế nên tranh hiền đức với cổ nhân. Chỉ khi trong cuộc sống hàng nhật trong tâm tồn giữ những thiên lý như Thiện, Nhân, Tín, Nghĩa và thực sự dốc sức mà hành, mỹ đức của bậc thánh hiền thời xưa mới có thể được ngợi ca, kế thừa.

Câu đối tại Ninh Thủ Đường

Khiêm Hoà Phác Thành

Năng cần đức nghiệp duy lương hữu;
Hữu ích thân tâm tại độc thư.

Đại ý của đôi câu đối là: Chỉ khi khiêm nhường học hỏi thầy tốt bạn hiền có tu dưỡng, mới có thể thúc đẩy bản thân trong việc đối nhân xử thế; Việc hữu ích với cả thân lẫn tâm chính là đọc sách thánh hiền.

Lầu Môn Chính Phòng Chính Viện

Thoái Tư

Ngôn tất điển di hành tu đàn vũ;
Môn vô tạp trần gia hữu tứ thư.

Tấm hoành phi “Thoái tư” được treo ở Thoái Tư Lầu thuộc Lầu môn Chính Phòng Chính Viện, nói về “Tả Truyện”, ý rằng lui về suy ngẫm, phản tỉnh bản thân sau khi sự việc xảy ra. Câu đối có ý rằng ngôn hành phải đúng mực, coi nhẹ tiền tài; Muốn thoát ra khỏi cõi trần thế, hãy đọc thi thư thật nhiều.

Tấm hoành phi nằm giữa Thử Viện

Học Cật Khuy

Cổ ngữ có câu rằng, chịu thiệt là phúc! Cổ nhân đã dùng kinh nghiệm cả đời mình để khuyên răn hậu thế, trước tiên học chịu thiệt (“học cật khuy”), sau này mới có thể vui vẻ, thản nhiên cả đời!

Gia tộc họ Kiều hưng vượng đã coi hai câu “Thận ngôn ngữ, học cật khuy” (Nói năng cẩn trọng, học chịu thiệt) này như gia huấn. Ắt hẳn vị tiền nhân ở đây đã phải trải qua biết bao ma nạn, gian khổ điệp trùng cả một đời; vượt thoát khỏi những con sóng dữ vô cùng hung hiểm, cuối cùng phát tài phú quý mới có thể tổng kết ra những bí quyết xử thế này. Hàng trăm năm sau gia huấn này vẫn có thể răn dạy hậu thế, để con cháu đời sau tuân theo mà thức tỉnh bản thân!

Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: