Trong một thời kỳ lịch sử dài, ngai vàng luôn là điều mà nhiều người mơ ước. Tuy nhiên nhà Nguyễn khi vào thời mạt, ngai vàng lại là nơi nguy hiểm, dù bị mời hay ép buộc thì cũng nhiều người không muốn ngồi lên. Nhiều vị Vua nhà Nguyễn bị ép buộc ngồi lên ngai vàng sau đó đã phải chết trong đau đớn.

Vua Kiến Phúc chết bất ngờ

Ngay trong đêm 29/11/1883 khi phế bỏ vua Hiệp Hòa, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cho người đến đón Ưng Hỗ vào Kinh lập làm Vua.

Ưng Hỗ sinh năm 1869 tại Huế, là con thứ 3 của Kiên quốc công Nguyễn Phúc Hồng Cai (em vua Tự Đức). Khi được mời lên ngôi Vua, Ưng Hỗ mới 14 tuổi và đã từ chối không muốn làm Vua.

Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phải đến nơi thuyết phục. “Đại Nam thực lục” ghi chép Ưng Hỗ từ chối rằng: “Ta còn bé sợ không làm nổi”. Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tâu: “Tiên đế đã có ý ấy, nhưng chưa lập làm, nay là mệnh trời vậy, xin nghĩ đến tôn miếu xã tắc là trọng”.

Cuối cùng Ưng Hỗ phải đồng ý. Ngày 2/12/1883, Ưng Hỗ lên ngôi Vua hiệu là Kiến Phúc. Mọi việc Triều đình do hai quan Phụ chính là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết quyết định.

Những vị vua nhà Nguyễn bị “ép buộc” lên ngai vàng (P2)
Vua Kiến Phúc. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Ngày 6/6/1884, Triều đình phải ký Hòa ước công nhận sự bảo hộ của Pháp. Trong khi vận nước đang rối ren thì vua Kiến Phúc bất ngờ qua đời vào tháng 7/1884 khi mới 15 tuổi.

Vua chết được cho là bị bệnh, nhưng việc chết một cách bất ngờ lại khiến giới nghiên cứu đặt ra nhiều giả thuyết.

Cuốn sách “Kể chuyện các vua Nguyễn” có đưa ra một giả thuyết rằng khi Kiến Phúc bị bệnh đậu mùa đã phát hiện việc Học phi Nguyễn Thị Hương và Nguyễn Văn Tường có hành vi lả lơi với nhau. Văn Tường sợ, liền đến Thái y viện lấy thuốc cho Vua. Sau khi Vua uống xong thì ngủ luôn và không bao giờ tỉnh dậy.

Còn Sách “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” thì kể rằng: “Nguyên bà Học phi Nguyễn thị là mẹ nuôi của Kiến Phúc, tư tình với Nguyễn Văn Tường. Nhân một hôm vua bệnh, ông Tường vào thăm có trò chuyện riêng với bà, vua nghe thấy. Ông Tường thấy có thể nguy hiểm liền xuống Thái y viện bốc một thang thuốc dâng vua uống, ngày hôm sau thì vua mất”.

Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu cho rằng nguồn sử này là không chính xác, là do người Pháp tung tin để hạ thấp uy tín của phe chủ chiến do Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường cầm đầu.

Còn một giả thuyết khác là vua Kiến Phúc không có tư tưởng chủ chiến với Pháp nên hai viên quan Phụ chính muốn đưa Hàm Nghi vốn có tư tưởng chống Pháp lên ngôi.

Sau khi vua Kiến Phúc qua đời, hai quan Phụ Chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đón vua Hàm Nghi lên ngôi. Vua quyết tâm chống Pháp, nhưng đến năm 1885, Tôn Thát Thuyết tấn công Tòa khâm sứ Pháp và đồn Mang Cá thất bại, quân Pháp đánh vào tận Kinh thành. Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi chạy đến Tân sở (Quảng Trị). Sau đó Vua bị Pháp bắt được và đày đến Bắc Phi.

Vua Đồng Khánh được Triều đình đưa lên thay. Vua có tư tưởng theo Pháp, nhưng chỉ ở ngôi được 3 năm thì mất vì bạo bệnh, thọ 24 tuổi.

Vua Thành Thái giả điên

Vua Đồng Khánh mất, Triều đình nhà Nguyễn không dám tự ý chọn người lên thay, nên sang Tòa khâm sứ để xin ý kiến người Pháp. Người phiên dịch là ông Diệp Văn Cương, dượng của Hoàng tử Bửu Lân, muốn Bửu Lân lên ngôi Vua, nên dịch lại ý là: “Vua Đồng Khánh đã mất, cả Lưỡng Tôn Cung và Cơ Mật viện đều đồng ý chọn Hoàng tử Bửu Lân lên nối ngôi, vậy ý các ngài thế nào?”

Phía Khâm sứ Pháp đáp lại rằng: “Nếu Lưỡng Tôn Cung và Cơ Mật viện đã đồng ý chọn Hoàng tử Bửu Lân thì tôi cũng xin tán thành”. Nhưng ông Cương dịch lại với ý là: “Nên chọn Hoàng tử Bửu Lân là hơn cả”.

Hoàng tử Bửu Lân là con của vua Dục Đức. Vua Dục Đức lên ngôi chỉ mới 3 ngày thì bị tống giam vào ngục rồi bị bỏ đói đến chết. Hai mẹ con Bửu Lân phải về quê ngoại mấy năm sống cực khổ, sau đó thì về Kinh thành lo hương hỏa cho vua Dục Đức.

Khi Triều thần đến rước Bửu Lân lên ngôi Vua thì Bửu Lân 10 tuổi rất sợ, nói rằng: “Các ông đến làm gì? Bắt tôi ra mà trị tội à? Các ông muốn gì thì phải chờ mẹ tôi về đã”. Khi mẹ của Bửu Lân tức bà Từ Minh về, biết chuyện thì bà khóc lóc nhất quyết không để con mình đi.

Các quan trong viện Cơ Mật phải giải thích mãi, nói rằng Triều đình đều đồng ý, người Pháp cũng đồng ý cả rồi nên không cần phải lo. Mãi sau bà Từ Minh mới cảm thấy yên lòng hơn.

Những vị vua nhà Nguyễn bị “ép buộc” lên ngai vàng (P2)
Vua Thành Thái. (Ảnh: Manhhai, Flickr, Public Domain)

Hoàng tử Bửu Lân năm ấy mới 10 tuổi, khỏe mạnh và thông minh, biết cả chữ Hán và chữ Pháp. Ngày 2/2/1889, Bửu Lân lên ngôi, hiệu là Thành Thái.

Vua Thành Thái chọn cách chống Pháp bí mật, dù bề ngoài là hòa hoãn theo Pháp, nhưng Vua bí mật tổ chức các đội binh nhằm chống Pháp sau này.

Tuy nhiên vì lúc bấy giờ người Pháp đã có nhiều tai mắt nên không lâu sau thì có ý nghi ngờ. Vua Thành Thái phải giả điên để che mắt Pháp.

Năm 1907, khi Vua không chịu phê chuẩn thăng chức cho một số quan lại vốn là tay chân của Pháp, Tòa khâm sứ lấy cớ Vua bị điên, sức khỏe không tốt để phế truất.

Vua Thành Thái bị đưa về Sài Gòn. Đến năm 1916 thì ông bị đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: