Từ xưa đến nay, “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” được xem là ba yếu tố quyết định thành bại ở đời. Trong đó Thiên thời và Địa lợi là điều mà con người không hoàn toàn chủ động tạo ra được, duy chỉ có “Nhân hòa” là có thể gây dựng mà thôi. Trong văn hóa truyền thống, nội hàm của chữ “Hòa” vô cùng phong phú và thâm sâu. Người xưa giảng rằng giữa người với người, giữa quốc gia với quốc gia đều phải giữ được hòa khí.

“Hòa” chính là sự tôn trọng, điềm đạm, thân thiện trong đối nhân xử thế và kết giao của con người. Hơn nữa giữa con người với trời đất, thiên nhiên cũng phải hòa hợp, thuận theo. Bản ý của “Hòa” chính là sự hòa thuận, hài hòa, sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai bên.

Dẫu biết mệnh trời vẫn phải dốc sức tận trách
(Ảnh: Aphotostory, Shutterstock)

Chu Dịch viết: “Nhị nhân đồng tâm, kì lợi đoạn kim”, hai người đồng lòng thì sức mạnh sẽ giống như lưỡi dao sắc bén cắt đứt được kim loại. Cũng lại viết: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, những người có cùng chí hướng thì sẽ ứng hợp với nhau.

Để làm thành được việc lớn, Mạnh Tử đề cao chữ “Hòa”, giảng rằng: “Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa”. Nhân hòa có thể làm nên nghiệp lớn, nhưng để có nhân hòa thật không phải là việc dễ dàng. “Nhân hòa” chính là lòng người, là sự dung hợp ở bên trong, không có “nhân hòa” thì không có sức mạnh to lớn.

Những bậc quân chủ thánh minh thời xưa luôn “đồng cam cộng khổ” cùng mọi người, vui với niềm vui của dân chúng, cảm thông với nỗi khổ của họ, trong lòng có thiên hạ. Như vậy, họ mới được lòng người, được dân chúng ủng hộ. Những người làm được việc lớn trong thiên hạ thì thường không thể thiếu vắng “nhân hòa”.

Có thể thấy, cổ nhân rất coi trọng và đề cao tác dụng của “Hòa”. Đối với một cá nhân, “Hòa” chính là khiến tấm lòng rộng mở, khoáng đạt, cương nhu phù hợp. Đối với một nhóm người mà nói, “Hòa” chính là nguyên tắc sống. “Hòa” luôn luôn là đạo đức truyền thống mà người xưa sùng bái.

Trong sách “Thượng Thư” miêu tả cảnh tượng thiên hạ thái bình, dân chúng an cư lạc nghiệp, “Mặt trời mọc thì làm, mặt trời lặn thì dừng”. Đây chính là xã hội thuận hòa. Gia tộc hòa thuận, quan lại hòa thuận, quốc gia hòa thuận thì thiên hạ ắt sẽ thái bình.

Thời xưa, khi Thiền vu Hung Nô thấy các Vương tử bất hòa liền nghĩ cách tập hợp họ lại. Ông đưa cho mỗi Vương tử một mũi tên và bảo họ tự mình bẻ gãy. Các Vương tử rất dễ dàng bẻ gãy từng mũi tên. Thiền vu lại đưa cho mỗi Vương tử một bó tên và bảo họ bẻ gãy, nhưng kết quả là không Vương tử nào làm được.

Lúc ấy, Thiền vu mới nói: “Hiện giờ các con bất hòa, mỗi người giống như một mũi tên, thật dễ dàng để kẻ địch tiêu diệt. Nhưng nếu các con hòa thuận thì sẽ giống như một bó tên, không ai có thể chiến thắng được các con.” Đây cũng chính là sức mạnh của “Hòa”.

Nói đến “Hòa” là nói về cảnh giới tinh thần của một người khi đối diện với mâu thuẫn và xử lý công việc, nhưng nó lại không phải là “nước chảy bèo trôi”. Một số người không đưa ra chính kiến của bản thân, đứng trước phải trái đúng sai thiện ác thì không phân biệt rạch ròi, lại tự gọi đó là “dĩ hòa vi quý”.

Kỳ thực mặc dù Khổng Tử giảng rằng “Lễ chi dụng, hòa vi quý”, nhưng cũng lại giảng rằng người quân tử “hòa mà không đồng”, kẻ tiểu nhân “đồng mà không hòa”. Người có đạo đức cao thượng là có chủ kiến của bản thân mình, đồng thời lại có thể rộng lượng với người khác. Kẻ tiểu nhân dễ bị ảnh hưởng bởi người khác, bảo sao hay vậy, a dua nịnh hót, bề ngoài là hòa thuận mà thực ra là vì tư tâm, một khi có xung đột về lợi ích thì sẽ không thể hòa thuận được nữa.

Khổng Tử lại giảng: “Quân tử hòa nhi bất lưu”, tức là quân tử hòa thuận, khoan dung đối đãi người khác nhưng không mù quáng tuân theo. Người xưa xưng những người có tu dưỡng, có phẩm chất đạo đức cao thượng là người quân tử và rất tôn kính họ, nhưng cũng có yêu cầu tương ứng. “Quân tử thành nhân chi mĩ, bất thành nhân chi ác”, người quân tử giúp người làm việc tốt, không giúp người làm việc ác. Do đó chữ “Hòa” này lấy lương tri làm chuẩn tắc, đó mới là bản chất cốt lõi của chữ “Hòa”.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: