Trong xã hội cổ đại, người xưa vô cùng coi trọng chữ Lễ. “Lễ” được coi là một phạm trù bao hàm cả đạo đức lẫn pháp luật. Khi là quy chế pháp luật, nó gìn giữ kiến trúc xã hội. Khi là quy phạm đạo đức, nó là tiêu chuẩn và yêu cầu về mặt hành vi của tất cả mọi người. Nhưng trên hết, chữ Lễ được coi là biểu hiện phép tắc của Trời đất tại xã hội con người.

Nội hàm thâm sâu của chữ Lễ trong văn hóa truyền thống
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Trên thế gian này vạn sự vạn vật đều có quy luật, quy luật vận hành ấy là không chịu sự khống chế của con người. Luật vận hành của nguyên tử, phân tử, luật vận hành của trời đất, bốn mùa, luật vận hành của thiên thể vũ trụ. Bản thân con người cũng có sinh, lão, bệnh, tử. Đó chính là những quy luật mà con người không thể tránh né. Còn có những quy luật cao hơn ảnh hưởng đến sinh mệnh của con người, như luật nhân quả, thiện ác hữu báo, lại là điều con người chỉ có thể mặc khải mà không thể chứng minh rõ ràng bằng khoa học hiện hữu.

Bởi vì mọi sự vật đều có quy tắc, nên con người sinh sống trong xã hội cũng tất phải có quy phạm. Đây chính là Lễ. “Tả truyện” viết rằng: “Lễ dĩ thuận thiên, thiên chi đạo dã”, Lễ là thuận theo Trời, là Đạo của Trời vậy.

Lễ chính là biểu hiện phép tắc của trời đất tại xã hội con người. Lễ là mốc giới để phân định sự mông muội và văn minh. Lễ quy phạm nghiêm khắc về trật tự xã hội và mối quan hệ tôn ti trên dưới. Lễ còn là phép tắc của quốc gia.

Ba bộ trước tác kinh điển thời xưa miêu tả về Lễ là “Chu Lễ”, “Lễ Nghi”, “Lễ Ký” đã có được vị thế vững chắc trong văn hoá Á Đông. Chữ Lễ bao hàm sự kính sợ sâu sắc của nhân loại trước trời đất, vũ trụ. Lễ giúp con người tìm kiếm đức hạnh, truy cầu sự hài hoà, kỳ vọng và khoan dung với bản thân, kỳ vọng về một cuộc sống tốt đẹp, coi trọng và bồi đắp tình cảm, thẩm mỹ và điều tiết trật tự của xã hội.

Trong “Tả Truyện – Chiêu Công nhị thập ngũ niên” có viết: “Lễ chế là chuẩn tắc trên từ vua dưới cho đến thứ dân đều phải tuân theo, là đạo lý không cần phải luận bàn giữa trời đất. Chúng sinh phải dựa vào nó mà sinh tồn, không có Lễ chế thiên hạ sẽ đại loạn.”

Trong hệ thống mà Khổng Tử đề xướng thì “Lễ” gắn liền với “Nhân”, giữa chúng không có sự tách biệt. Khổng Tử nói: “Nhân nhi bất nhân, như lễ hà?” ý rằng người không có lòng Nhân thì Lễ mà làm gì?

Khổng Tử chủ trương dùng đức trị quốc: “Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ”, tức là lấy đức dẫn dắt, lấy Lễ để ổn định lòng dân.

Đến thời kỳ Chiến Quốc, Mạnh Tử lại đem “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí” làm quy phạm đạo đức căn bản. Chữ Lễ là thể hiện của lòng khiêm tốn và trở thành một trong những đức hạnh được coi trọng của con người. Ông cho rằng, “Lễ” là yếu tố khiến cho mỗi một người sang quý hay bần tiện, lớn hay nhỏ có được vị trí thỏa đáng của mình trong xã hội.

Trong lịch sử phương Đông mấy nghìn năm, “Lễ” luôn là quy phạm đạo đức, là chuẩn tắc của cuộc sống con người trong xã hội. Nó có tác dụng vô cùng quan trọng trong việc tu dưỡng đạo đức tinh thần của con người. Đồng thời, Lễ còn duy trì trật tự xã hội, điều chỉnh quy phạm và chuẩn tắc về quyền lợi, nghĩa vụ và mối quan hệ xã hội giữa người với người.

Khổng Tử cả đời dùng Thi, Lễ, Nhạc để giáo huấn, dạy bảo học trò của mình. Trong “Luận ngữ” có 34 chỗ Khổng Tử luận về chữ Lễ. Và trong những lời bàn này, chữ Lễ có tầm quan trọng và ảnh hưởng vô cùng to lớn.

Dù là thời xưa hay thời nay, người có lễ nghĩa, hiểu biết và tuân thủ lễ nghĩa, vẫn luôn được coi trọng, được mọi người đề cao. Chữ Lễ dẫu không còn có vị thế cao trong lòng xã hội đại chúng hiện đại, nhưng người ta cũng phát hiện ra rằng giai tầng xã hội càng cao thì càng nhiều phép tắc, càng gần với Lễ. Giới chủ lưu ở một số quốc gia của cả phương Đông và phương Tây đều bảo tồn khá nguyên vẹn văn hóa truyền thống, đặc biệt là một số phương diện lễ nghi thời cổ.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời nghe radio: