Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có một số bạn trẻ thường cho rằng bản thân nghèo khó, không được cha mẹ để lại cho nhiều tiền bạc của cải, thậm chí còn lấy đó làm lý do để oán trách cha mẹ không có năng lực, không thể cho con cuộc sống tốt hơn… Nhưng kỳ thực chúng ta ai ai cũng đều có rất nhiều tài phú mà cuộc đời ban cho. Và một người giàu có hay nghèo khổ, cảm thấy sung túc hay không chính là do tâm của họ quyết định.

Những tài phú trong cuộc đời mà chúng ta thường quên mất
(Ảnh minh họa: Elena Nasledova, Shutterstock)

Chuyện kể rằng, có một thanh niên trẻ cảm thấy bản thân mình là một người vô tích sự, không sở hữu điều gì, không biết làm gì, lại thường gặp phải nhiều nỗi thất vọng trong cuộc sống. Quá chán nản, anh ta bèn đi đến một vách núi, định chấm dứt cuộc đời mình. Không ngờ khi đang đứng nhìn cảnh vật thất thần thì anh ta gặp một ông lão cao tuổi, chân đi khập khiễng.

Ông lão hỏi: “Cậu trẻ tuổi như vậy, vì sao định phí hoài bản thân mình?”

Người thanh niên buồn bã nói: “Cháu chỉ có hai bàn tay trắng, cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa gì cả!”

Ông lão bật cười và nói: “Ta sẽ trả nghìn lạng bạc để mua một bàn tay của cậu, cậu đồng ý chứ?”

Người thanh niên ngẫm nghĩ một lát và thấy đề nghị của ông lão thật là phi lý. Có nghìn lạng bạc mà mất một bàn tay thì không thể nào vui vẻ được. Cuối cùng cậu nói: “Cháu không đồng ý bán.”

Ông lão lại nói tiếp: “Vậy ta sẽ trả cậu năm nghìn lạng bạc, cậu bán cho ta một chân được không?”

Người thanh niên lại càng không thể đồng ý. Không có chân, đi lại khó khăn, có tiền thì cũng không thể sung sướng được.

Ông lão nghe xong cười ha hả và nói: “Này cậu thanh niên, ai nói cậu chỉ có hai bàn tay trắng? Cậu có mấy nghìn lạng bạc làm vốn đấy thôi!”

Người thanh niên trẻ tuổi nghe xong bừng tỉnh, lập tức vứt bỏ ý định tự tử, bái tạ ông lão mà đi với vẻ mặt hứng khởi.

Những người luôn oán trách cha mẹ, oán trách xã hội bất công… luôn cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa gì cả, thậm chí còn chán nản mà sinh ra những ý nghĩ tiêu cực, kỳ thực cũng giống như người thanh niên nọ. Họ luôn nhìn ra bên ngoài mà không suy ngẫm lại bản thân, không biết chính lại tâm của mình, không biết rằng bản thân chúng ta đều rất giàu có, chỉ là chúng ta có nhận ra hay không mà thôi.

Con người có thân thể, thân thể là một loại tài phú quý giá nhất của cuộc đời. Có thân người là có thể nếm trải hương vị cuộc sống, biết thế nào là cay đắng, cũng biết thế nào là ngọt bùi. Người có thân thể khỏe mạnh lại càng phải biết vui sướng hơn. Bởi vì khi có bệnh rồi mới thấm thía rằng tiền tài, danh vọng, địa vị đứng trước sinh-lão-bệnh-tử chỉ là hư không vậy.

Con người cũng cần có công việc, đây là một tài phú không kém phần quan trọng. Không có công việc là mất đi một điều rất chủ yếu trong phương thức sinh tồn của con người. Ngay đến các nhà sư tu hành, mong muốn thoát ly khỏi thế tục, cũng phải nhận công việc trong chùa, hơn nữa còn phải thời khắc chú tâm vào sự tu luyện của bản thân, nên còn gọi là “chuyên tu”. Con người nếu mà không có việc để làm thì chính là nguy hiểm nhất, không có phương hướng, lâu dần thì ý chí thui chột, cuộc sống lâm vào sự hưởng thụ vật chất thì còn vô nghĩa hơn. Do đó công việc chính là một loại tài phú. Ngoài ra, công việc dù có phân chia địa vị cao thấp, nhưng dẫu ở nơi thấp mà có thể làm tốt, làm thành thạo công việc của mình thì bạn đã là một “chuyên gia” rồi.

Đối với đại đa số người mà nói, chúng ta đều có một gia đình. Đây cũng là một tài phú quý giá nhất. Bất luận là gia đình có điều kiện hay không có điều kiện thì đó vẫn là nơi con người hướng về, và nếu biết cách giữ gìn thì nó chính là tổ ấm, là bến đỗ của mỗi người trong hành trình nhân sinh. Sự ấm áp của gia đình không phụ thuộc và nhà cao cửa rộng mà là ở sự vui vẻ, hòa thuận của các thành viên. Đó là điều mà người ta nên hết sức trân trọng.

Một loại tài phú nữa trong cuộc đời chính là bạn tốt. Ở vào lúc chúng ta phiền não, suy sụp, buồn chán, ngoài tình yêu thương che chở của gia đình, chúng ta còn có những người bạn tốt. Nếu có được điều ấy thì chẳng phải chúng ta thực sự rất giàu có hay sao?

Cổ nhân có câu: “Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”. Hết thảy mọi sự tình trong cuộc đời của một người đều phát sinh và thay đổi thuận theo trạng thái nội tâm của người ấy. Nội tâm của một người lại là thứ mà con người có thể hoàn toàn khống chế, kiểm soát được. Do đó, tâm thái cũng là một loại tài phú trong cuộc đời.

Có câu nói như thế này: “Tôi không thể thay đổi hướng gió, nhưng tôi có thể điều chỉnh những cánh buồm”. Tâm thái của một người thực sự có thể làm thay đổi cảm thụ sinh mệnh của người ấy. Vì sao chúng ta thường cảm thấy sống mệt mỏi, sống không vui vẻ? Đó chính là vì chúng ta có quá nhiều ham muốn, hy vọng quá cao, yêu cầu quá mức, không quý trọng những gì bản thân đang có mà lại tìm những thứ mình không thể có được.

Người hiểu được quý trọng hết thảy những gì bản thân đang có là người thực sự có trí tuệ. Người biết đủ thường là người sống được vui vẻ.

Con người ta dẫu có địa vị cao đến đâu, dẫu có nắm trong tay quyền lực như thế nào, khi đến cuối chặng đường rồi thì cũng sẽ hiểu được rằng bản thân chỉ là một giọt nước trong biển cả, hiểu được rằng bản thân không thể thay đổi được thế giới, không thể thay đổi được những đạo lý và phép tắc vĩnh hằng trong vũ trụ này. Con người chỉ có tiếp nhận đạo lý của tự nhiên, “thuận theo tự nhiên” mà sống thì sống mới được tự tại, thản đãng, không lo phiền.

Tĩnh lặng tâm can, suy ngẫm một chút, chúng ta có thể phát hiện ra rằng, niềm vui, niềm hạnh phúc không phải nằm ở chỗ chúng ta có bao nhiêu của cải, địa vị cao ra sao, nhà cửa rộng lớn thế nào, mà là ở chỗ chúng ta có phát hiện ra hạnh phúc của bản thân hay không và tiếp thụ nó như thế nào mà thôi.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập