Ngày Tết của người Mường có những tục lệ kỳ lạ. Tết của người Mường (Thết hay Sết) lại còn có một đặc tính cổ truyền và vô cùng thiêng liêng.

Những tục lệ ngày Tết của người Mường
Cánh đồng tại Pù Luông do người Mường và người Thái canh tác. (Ảnh minh họa: Ovu0ng, Shutterstock)

Ngay từ cuối năm, người Mường đã sửa soạn cái Tết một cách trọng thể như cọ nhà cửa và các đồ vật, đánh bóng đồ đồng trên bàn thờ, giặt quần áo, nấu bánh, v.v.. Sự tắm rửa vào ngày cuối năm không phải là một lệ thường về sạch sẽ mà là một sự tẩy uế cần thiết trước khi bước sang năm mới. Vào ngày giáp Tết, những gia đình sung túc Mường thường mời thày “tlương” (như thày cúng dưới ta) tới để cầu cho linh hồn những người quá cố được siêu sinh tịnh độ; gia đình túng thiếu không có tiền nhiều chỉ có lễ vật thường thôi. Ngoài lễ cúng những người đã khuất còn có một lễ nữa gọi là “wai hộp” (có nghĩa là họp vía) vì theo sự tin của người Mường, vào dịp cuối năm, người ta cần có đủ vía mới khỏe mạnh trong mấy ngày Tết.

Người Mường ăn Tết theo âm lịch nhưng không phải với người Mường nào cũng có một niên lịch như nhau. Có điều lạ là ở nhiều nơi như vùng Sơn Tây, người ta ăn Tết vào ngày 30 tháng Chạp.

Người Tàu và Việt ăn Tết từ giao thừa đêm 30 tháng Chạp âm lịch cho đến hết ngày mồng 3 tháng Giêng (theo lệ xưa, người dân ở miền quê còn ăn Tết cho hết ngày hạ nêu mà ta vẫn thường gọi là khai hạ). Người Mường ăn Tết dài hơn. Các thổ lang thường bắt đầu ăn Tết vào 30 tháng Chạp, sau đó các thổ tao mới bắt đầu ăn Tết có khi chậm tới 6 ngày, nghĩa là ăn Tết đúng vào mồng 6 tháng Giêng. Trong trường hợp này, họ cố ăn Tết nhanh một chút để còn kịp dự hội của làng (tiếng Mường là “Thết lang”). Hội này rất trọng thể, các giai cấp Mường hội họp với nhau trong bầu không khí ấm cúng.

Với dân Mường, tổ tiên của thổ lang là tổ tiên của toàn dân nên ai nấy đều phải thờ cúng. Đó là một điểm khác với sự thờ cúng của người Việt trong mấy ngày Tết vì theo sự tín ngưỡng của ta, trong 3 ngày Tết, linh hồn những kẻ đã khuất trở về nhà hưởng lễ vật nên gia đình nào cũng lập bàn thờ và đến ngày mồng ba có tục hóa vàng để tiễn chân ông bà, ông vải. Người Mường thì khác hẳn, theo họ linh hồn người quá cố chỉ ăn Tết với con cháu trong nhà một ngày một đêm. Các lễ vật sắp sẵn đầy đủ thì tổ tiên mới về chứng giám, vì lẽ đó nên người Mường rất thận trọng trong sự cúng lễ tổ tiên.

Người Mường cũng theo lệ của người Việt là tin tưởng vào sự xem giò (chân gà đã luộc chín) ngày đầu năm để biết điềm tốt xấu cùng sự làm ăn thế nào. Ngoài ra họ cũng trồng cây nêu như ta. Trước mỗi lối vào của từng nhà, họ trồng những thân cây sậy gọi là “piêu” (tiếng Việt gọi là nêu). Sự việc này căn cứ vào chuyện khi xưa Phật bảo dân chúng đánh dấu đất cát của mình bằng những thân tre có mang một vài vật ở trên ngọn (wa lêo) khiến quỷ không dám đến nhận đất nữa. Cây nêu ở các nhà Mường khác hẳn cây nêu của người Việt là trên có treo cờ hay miếng vải có chữ chứ không có những chùm khánh đất khi gió thổi chạm vào nhau tạo thành những tiếng vui tai.

Trước Tết vài ngày, những gia đình mường quý phái giết một con vật lớn để cúng tổ tiên. Tại vùng Mường Bi, con vật cúng tổ tiên có thể là con vật săn bắn được nhưng thường thường người Mường làm thêm con lợn hoặc con trâu hay một số gà vịt thêm vào con vật săn được nếu con vật này nhỏ quá. Trong mấy ngày Tết những gia đình thổ lang, thổ tao hay những người giàu có làm 7 thứ bánh như bánh giò (penh yô), bánh giáo (penh yao), chè lam (che lam), bánh uôi (penh wê), bánh gai (penh kai), bánh chay (penh chai), bánh chưng (penh pang).

Những thứ bánh này thường gói lá và luộc trong những nồi lớn ninh hàng giờ. Ngày Tết đến nhà Mường nào cũng được dùng bánh, lạ lùng hơn cả là khi ăn bánh giáo thì chủ nhà Mường kèm những đĩa đựng vừng, muối, mật để chấm thứ bánh này tùy ý thích của khách, dùng thế nào cũng được. Tại những làng Mường, đàn bà phải giã bột, pha bột để làm bánh trong những ngày cuối năm và đảm nhiệm cả việc luộc bánh nữa.

Ngay từ chiều ngày 30 tháng Chạp âm lịch, tiếng cồng và trống lớn ở nhà quan Lang vang động, tiếp theo là 3 tiếng súng bắn chỉ thiên báo cho dân biết một năm sắp hết. Ở châu Lương Sơn thuộc Hòa Bình (Bắc Việt), trong ngày Tết cấm không được đánh trống và cồng, trái lại ở hầu hết những nơi khác thì tiếng cồng và trống không lúc nào ngớt trong ngày cuối năm. Sau khi nghe thấy tiếng cồng hay tiếng trống, dân chúng phải mau mau sửa soạn đến tụ tập tại nhà quan Lang hay Thổ lang. Bánh đã luộc xong được bóc đặt trên bàn thờ cùng những lễ vật la liệt và giờ hành lễ bắt đầu. Ba tiếng súng nữa nổ vang, thày “tlương” bắt đầu đọc những bài cúng mời tổ tiên về chứng giám lễ bạc, tiếng cồng tiếng trống cứ từng 15 phút một lại vang động. Thày “tlương” sau khi hành lễ xong dùng hai miếng tre xin âm dương và nếu thấy có dấu báo tổ tiên đã về hưởng đồ cúng, đàn ông đàn bà sì sụp lễ, pháo nổ ran, đoạn người nào về nhà người nấy.

Sáng ngày hôm sau, chừng 8 giờ, những bậc đàn anh trong làng sau khi ăn uống ở nhà rồi phải mang đến nhà Thổ lang một hũ rượu. Người nào đã đem rượu đến từ hồi đêm có thể đến chậm được. Sau khi ăn bánh uống rượu no say, toàn thể dân làng theo quan Lang tới nhà thờ, đàn ông đàn bà quỳ lạy trước bàn thờ nhà Lang theo tiếng tụng niệm đều đều của thày “tlương”. Chiều hôm đó lại bắn 3 tiếng súng báo linh hồn tổ tiên đã về cõi âm và cuộc dâng lễ vật cho thần núi, thần đất, thần thành hoàng mới bắt đầu.

Trong suốt một tuần, dân Mường ăn uống no say, người nọ đến thăm người kia cho đến ngày thứ bảy tức là ngày “Thết lang” hay ngày cuối cùng của Tết. Ngay từ rạng đông ngày “Thết lang”, tiếng trống ở đình cho dân biết cuộc lễ đã bắt đầu. Đêm hôm trước, nhà quan Lang phải sửa soạn làm bánh gai còn những thường dân phải nấu chín cơm rau để khi nghe thấy trống đánh phải bầy lên mâm, mang ra căn nhà công cộng như đình ở dưới ta. Những mâm này thường thường có cơm, rượu, thịt lợn (heo), cá kho hay cá đã luộc chín gói trong lá cây, nếu có trứng, khi sửa soạn đặt vào mâm đem cúng, vỏ phải vẽ màu hoặc nâu, xanh nhạt hay xanh thẫm, cùng với những thức khác như chim, cua đồng, tôm, v.v. tùy theo gia đình giàu hay nghèo.

Sự cúng lễ Thành Hoàng trong ngày “Thết lang” do thày “tlương” đảm nhận. Sau những lời cầu khẩn như xin Thành Hoàng phù hộ cho dân, trống được nổi lên, khi xin được âm dương rồi, quan Lang lễ trước bàn thờ, tiếp theo là dân chúng, đàn ông lẫn đàn bà. Lễ tất, quan Lang xem các mâm cỗ, ban thưởng rồi ra về. Tại nhiều vùng khác khi quan Lang về rồi, toàn thể dân chúng ở lại dự những buổi hòa nhạc mà nhạc khí chỉ là kèn, trống thô sơ. Trong lễ nói trên, quan lang phải dâng cúng một con gà trống để sau buổi lễ thày “tlương” lấy hai chiếc chân gà xem vận hạn xấu tốt thế nào. Lễ “Thết lang” kết thúc bằng cuộc thi bắn nỏ. Người bắn trúng nhiều sẽ đoạt giải thưởng gồm có một món tiền kèm theo là một tặng phẩm của quan Lang. Nhiều hồi trống lại được vang lên báo lễ “Thết lang” đã chấm dứt. Dân chúng trở lại cuộc sống bình thản của họ.

Cùng với ngày Tết, dân Mường có một lễ rất đơn giản nhưng không kém phần ý nghĩa đó là lễ hạ điền. Ở châu Tân Hóa tỉnh Thanh Hóa, ngày mồng 5 tháng Giêng âm lịch hàng năm được coi là ngày tốt hơn cả. Mỗi gia đình mang một cái cày để cày luống đầu tiên trong năm mới và họ tin rằng nhờ đó sẽ được mùa màng tốt đẹp, sức khỏe và thịnh vượng. Người Mường gọi lễ hạ điền này là lễ “lôk bua lôk cua” (lấy lộc vua, lộc chúa) nhưng vua của họ đây là “Bua tlơi”, đấng cao cả vô cùng thiêng liêng của dân Mường.

Tết của người Mường có lẽ không khác Tết của những bộ lạc Việt thời xưa và do đó các nhà nhân chủng học cho rằng dân tộc Việt Nam có thể gốc tích ở những giống Mường với ngôn ngữ dần dần thay đổi. Cây nêu, bánh chưng là những thi vị riêng của Tết Mường cũng như Tết người Việt. Mùa xuân, mùa của nhựa mới tràn trề trên những búp lá non, với người Mường là mùa của hy vọng, mong một năm mới sẽ mang lại cho họ hạnh phúc và thịnh vượng. Những bữa ăn tổ chức liên miên hàng tuần, những cuộc viếng thăm nhà này sang nhà khác, những bình rượu thơm ngát uống với hương xuân, đó là những điểm đặc biệt của Tết Mường.

Anh Nguyễn

Bài viết đăng trên Văn Hóa Nguyệt San số 8 phát hành tháng 1 năm 1956, Sài Gòn.

Xem thêm:

Mời xem video: