Trong một thời kỳ lịch sử dài, ngai vàng luôn là điều mà nhiều người mơ ước. Tuy nhiên nhà Nguyễn khi vào thời mạt, ngai vàng lại là nơi nguy hiểm, dù bị mời hay ép buộc thì cũng nhiều người không muốn ngồi lên. Nhiều vị Vua nhà Nguyễn bị ép buộc ngồi lên ngai vàng sau đó đã phải chết trong đau đớn.

Vua bị bỏ đói đến chết

Năm 1883, vua Tự Đức mất. Vì trù trừ trong việc thực hiện cải cách và chịu sức ép từ Pháp, vua Tự Đức đã để lại một nhà Nguyễn suy nhược trước sự uy hiếp của quân Pháp.

Vua Tự Đức cũng không có con nên khi mất thì truyền ngôi cho cháu mình là Ưng Chân, giao cho Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết làm Phụ chính.

Ưng Chân lên ngôi hiệu là Dục Đức, nhưng chỉ 3 ngày thì đã bị hai quan Phụ chính là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phế truất, rồi bị tống vào ngục bỏ đói cho đến chết.

Những vị vua nhà Nguyễn bị “ép buộc” lên ngai vàng (P1)
Điện Long Ân, An Lăng, nơi thờ cúng vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân. (Ảnh: Lưu Ly, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Đồng thời Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết xin Thái hậu Từ Dụ cho đón Lãng Quốc Công Hồng Dật lên ngôi.

Vua bị ép uống thuốc độc

Hồng Dật lúc này ở Kim Long (Huế). Khi các quan đưa kiệu đến mời vào cung để lên ngôi Vua, Hồng Dật cương quyết không chịu đi. Nhận thấy các Phụ chính chuyên quyền, Giang Sơn đặt dưới sự bảo hộ của Pháp, nên ông không muốn làm Vua bù nhìn. Hơn nữa tấm gương Ưng Chân trước đó vẫn còn, ngồi lên ngai vàng lúc này rất nguy hiểm.

Triều đình năn nỉ thế nào Hồng Dật cũng cương quyết không đi. Cuối cùng trước sự thúc ép của các quan Phụ chính, mọi người phải dùng vũ lực, khiêng Hồng Dật lên kiệu, đưa vào cung để làm Vua.

Theo Phạm Khắc Hòe (nguyên là Ngự tiền văn phòng đổng lý của vua Bảo Đại) thì Hồng Dật được rước lên kiệu vào Kinh để lên ngôi Vua, thế mà ngồi khóc lóc xin được ở lại.

Hai ngày sau, vào ngày 30/7/1883, Hồng Dật lên ngôi tại điện Thái hòa, lấy hiệu là Hiệp Hòa.

Những vị vua nhà Nguyễn bị “ép buộc” lên ngai vàng (P1)
Vua Hiệp Hòa. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Vua Hiệp Hòa lúc này đã 36 tuổi. Nhận thấy mọi quyền hành trong triều đình nhà Nguyễn đều lọt vào trong tay Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, Vua muốn thoát khỏi ảnh hưởng của hai vị Phụ chính này.

Cho rằng chỉ có người Pháp mới có thể giúp mình thoát khỏi hai Phụ chính chuyên quyền, vua Hiệp Hòa tìm cách liên lạc với người Pháp. Khi Pháp tiến đánh Thuận An dẫn đến việc ký Hiệp Ước Harmand (25/8/1883), Vua giao cho Tuy Lý Vương Nguyễn Phúc Thư (con trai thứ 11 của vua Minh Mạng) cầu viện người Pháp giúp mình.

Vua Hiệp Hòa cũng có 2 người trung thành với mình là Hồng Sâm và Hồng Phi. Sau 4 tháng lên ngôi, vua Hiệp Hòa nhận được mật sớ của Hồng Sâm và Hồng Phi xin giết hai đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Vua chuẩn tấu và phê “chuyển cho Trần Tiễn Thành”.

Khi viên thái giám đưa mật sớ đến cửa Nhật Tinh thì gặp Nguyễn Văn Tường đang đi vào. Thấy viên thái giám bối rối, Nguyễn Văn Tường sinh nghi liền đoạt lấy tráp mở ra xem. Rồi Nguyễn Văn Tường đem mật sớ này đến gặp Tôn Thất Thuyết.

Tôn Thất Thuyết cùng Nguyễn Văn Tường liền cho họp Triều đình rồi hạch tội vua Hiệp Hòa, khép Vua phạm phải 3 tội: “Thâm lạm công nhu”, “không chịu nghe lời khuyến cáo của các quan Phụ chính”, “tư thông với đại diện của Pháp”. Đồng thời họ ra cáo trạng xử tội vua Hiệp Hòa, Trần Tiễn Thành, Hồng Sâm, Hồng Phi mưu sát Phụ Chính.

Tôn Thất Thuyết cùng Nguyễn Văn Tường lập tờ phế truất vua Hiệp Hòa, lấy chữ ký đồng ý của các quan (chỉ có Trần Tiễn Thành không đồng ý ký), rồi dâng tờ sớ lên Thái hậu Từ Dụ xin phế vua Hiệp Hòa, lập Ưng Đăng lên ngôi.

Vua Hiệp Hòa thấy cơ mưu bất thành, nhìn quanh chẳng còn ai giúp được mình, liền soạn tờ chiếu thoái vị. Sau đó ông bị đưa đến Dục Đức đường, nơi có sẵn một thanh gươm, một dải lụa và một chén thuốc độc.

Vua Hiệp Hòa không muốn chết nên do dự không chọn thứ nào, lập tức Vua bị ép đổ thuốc độc vào miệng và chết trong khốn khổ đau đớn quằn quại.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: