Vào những năm cuối của triều đại nhà Trần, triều chính suy sụp, Hồ Quý Ly nắm mọi quyền hành chuẩn bị cướp ngôi. Tuy nhiên có những kẻ sĩ vẫn một lòng giúp Vua trừ gian diệt ác dù phải đối mặt với nguy hiểm cùng quỷ kế của Hồ Quý Ly. Họ trở thành tấm gương sáng cho các kẻ sĩ sau này.

Những kẻ sĩ nhà Trần không quản nguy hiểm đối mặt với Hồ Quý Ly
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Hồ Quý Ly thâu tóm quyền hành

Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông rất tin dùng Hồ Quý Ly, dần dần khiến ông ta thâu tóm mọi quyền hành, chi phối hai ban văn võ. Nghệ Tông phong cho Quý Ly làm Đồng bình chương sự (tương đương Tể tướng), ban cho cờ thêu tám chữ “văn võ toàn tài quần thần đông đúc” và một thanh kiếm báu có thể chém trước tấu sau.

Nắm mọi quyền hành trong tay, Quý Ly phát triển thế lực riêng của mình. Tôn thất nhà Trần nhiều người dâng tấu nhưng Nghệ Tông lại u mê tin tưởng tuyệt đối Quý Ly.

Giản Hoàng đế nhận rõ âm mưu của Quý Ly, bàn với tâm phúc lên kế hoạch trừ khử. Nhưng tai mắt của Quý Ly có khắp nơi nên việc bị lộ, Quý Ly tâu lên Thượng Hoàng. Nghệ Tông tin Quý Ly hơn người nhà, phế truất ngôi của Giản Hoàng đế, sau đó thì ép cháu mình thắt cổ chết.

Quỷ kế trừ sĩ phu

Dẫu nắm được quyền hành trong tay nhưng Hồ Quý Ly cũng rất ngại những sĩ phu chống đối. Vì muốn biết kẻ sĩ trong thiên hạ đối với mình như thế nào, tìm hiểu xem những ai chống đối, nên Hồ Quý Ly nói Thượng Hoàng Nghệ Tông xuống chiếu “cầu lời nói thẳng”.

Đứng đầu giới sĩ phu lúc đó là 3 người đỗ tam khôi gồm Trạng nguyên Đào Sư Tích, Bảng nhãn Lê Hiến Phủ, Thám hoa Trần Đình Thám (còn gọi là Trần Đình Thâm). Cả 3 người đều làm quan đầu triều, Đào Sư Tích giữ chức Nhập nội hành khiển kiêm Hữu ty lang trung, đứng đầu nội các; Lê Hiến Phủ giữ chức Thị lang; Trần Đình Thám giữ chức Trung thư Thị lang, Tri thẩm hình viện sự. Cả 3 người cùng đỗ đầu khoa thi năm 1374, lại là bạn bè cùng học chung thầy, khi làm quan đều không ưa Hồ Quý Ly, nên tình thân như thủ túc. (Xem bài: Đào Toàn Bân: Thầy dạy của “tam khôi” khoa thi 1374)

Mọi người đều biết việc xuống chiếu cầu “lời nói thẳng” này là do Hồ Quý Ly muốn thăm dò kẻ sĩ. Nếu nói thật sẽ đối đầu và dễ bị Hồ Quý Ly tìm cớ khép tội. Nhưng là kẻ sĩ trung với Vua không thể nói dối lòng mình.

Đào Sư Tích, Lê Hiến Phủ, Trần Đình Thám chưa biết nên làm thế nào, quyết định đến gặp Bùi Mộng Hoa cùng bàn bạc. (Xem bài: Bùi Mộng Hoa – Người níu thuyền ngăn Trần Nghệ Tông bỏ chạy trước quân Chiêm Thành)

Không quản nguy hiểm, kể tội quyền thần

Bùi Mộng Hoa, Trạng nguyên Đào Sư Tích cùng các bậc nhân sĩ lúc đó cuối cùng đã quyết định nói thẳng lòng dạ và tội trạng phe cánh của Hồ Quý Ly, hy vọng Thượng Hoàng Nghệ Tông có thể nghe ra.

Các tấu sớ hồi âm “cầu lời nói thẳng” được dâng lên cho Thượng Hoàng, tuy nhiên Nghệ Tông chỉ đọc vài ba bản tấu rồi đưa cả cho Hồ Quý Ly xử lý.

Hồ Quý Ly xem thì thấy rất nhiều bản tấu của các nhân sĩ, quan lại nói rõ hiện trạng tăm tối của đất nước, hạch tội mình rất nặng. Đặc biệt bản tấu của Đào Sư Tích, Lê Hiến Phủ, Bùi Mộng Hoa, Đoàn Xuân Lôi đã cảnh tỉnh Thượng Hoàng Nghệ Tông về âm mưu cướp ngôi của Hồ Quý Ly.

Hồ Quý Ly dọn đường cướp ngôi

Hồ Quý Ly xem hết các bản tấu này, từ đó lên kế hoạch trừ bỏ người cản trở.

Thám hoa Trần Đình Thám bị luận tội “tiết lộ thiên cơ”, bị giáng chức quan từ tam phẩm xuống bát phẩm, rồi chịu hình phạt đi đày. Ông tự tay chọc thủng màng nhĩ để không phải nghe bất cứ điều gì về triều đình thối nát nữa.

Trạng nguyên Đào Sư Tích bị khép vào tội “bất kính quốc vương”, bị giáng chức từ quan nhị phẩm xuống hàng ngũ phẩm, bị đày ở Quốc Oai.

Trung thư Hoàng môn Thị lang trợ giáo Quốc Tử Giám Đoàn Xuân Lôi cùng cả trăm người khác vì nói thật lòng mình mà bị cách chức hay lưu đày, thuyên chuyển nơi xa.

Sự kiện này Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép như sau:

[Năm 1392] Mùa hạ, tháng 4, hạn hán, xuống chiếu cầu lời nói thẳng.

Bùi Mộng Hoa dâng thư, đại ý nói: “Thần nghe trẻ con có câu hát rằng: Thâm hiểm thay Thái sư họ Lê (Lê Quý sau khi cướp ngôi thì đổi sang họ Hồ). Xem thế, Quý Ly nhất định có ý dòm ngó ngôi báu”.

Thượng hoàng xem tờ tâu rồi đưa cho Quý Ly. Sau Quý Ly chuyên chính, Mộng Hoa ẩn lánh không ra nữa.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói:

Kinh Dịch nói: Vua không kín thì mất bề tôi. Sao cầu được lời nói thẳng rồi lại đưa cho kẻ bị lên án xem? Nghệ Hoàng đến đây đã già lẫn quá rồi. Mộng Hoa không gặp vua sáng là tự trời, mà cũng là điều bất hạnh cho nhà Trần đó.

Bất chấp nguy hiểm, vẫn đối đầu với Hồ Quý Ly

Sau sự việc Hồ Quý Ly trừ khử trung thần, Bảng nhãn Lê Hiến Phủ vẫn đối mặt, thậm chí phê phán ngay trước mặt Hồ Quý Ly mà không hề sợ. Hồ Quý Ly cảm thấy không cần xuống tay nữa, nên tìm cách vỗ khéo. Nhưng Lê Hiến Phủ ngâm câu thơ đáp trả rằng:

Ngã tâm phỉ tịch,
Bất khả quyển dã.
Ngã lâm phỉ thạch,
Bất khả chuyển dã.

Nghĩa là:

Lòng ta chẳng phải chiếc chiếu,
Không thể cuốn tròn được.
Lòng ta chẳng phải hòn đá,
Không thể chuyển vần được.

Năm 1399, các tôn thất và tướng lĩnh quân đội nhà Trần lên kế hoạch diệt Hồ Quý Ly cứu nhà Trần, nhưng việc bất thành. Gần 400 tướng lĩnh nhà Trần cùng những người liên quan đều bị hành hình. Bảng nhãn Lê Hiến Phủ cũng tham gia vào việc mưu sát Hồ Quý Ly nên cùng bị hành hình.

Trước khi bị hành hình, Lê Hiến Phủ đọc bài thơ để nói lên lòng mình:

Thốn nhẫn trừ tàn thiên địa bạch,
Thất tâm báo quốc quỷ thần tri.

Nghĩa là:

Tấc kiếm trừ gian trời đất biết,
Tấm lòng báo quốc quỷ thần hay.

Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, giết quan trung nghĩa, hành hình tướng lĩnh có kinh nghiệm. Bởi thế khi quân Minh xâm lược bờ cõi, nhà Hồ dù quân đông nhưng không được lòng kẻ sĩ và dân chúng, cuối cùng chỉ tồn tại được 7 năm rồi bị diệt.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: