Chắc hẳn những ai đang làm cha làm mẹ đều đồng cảm với tôi rằng cho dù cha mẹ là ai, làm nghề gì, có hoàn cảnh kinh tế thế nào thì nuôi dạy con vẫn luôn là thử thách lớn lao. Là một người bố có ba con nhỏ (đứa lớn nhất mới chuẩn bị vào học tiểu học), tôi cảm nhận thấy rất rõ những thử thách to lớn đó hàng ngày.

Nuôi dạy con là thử thách và cũng là hạnh phúc của cha mẹ
(Ảnh minh họa: A3pfamily, Shutterstock)

Sống ở đô thị lớn, nhịp sống chảy trôi mạnh mẽ, hối hả, lại không có người giúp việc và ông bà ở cùng, hai vợ chồng tôi phải làm tất cả mọi việc nhà và tự tay chăm sóc ba đứa con. Vô vàn việc không tên và luôn ở trong tình trạng “luôn chân luôn tay”.

Tuy nhiên, đối với vợ chồng tôi, những người xuất thân từ nông thôn, đã từng trải nghiệm tuổi thơ nghèo khó và trong thời sinh viên phải vừa học vừa làm, chuyện làm việc nhà, chuyện thức khuya dậy sớm không phải là vấn đề gì lớn lao. Vấn đề lớn nhất với vợ chồng tôi là khi bận rộn tối mặt vì công việc và chăm sóc con như vậy, làm sao để mình không trở nên mất bình tĩnh, dễ nổi nóng và cư xử đúng mực, hợp lý, có cân nhắc sư phạm đối với các con.

Đây quả là vấn đề nan giải.

Bản thân tôi đã từng có thời gian dài làm giáo viên, lại là người nghiên cứu về giáo dục tuy nhiên phải thú nhận thành thật rằng không ít lần tôi đã nổi nóng với lũ trẻ. Lý do thì có lẽ bố mẹ nào cũng hình dung ra được, nó rất muôn hình vạn trạng: bọn trẻ nghịch đổ nước hoặc sữa lung tung ra sàn nhà, chạy nhảy nô đùa ầm ĩ quá mức, ném đồ chơi vào nhau, tranh giành đồ chơi rồi gào khóc, không chịu mặc quần áo để đi học, đòi đọc sách hay chơi mãi không chịu ngủ…

Khi căng thẳng bởi công việc hay các mối quan hệ ngoài xã hội, khi mệt mỏi bởi việc nhà quá nhiều, khi có mâu thuẫn, cãi cọ với người bạn đời, cha mẹ hay nổi cáu với bọn trẻ. Lời nói khi nổi giận thường là những lời nói vượt thoát khỏi sự kiểm soát của lý trí và thường là những lời không mấy đẹp đẽ. Người Việt xưa thật thông thái khi tổng kết ngắn gọn “Cả giận mất khôn”.

Mỗi khi quát mắng con xong, ngồi suy ngẫm, trong lòng tôi lại tràn ngập sự hối hận để rồi sau đó một thời gian, tôi lại lặp lại sai lầm cũ.

Trong bối cảnh ấy, tôi được mời dịch cuốn “Những từ ngữ làm cho trẻ hạnh phúc” của Tanaka Shigeki, tiến sĩ tâm lý kiêm bác sĩ, chuyên gia tư vấn. Ngay từ lần đọc đầu tiên trước khi bắt tay vào dịch, cuốn sách đã làm cho tôi cảm thấy nhẹ nhõm như trút đi một gánh nặng trong lòng. Tôi có cảm giác mình được giải phóng ra khỏi chính mình. Hóa ra ngay cả những người có chuyên môn rất sâu như tác giả Tanaka Shigeki cũng có những phút giây hành xử với con thiếu kiềm chế. Đọc cuốn sách này, tôi hiểu rằng việc tự ý thức về điểm yếu của bản thân để giải phóng bản thân ra khỏi “nỗ lực cố gắng làm siêu nhân” từ đó thoải mái với việc nuôi dạy con là cực kì quan trọng.

Không chỉ vậy, với lối viết nhẹ nhàng, pha trộn chút hài hước, kèm các ví dụ cụ thể rút ra từ việc nuôi dạy con của chính ông cũng như các ca tư vấn lâm sàng mà ông đã từng đảm nhận, ông đã đưa ra những gợi ý cho các bậc cha mẹ nên nói như thế nào trong các tình huống cụ thể để không làm tổn thương con, tổn thương mình và làm cho gia đình hạnh phúc.

Lời nói có sức mạnh phi thường ở cả phương diện tích cực và tiêu cực. Một lời động viên, một lời khuyên, một lời bày tỏ sự cảm thông đúng lúc có thể làm cho người nghe có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn, nghịch cảnh hoặc cũng có thể đẩy họ ngã không gượng dậy được. Đối với trẻ em, sự tác động từ lời nói của những người có quyền uy lớn như bố mẹ càng lớn.

Khi đọc “Những từ ngữ làm cho trẻ hạnh phúc” và nhìn lại việc nuôi dạy con của bản thân mình rồi suy ngẫm chắc hẳn nhiều cha mẹ, giống như tôi sẽ giật mình. Những từ ngữ tiêu cực chúng ta đã lỡ miệng nói với con khi mất kiểm soát sẽ lần lượt hiện ra trong đầu. Sự phản tỉnh ấy sẽ là cơ hội để chúng ta sửa đổi. Khi đó những gợi ý của tác giả trong cuốn sách này sẽ là những tham khảo quan trọng.

Ở ý nghĩa đó, tôi nghĩ, cuốn sách sẽ có ích cho các ông bố, bà mẹ người Việt chúng ta. Riêng cá nhân tôi, khi gấp cuốn sách lại, tôi nhớ nhất một câu của tác giả Tanaka Shigeki viết trong cuốn sách khi ông nhắc nhở về chuyện nuôi dạy con: “những người làm cha mẹ không được quên rằng: đấy ‘không phải là việc phải làm’ mà đó là trải nghiệm đỉnh cao, là hạnh phúc của cha mẹ”. Đối với tôi, đây giống như một câu thần chú để tôi đọc thầm ở trong đầu mỗi khi cảm thấy yếu lòng hoặc có cảm giác mất kiểm soát trong cuộc sống hàng ngày bên những người con.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Nguyễn Quốc Vương
Hà Nội, 13.12.2020

Lời giới thiệu cho cuốn sách “Những từ ngữ làm cho trẻ hạnh phúc”
Tác giả: Tanaka Shigeki
Dịch giả: Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm:

Mời xem video: