Hồi trước, tôi nghĩ mình là đứa ít khi nói dối, chỉ đôi lần và chỉ trong hoàn cảnh bất khả kháng: tránh tổn thương cho người, và tôi vẫn thấy thiên hạ khen ngợi điều đó, coi đó là tế nhị, khéo léo, biết lo lắng cho cảm xúc của người khác… nhưng sau này tôi mới biết đó là cú lừa của tâm trí. Tuy tin rằng đôi khi mình cũng cần nói dối để tránh gây tổn thương cho ai đó, nhưng tôi vẫn cảm thấy điều đó không đúng. Nhưng, mỗi lần tôi nói thật và không quan tâm cảm xúc của người khác mà chỉ quan tâm sự thật thì rắc rối còn lớn hơn nhiều! Hoang mang. Nhưng tôi không biết nói dối có vị gì, thậm chí có lúc còn không nhận ra mình nói dối.

Tin hay không thì tùy, nhưng mỗi cảm giác của ta đều có vị riêng của nó. Khi bạn cảm thấy yêu thương một ai hay một thứ gì đó, vị ngọt trào lên miệng, nuốt xuống thấy ngọt cả châu thân. Đó chính là lý do tại sao khi ta yêu ta trở nên ngọt ngào và thấy cái gì cũng đẹp dù mọi thứ vốn dĩ luôn bình thường như nó vốn là. Khi ta cảm thấy bị phản bội hoặc phản bội ai đó, miệng ta có vị chua chát. Khi tức giận, miệng có vị đắng khô. Khi cảm thấy bị nói dối hoặc nói ra lời nói dối, miệng có vị lạt nhách. Khi giả tạo miệng có vị tanh. Nó không hề là hình tượng. Nó là sự thật. Chẳng qua vì các giác quan của ta bị hư hoại nên ta không còn cảm nhận được vị riêng của chúng nữa.

Mới cách đây chưa lâu, trong đợt gia đình có việc tang gia bối rối, tôi nói dối. Số là hôm đó tôi hẹn với người nhà sẽ cùng đi chút chuyện. Từ Sài Gòn về đến nhà mẹ đã muộn, cơ thể lẫn tinh thần đã quá mỏi sau mấy ngày khá vất vả, tôi ngủ một giấc ngon lành đến 8 giờ sáng mới giật mình tỉnh dậy. Vội vã thay đồ, rửa mặt, leo lên xe chạy ngay đến nhà chị, nơi mọi người đã đợi sẳn, cách đó khoảng 30km. Tôi biết mình đã muộn và mọi người đang chờ mình. Vừa ra khỏi nhà khoảng 500m, mẹ gọi hỏi, “Tới đâu rồi con?” Tôi trả lời, “Dạ con đang đi rồi!” Đoạn tôi cố chạy thật nhanh nhưng cái xe của con chỉ có 50 phân khối, tôi cũng không thật khỏe để chạy xe đường dài như thế, lâu lắm không chạy, Hôm đó không có ai chở đi nên bất khả kháng phải chạy, nên đã vội lại càng chậm thêm. Đi dọc đường, thỉnh thoảng lại nghe điện thoại réo trong túi, tôi không dám nghe điện. Đầu tôi bắt đầu quay cuồng với những suy nghĩ:

– Tại sao mình lại nói mình đang trên đường đi mà không nói thẳng là mình ngủ quên giờ mới thức và mới ra khỏi nhà?

Tôi tự trả lời:

– Mọi người mấy hôm đều mệt và mất ngủ, đều căng thẳng và chắc gì đêm qua họ đã ngủ được chút nào. Sáng nay lại chờ mình trong khi mình ngủ khò. Cái việc mình ngủ khò ngon lành ấy bỗng trở thành điều có lỗi, tự cảm thấy có lỗi, nên mình không muốn mọi người biết mình ngủ khò.

– Đành rằng là đã có lỗi vì trễ hẹn, nhưng nói dối như vậy có đúng không?

Tôi loay hoay và nặng nề với câu hỏi đó, miệng lạt nhách và càng lúc càng nhạt. Đến phà, mẹ gọi lần nữa, tôi nói, “Con xin lỗi mẹ và các chị, tối qua con ngủ quên, nãy mẹ gọi con mới ra khỏi nhà một đoạn ngắn thôi. Mọi người chờ con thêm chút nữa, con tới phà rồi.” Mẹ ờ và thôi không gọi nữa.

Tôi, vì sợ vớ vẩn và suy nghĩ tào lao trong vô thức nên đã nói dối và lời nói dối đó làm mọi người nghĩ tôi đã đi được nửa đường hay đại loại vậy, họ nghĩ chút nữa tôi sẽ đến nơi, đợi hoài không thấy dĩ nhiên họ sốt ruột và lo lắng tôi xảy ra chuyện dọc đường. Lời nói dối của tôi gây tổn hại cho tinh thần của họ. Nếu ngay từ đầu tôi nói thật thì họ chẳng phải lo như thế. Sau khi thú thật, người tôi nhẹ hẳn ra và miệng lập tức hết nhạt, trớ lại bình thường.

Lần thứ hai, hôm đó mẹ cho tiền tôi đi chợ chọn mua miếng vải để may mấy bộ đồ bà lai tối màu mặc cho rộng rãi và đủ lịch sự để làm nghề thuốc. Trước khi đi, tôi hỏi mẹ, “Mẹ ơi, trong xóm mình giờ có ai may đồ không?” Mẹ bảo có chị hàng xóm may, lấy công khoảng 70.000đ/bộ. Tôi kêu trời, bảo rẻ quá rẻ vừa. Sau khi chọn vải xong, chị bán hàng hỏi tôi có chỗ may chưa, nếu chưa thì để chị giới thiệu cho một chị này may rất đẹp. Tôi nghe vậy thấy cũng thuận tai nên đồng ý để chị ấy gọi điện cho chị kia để hỏi giá. Chị kia bảo 200.000đ/bộ. Tôi từ chối, “Dạ thôi, để em đem về trong xóm cho chị kia may để ủng hộ người trong xóm.”

Về đến nhà, đem vải qua cho chị đo, chị tính có 70.000đ/bộ bà lai và 100.000đ/bộ bà ba. Tôi hí hửng khen rẻ và bảo, “Chị tính hết toàn bộ là 100.000đ đi!” Đoạn tôi tự nhủ mình hào phóng với chị như vậy thì chị sẽ may kỹ hoặc mua phụ kiện tốt chút này nọ. Nhưng, sau đó chỉ một lúc, tôi lập tức nhận ra có cái gì đó rất sai rồi vì miệng mình tanh tưởi quá. Tôi nhận ra tôi giả tạo và phát tởm!

Ừ thì ngày xưa mình từng có tiền và từng chi tiêu những việc này mà không phải nghĩ nhiều, giờ phải chi cho việc cần thiết, mình tiết kiệm là đúng, có gì sai, tại sao mình không nói với chị bán hàng rằng mình không có nhiều tiền và đem về cho chị trong xóm may cho rẻ mà lại bảo là để ủng hộ chị ấy? Nếu thực bụng muốn ủng hộ chị ấy thì mình đã không so đo giá giữa hai bên rồi mới chọn chị ấy. Việc đó có gì đáng xấu hổ? Tại sao mình lại xấu hổ và nói ra điều không thật bụng với chị bán hàng? Rồi, khi trả 100.000đ cho chị trong xóm, mình nghĩ mình hào phóng, nhưng thật ra mình đã thấy lời vì dù trả hơn giá quy định của chị thì mình vẫn cảm thấy rẻ phân nửa của người khác. Vậy có thực hào phóng hay là sự giả tạo với ý muốn người ta làm tốt hơn cho mình? Chu cha. Mày tanh tưởi quá Ngà ơi! Tôi phát ói với chính mình!

Từ đó cho đến nay, tôi không còn nói dối được nữa dưới bất kỳ dạng nào. Vô thức hoàn toàn chấm dứt. Cảm giác lạt nhách và tanh tưởi trong miệng, trong ruột gan mình nó trào lên là một cảm giác rất khó chịu, nếu không giải quyết nó thì nó còn hoài ở đó, nếu không nhận ra bài học và thay đổi thì nó hành cho phát ốm.

Chính vì nhận ra và trải qua cảm giác về vị quá rõ, tôi luôn tìm cách nói thẳng và nói đúng, không che đậy. Hoàn toàn ý thức được mọi lúc về CHÂN.

Cứ đi ngược bản thể là cơ thể lập tức phản ứng và các phản ứng đó nếu bị bỏ qua nhiều lần thì các giác quan, chức năng bên trong dần dần bị hủy hoại, sinh bệnh, sinh ra các nhân cách vô thức (nhà Phật gọi là tâm tà hay tâm ma gì đó).

Tạo Hóa thiệt kỳ diệu khi làm cho cơ thể chúng ta có những phản ứng vi tế như vậy để nhận ra chính mình. Chúng ta thường bỏ qua những cảm nhận đó hoặc không biết nó có tồn tại. Vì sao? Vì ngay từ nhỏ, ý thức của ta đã luôn bị che mờ bởi kinh nghiệm, kiến thức của người lớn dạy lại. Chúng ta không thưởng thức cái hoa như nó vốn là, chúng ta bị dạy cái hoa này tên này, có mùi này có vị này… theo sự hiểu biết của riêng người lớn mà đa số là hời hợt. Chúng ta mất vị giác, thính giác, khứu giác, cảm nhận và khả năng lắng nghe cơ thể mình bởi chúng ta bị nhồi từ thức ăn cho đến kiến thức như nhồi vịt, mỗi lúc mỗi đầy thêm những thứ độc hại. Ông bà cha mẹ, tổ tiên ta cũng là nạn nhân của các thế hệ trước như vậy. Nên nếu tự trách mình thì rồi sẽ trách người hoặc không thể thấu hiểu, không thể bao chứa, không tha được cho mình thì đừng nói đến việc làm công việc xã hội vì sẽ toàn gây hại một cách vô thức. Nhận ra để sống thật với chính mình trong từng khoảnh khắc một, trong từng việc một, ấy mới là tỉnh thức và lúc đó các giác quan mới dần phục hồi và lúc đó mới thực biết yêu thương vô điều kiện hết thảy mọi thứ.

Anh chị em để ý và lắng nghe bản thân mà xem, lột từng lớp xuống, sẽ thấy, thiệt kỳ diệu và thú vị vô cùng.

Nguyễn Thị Bích Ngà
22/12/2020

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm:

Mời xem video: