Kê lễ (Lễ cài trâm) là lễ thành niên của nữ nhân thời xưa, một lễ lớn, một nghi thức quan trọng đối với phụ nữ trong văn hóa truyền thống. Nó là đường ranh giới phân định người phụ nữ từ giai đoạn tuổi thơ bước sang giai đoạn trưởng thành, đồng thời khiến họ có cái nhìn nghiêm túc về những trách nhiệm phải gánh trên vai của một người phụ nữ trưởng thành.

Nội hàm văn hóa trong lễ thành niên của nữ nhân thời xưa
(Tranh minh họa: Họa sĩ Tôn Uẩn, Wikipedia, Public Domain)

Trong lịch sử, Kê lễ bắt đầu từ thời nhà Chu. Trong “Lễ ký” viết: “Nữ tử thập hữu ngũ nhi cấp”, ý nói thời cổ đại con gái đến tuổi 15 thì thành nhân, đã có thể cử hành Kê lễ hay Cấp lễ. Cấp là một cây trâm. Trong Kê lễ, người bề trên sẽ gỡ kiểu tóc thời thơ ấu của cô gái ra và vấn tóc lại rồi dùng cây trâm cài lên.

Khi chưa thành niên, nữ tử thời xưa thường chia tóc thành hai bên trái phải và búi lại, tạo thành hình dạng giống như chữ nha (丫). Chính vì thế, nữ nhân chưa thành niên thường được gọi là Nha đầu. Lưu Vũ Tích thời nhà Đường viết trong “Ký tặng tiểu phiền”: “Hoa diện nha đầu thập tam tứ, xuân lai xước ước hướng nhân thì”, ý tứ là thiếu nữ tuổi mười ba, mười bốn đang độ tuổi xuân thì, mặt đẹp như hoa.

Sau khi hoàn thành “Kê lễ”, nữ nhân sẽ không để tóc như trước nữa mà búi tóc lại. Vì thế, mọi người nhìn vào là có thể biết ngay cô gái này đã là người trưởng thành và có thể xuất giá thành thân. Sau Kê lễ, người bề trên cũng sẽ chọn cho cô gái một cái tên tự để đại biểu cho sự trưởng thành. Trong “Hồng Lâu Mộng”, khi Giả Bảo Ngọc hỏi Lâm Đại Ngọc rằng: “Muội muội có tên tự là gì?”, Lâm Đại Ngọc đáp rằng: “Muội không có tên tự”. Như vậy có thể thấy, Lâm Đại Ngọc lúc đó vẫn chưa làm lễ thành nhân, hẳn là chưa đến 15 tuổi.

Thuận theo thân phận khác nhau mà nghi thức Kê lễ có những sự khác biệt. Nghi thức Kê lễ của các công chúa trong hoàng cung sẽ được tổ chức rất long trọng. Trong “Tống sử. Chí” ghi chép rằng, Kê lễ của công chúa được tổ chức trong cung điện, Hoàng đế sẽ đích thân đến tham dự. Công chúa không chỉ cài thêm một cây trâm mà con cài thêm nhiều trang sức khác, cao quý như mũ phượng… Sau Kê lễ, công chúa sẽ bái kiến phụ quân, sau đó nhận những lời chúc phúc từ Hoàng hậu và Phi tần. Công chúa cũng phải cung kính nghe theo lời huấn: “Sự thân dĩ hiếu, tiếp hạ dĩ từ, hòa nhu chính thuận, cung kiệm khiêm nghi, bất dật bất kiêu, vô bí vô khi” (ý tứ là đối với người thân phải hiếu, người dưới phải nhân từ, nhu hòa kính thuận, cung kính, tiết kiệm, khiêm tốn, lễ nghi, không kiêu căng, không chỉ trích, không lừa dối).

Vậy Kê lễ được tổ chức vào thời gian nào? Theo Hoàng lịch, ngày 1 tháng 1 là Tết năm mới, ngày 2 tháng 2 là ngày Long Sĩ Đầu (Rồng ngẩng đầu), còn ngày 3 tháng 3 là ngày cổ nhân tổ chức Lễ trưởng thành cho nữ tử. Ngày 3 tháng 3 được gọi là Tết Thượng Tị, hay còn gọi Tết Nữ nhi, Tết Hoa đào. Ngày 3 tháng 3 đã là mùa xuân rực rỡ với trăm hoa đua nở. Mọi người đều thích dạo chơi ngắm cảnh cỏ cây tươi tốt, buổi tối lại tắm bằng nước lá thơm để tẩy rửa những điềm xui xẻo.

Trong văn hoá Trung Hoa, việc cử hành Kê lễ cho nữ nhân không chỉ đơn thuần là một nghi thức mà điều quan trọng hơn chính là trước khi tổ chức buổi lễ, nữ nhân phải học hỏi rất nhiều tri thức và kĩ năng mà một người phụ nữ trưởng thành cần phải nắm vững.

Bởi vì xã hội cổ đại, đều là đàn ông làm ruộng còn phụ nữ dệt vải, đàn ông chủ ngoại còn phụ nữ chủ nội, nên những kiến thức mà hai giới phải học cũng hoàn toàn khác nhau. Vào thời Tây Chu, nam tử 8 tuổi đã bắt đầu đi học, phân làm hai cấp tiểu học và đại học. Trong đó, tiểu học là học những kĩ năng nhỏ nhặt trong cuộc sống như cách quét nhà, cách đối đáp, tới lui… Sau đó lên đại học thì bắt đầu học tu dưỡng đạo đức thông qua các kiến thức về “thành ý chính tâm”, hay cả đời người cần phải sống như thế nào.

Ngoài ra, nam tử cũng cần phải học lục nghệ của người quân tử, bao gồm lễ nhạc xạ ngự thư số. Tức là người nam tử phải nắm vững sáu môn học, bao gồm: lễ nghĩa, âm nhạc, bắn cung, cưỡi ngựa, thư tháp và toán học. Nếu ở độ tuổi thiếu niên đã nắm vững các kiến thức và kỹ năng này, đợi đến đủ 20 tuổi, họ sẽ tổ chức Quán lễ, đại biểu rằng bản thân đã thực sự trưởng thành có thể thành thân và gánh vác trách nhiệm với gia đình, dòng tộc và đất nước.

Còn nữ tử thời xưa ngay từ khi còn chưa làm lễ thành niên cần phải học tập về nội trị, cách tề gia nội trợ, quản lý việc trong gia đình, giúp chồng, dạy dỗ con cái. Trong sách “Lễ Ký. Nội tắc” viết rằng: Các thiếu nữ từ sau mười tuổi không được tùy tiện ra khỏi cửa, cần phải giáo dưỡng ở khuê phòng, có phó mẫu (nữ gia sư) đến nhà dạy bảo sao cho cử chỉ dịu dàng, lễ độ, dung mạo đoan trang. Ngoài ra họ còn phải học cách dệt vải, may áo, xe sợi và rất nhiều quy tắc về hiến tế điển lễ.

Có thể nói, những kiến thức mà nữ nhân cần tìm hiểu là nhiều nhưng cơ bản là bốn yếu tố “công, dung, ngôn, hạnh”. Nữ nhân khi đã nắm vững được những kiến thức cơ bản này thì sẽ có thể cai quản tốt việc gia đình sau khi thành thân. Vì vậy, đây là điểm vô cùng quan trọng mà nữ nhân thời xưa ai cũng phải học qua.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: