Một trong những đặc trưng của Sài Gòn-Chợ Lớn rất thân thuộc với mọi lứa tuổi là những xe nước sâm bán vỉa hè. Không khó để có thể bắt gặp một xe nước sâm như vậy ở bất cứ hang cùng ngõ hẻm nào trên đường phố Sài Gòn. Ngày nay, người ta châm nước sâm vào những chai nhựa có nắp đậy như chai nước suối rồi bỏ vô thùng đá bằng nhựa, khi bán kèm theo ống hút nhựa cho người mua dễ uống. Một chai như thế thường chỉ có 10 nghìn vừa rẻ vừa mát. Đi đường trời nắng gắt khô cổ thì cứ tấp vô lề làm chai nước sâm bảo đảm tỉnh người và sảng khoái.

Nước sâm bà què và nước sâm Lý Thiết Quải
Chiếc xe đẩy màu xanh nhỏ gần cổng là xe bán nước sâm. Đường Triệu Quang Phục cạnh ngã tư Nguyễn Trãi – Triệu Quang Phục. (Ảnh: Thoixua.vn)
Nước sâm bà què và nước sâm Lý Thiết Quải
Cận cảnh xe bán nước sâm ở đường Triệu Quang Phục, Chợ Lớn năm 1970. (Ảnh: Thoixua.vn)

Ngoài nước sâm nấu bằng rễ tranh, mía lau và củ năng truyền thống, có chỗ còn bán thêm nước sâm bông cúc, sâm rong biển, sâm củ sen và nước nha đam. Tuy nhiên, những xe nước sâm này để kiếm lời, người ta bỏ quá nhiều đường hóa học khiến cho nước sâm có vị ngọt gắt chứ không phải là vị ngọt thanh của các loại thảo mộc.

Tại sao gọi là nước sâm trong khi thành phần nguyên liệu không có lát sâm nào? Sâm có lúc đắt như vàng thì làm gì có chuyện nước sâm nấu bằng củ sâm lại bán giá bèo như thế. Trà nhân sâm của Mỹ loại bột trong từ gói nhỏ pha với nước nóng uống mùi vị hoàn toàn khác với nước sâm bán ngoài đường. Điều này thật ra cũng giống với trường hợp món sâm bổ lượng, vớt từng món trong ly sâm bổ lượng ra đếm: hạt sen, nhãn nhục, táo tàu, bo bo, củ sen, phổ tai nhưng tuyệt nhiên không thấy miếng sâm nào.

Người Quảng Đông gọi các loại nước uống có nguồn gốc thảo mộc dùng giải nhiệt là “t-chíng lòeng t-chà” (thanh lương trà) hay gọi tắt là “lòeng t-chà” (lương trà) có nghĩa là “trà làm mát người”. Món chè “sâm bổ lượng” nếu đọc đúng phải là “t-chíng pủ lỏeng” (thanh bảo lương) (vừa bổ vừa mát). Người Việt không đọc được chuẩn chữ “t-chíng” (thanh) nên gọi trại ra rồi từ từ tam sao thất bản thành “sâm”. Chính vì thế hai món “nước sâm” “sâm bổ lượng” dù không có miếng sâm nào cũng nghiễm nhiên được gọi là sâm như nhân sâm Cao Ly hay nhân sâm Hoa Kỳ sang chảnh.

Chiếc xe nước sâm gắn liền với ký ức của tôi những năm tháng ở Chợ Lớn. Cách nhà tôi hai căn là một gia đình cũng là người Quảng Đông bán nước sâm. Mấy đứa nhỏ trong khu gọi xe nước sâm đó là “nước sâm bà què” vì người vợ bị liệt hai chân còn ông chồng thì gầy nhom, cao lêu nghêu như cây sậy. Vậy mà hai người cũng có tới 3-4 đứa con với nhau. Những năm 80-90, những chiếc xe nước sâm được làm bằng có hai thùng nhôm cách nhiệt để đựng nước sâm, chỉ cần bỏ nước đá vào thùng để giữ lạnh là được. Nước sâm hồi đó không đóng chai như bây giờ mà múc ra ly. Khách tới mua thì múc từ trong thùng ra ly cho khách uống tại chỗ chứ không mang về. Tôi bị nghiện nước sâm bà què vì nước sâm bà nấu rất thơm và ngọt vừa phải, uống rất đã khát. Mỗi lần chạy chơi mệt người đầm đìa mồ hôi, tôi lại chạy vào nhà xin bác tôi 200 đồng để uống nước sâm.

Mê nước sâm bao nhiêu thì tôi lại sợ món nước đắng bấy nhiêu. Các xe nước sâm người Hoa trong Chợ Lớn ngoài nước các loại nước sâm (mía lau rễ tranh, bông cúc, rong biển) còn bán thêm một loại nước màu đen thui như cà phê đen và đắng… gấp mười lần cà phê đen. Mỗi khi uống xong một ly nước đắng, người bán nước sâm thường khuyến mãi thêm cho khách hàng một ly nước sâm nhỏ để cho giải đắng. Nghe nói nước đắng giải nhiệt và chữa viêm họng rất hay. Những người bị nóng trong người, mặt nổi mụn cũng thường cắn răng uống nước đắng tuần vài lần để trị mụn. Có lần tôi bị bệnh, ho hoài không dứt, mẹ tôi mua một ly bắt tôi uống. Tôi nhắm mắt nhắm mũi uống, tự dặn lòng là nuốt một cái thật nhanh vào bụng chứ không ngậm trong miệng, mà chỉ cần một ngụm thôi là tôi gần như phun ra hết. Trên đời tôi chưa bao giờ nếm thứ gì đắng như thế. Cái đắng của nước đắng không chỉ đắng khi uống mà vẫn kéo dài sau đó cả tiếng đồng hồ. Tôi nhớ là sau khi uống xong ngụm nước đắng đó tôi lập tức ngậm ngay viên kẹo mà vẫn không hết đắng. Thậm chí tới giờ ăn cơm tôi ăn cái gì vào miệng cảm giác đắng nghét ấy vẫn còn nguyên không hề suy suyển. Đó là lần đầu tiên và lần cuối cùng tôi uống nước đắng trong đời.

Mặc dù các xe bán nước sâm chủ yếu là bán sâm lạnh có thêm đường để giải khát, người lớn tuổi thường thích uống nước sâm nóng ở nhà tự nấu và múc ra bát sứ vừa thổi vừa uống từ từ. Ba tôi thường mua bông cúc khô về nấu nước uống bỏ thêm đường phèn hoặc nấu chung với la hán quả hoặc mua hạ cô thảo, bắc tử thảo nấu chung với mứt bí. Trà hoa cúc thì uống nóng uống lạnh có đường hay không đường gì tôi cũng thích vì mùi thơm dịu đặc trưng của hoa cúc khô. Khi uống trà hoa cúc tôi thường vớt luôn xác hoa cúc ăn để tận hưởng vị thơm của hoa. Nhưng sau này mỗi lần mua hoa cúc về nấu nước uống, tôi không còn ăn xác hoa nữa vì không hiểu sao xác hoa cúc nấu nước xong lại có vị chua khó chịu, không còn thơm như trước nữa. Còn la hán quả thì tôi lại không ưa tí nào. Trái la hán bên ngoài nhìn giống quả chanh dây nhưng vỏ rỗng, phần cơm quả màu nâu rất ít và bám sát vào hạt. Khi nấu nước uống, người ta thường bóp vỡ lớp vỏ bên ngoài rồi cho cả vỏ lẫn quả vào nước nấu. Nước la hán quả có màu nâu và vị ngọt hơi nhẫn nhẫn. Ngoài cách nấu bằng trái la hán khô, người ta còn bán la hán quả dạng viên cô đặc như viên súp chỉ cần chế nước sôi vào khuấy cho tan là uống được. Ở Chợ Lớn vẫn có một số nơi bán nước sâm nóng như thế.

Hồi nhỏ tôi nhớ có một tiệm bán nước sâm nóng nằm trên đường Trần Hưng Đạo B, góc Tản Đà. Điểm gây chú ý của tiệm bán nước sâm này là trước cửa tiệm có một hồ lô rất to và một bức tượng bằng sứ được điêu khắc rất tinh xảo của một nhân vật có bề ngoài khá giống với Đạt Ma Sư Tổ nhưng nhỏ con hơn, tay chống gậy sắt có một bầu hồ lô treo trên đầu gậy. Sau này tôi mới biết tượng này không phải là Đạt Ma Sư Tổ mà là Lý Thiết Quải, một nhân vật thần thoại trong Bát Tiên. Vì bị tật ở chân nên ông phải chống một cây gậy sắt để đi lại còn bầu hồ lô treo trên đầu gậy dùng để chứa tiên đơn giúp người bệnh tật. Nước sâm ở tiệm này mắc gấp mấy lần loại nước sâm bán ở các xe vỉa hè vì nghe nói toàn nấu bằng những dược liệu quí. Tuy nhiên vì nước nấu bằng thuốc bắc và không bỏ đường nên mùi vị không hề dễ chịu đối với những người chưa quen uống.

Sau này tiệm nước sâm Lý Thiết Quài dẹp cho thuê mặt bằng bán điện thoại di động nhưng ở gần đó buổi tối lại có một xe nước sâm cũng bán nước sâm nóng và rót ra chén sứ kiểu này. Trên xe cũng để một bầu hồ lô to nhưng được sơn vàng chóe còn tượng Lý Thiết Quải thì không còn thấy nữa. Nước sâm của xe này bán được chia làm ba loại: sâm 24 vị, sâm mát gan và sâm thanh nhiệt với công dụng của từng loại nước được ghi rõ ràng trên bảng cho người uống tham khảo. Xe nước sâm không có bàn ghế gì. Người mua cứ ngồi trên xe của mình mà cầm bát vừa thổi vừa uống, vậy mà lúc tối nào cũng có rất đông người uống. Không biết giữa chủ xe nước sâm đó và chủ tiệm nước sâm Lý Thiết Quải khi xưa có liên quan gì với nhau không chứ nước sâm của hai nơi đều có mùi vị rất giống nhau.

Giờ đây, mỗi khi có dịp đi về khu Chợ Lớn, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những tuyến đường Trần Hưng Đạo-Nguyễn Trãi để vô thức tìm những chiếc xe nước sâm bằng inox có ghi cả chữ Hoa lẫn chữ Việt như tìm lại một phần ký ức của tuổi thơ ngày ấy.

Huỳnh Chí Viễn (Giáo viên, Dịch giả)
Đăng lại từ bài viết cùng tên trên Facebook
Vien Huynh

Xem thêm:

Mời xem video: