Cổ nhân có câu: “Đắc nhất tri kỷ, khả dĩ bất hận”, nghĩa là ở đời có được một người tri kỷ thì không còn ân hận gì nữa. Tuy nhiên mấy ai sống hết một kiếp nhân sinh mà có thể tìm cho mình được một người tri kỷ?

Chuyện xưa: Ở đời có một tri kỷ thì không còn gì phải ân hận
(Tranh minh họa: Thời Thanh, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Thời Xuân Thu, vị tể tướng nổi tiếng nhất của nước Tề là Quản Trọng. Ông phò tá Tề Hoàn Công, giúp cho nước Tề hùng bá một phương. Quản Trọng có một người bạn từ thuở hàn vi tên là Bảo Thúc Nha.

Nhà Bảo Thúc Nha giàu có hơn nhà Quản Trọng. Khi chưa ra làm quan, hai người cùng nhau buôn bán, mỗi lần chia tiền lãi, Quản Trọng thường lấy phần hơn. Bằng hữu của hai người đều bất bình nói rằng Quản Trọng thật tham lam. Nhưng Bảo Thúc Nha lại vui vẻ nói: “Các vị không hiểu rồi, gia cảnh nhà Quản Trọng đang lúc quẫn bách, huynh ấy còn có cha mẹ già cần phải phụng dưỡng, lấy nhiều tiền lãi hơn là điều đáng làm.” Việc này truyền đến tai Quản Trọng khiến ông vô cùng cảm động.

Quản Trọng ở bên ngoài thường bị lắm kẻ nạt dọa, ức hiếp mà không nói một lời phản kháng. Mọi người cười chê, cho rằng Quản Trọng nhu nhược, hèn nhát. Nhưng Bảo Thúc Nha lại lên tiếng bênh vực bạn là người khoan dung.

Quản Trọng và Bảo Thúc Nha từng cùng nhau ra chiến trường. Quản Trọng thường lui về phía sau, biểu hiện tựa như không có chút dũng cảm nào. Thậm chí khi thu quân về thì Quản Trọng cũng thường đi trước. Điều này khiến mọi người thấy bất bình. Biết chuyện này, Bảo Thúc Nha đã nói với mọi người: “Quản Trọng có nguyên nhân khó nói, cha mẹ huynh ấy đã già rồi, chỉ có một người con trai, lấy ai phụng dưỡng cha mẹ già?”

Sau này Quản Trọng nhiều lần ra làm quan nhưng cũng bị miễn chức nhiều lần vì biểu hiện không tốt. Bảo Thúc Nha khi biết việc này đã nói với mọi người: “Chỉ vì vận khí không tốt, chưa gặp thời mà thôi. Những việc đó không thích hợp để Quản Trọng làm.”

Sau này, Quản Trọng phò tá công tử Củ, Bảo Thúc Nha phò tá công tử Tiểu Bạch. Nước Tề loạn, không vua. Công tử Củ và công tử Tiểu Bạch được tin liền lên đường về nước.

Quản Trọng truy đuổi công tử Tiểu Bạch, bắn một phát tên, công tử Tiểu Bạch giả chết. Quản Trọng tưởng giết được công tử Tiểu Bạch rồi nên quay về nói đoàn người của công tử Củ đi chậm lại. Công tử Tiểu Bạch về nước Tề trước, lên ngôi vua, tức Tề Hoàn Công. Tề Hoàn Công yêu cầu nước Lỗ giết công tử Củ. Hai người đi theo công tử Củ là Thiệu Hốt và Quản Trọng. Thiệu Hốt vì công tử Củ chết đã tự sát theo, còn Quản Trọng không tự sát nên bị giam lại.

Sau khi lên ngôi, Tề Hoàn Công gọi Bảo Thúc Nha đến, yêu cầu Bảo Thúc Nha làm tể tướng phò tá mình an bang trị quốc. Không ngờ Bảo Thúc Nha đã khảng khái từ chối, còn tiến cử Quản Trọng làm tể tướng, khẳng định rằng chỉ có Quản Trọng mới có tài năng giúp vua thực hiện đại nghiệp.

Tề Hoàn Công nói: “Người này bắn ta một tên, làm sao có thể dùng hắn được? Đợi hắn về đây, ta sẽ cho xé hắn ra trăm nghìn mảnh”.

Bào Thúc Nha đáp: “Vì công tử Củ, ông ta đã bắn quân vương, bây giờ nếu quân vương trọng dụng ông ấy, ông ấy sẽ vì quân vương mà bắn cả thiên hạ”.

Tề Hoàn Công nghe lời khuyên, đã bỏ qua thù hận, giả đón Quản Trọng từ nước Lỗ về để báo thù, xong lại phong làm tể tướng. Quả nhiên về sau này, dưới sự phò tá của Quản Trọng, nước Tề ngày một cường đại và hưng thịnh hơn.

Người ta chê Quản Trọng không giữ được khí tiết như Thiệu Hốt. Nhưng Thúc Nha lại nói: “Quản Trọng thờ Tề Hoàn Công không phải vô sỉ, mà là người không câu chấp những tiểu tiết thường tình.” Sau này, để Quản Trọng có thể tiến xa hơn nữa trong quan trường, Bảo Thúc Nha thậm chí còn xin lui về ở ẩn. Tề Hoàn Công khi biết được tình bạn tri kỷ của hai người họ cũng hết sức cảm động.

Thiên Hiến Vấn của sách Luận ngữ có ghi lại việc Tử Lộ thỉnh giáo Khổng Tử, nhắc lại chuyện Thiệu Hốt tự sát còn Quản Trọng thì không. Tử Lộ hỏi: “Quản Trọng vậy không được coi là người có nhân chăng?”

Khổng Tử đáp: “Vua Tề Hoàn Công nhiều lần triệu tập họp chư hầu mà không dùng binh lực. Đó là nhờ công sức của Quản Trọng, như thế còn ai nhân bằng?

Đó chính là Quản Trọng còn theo đuổi lý tưởng lớn lao hơn một ngôi vua – liên minh chư hầu tránh dùng vũ lực gây chiến tranh, là người theo đuổi đạo nhân. Vì thế Khổng tử đánh giá cao công trạng của Quản Trọng, Triệu Hốt chỉ được tiếng trung, không thể sánh bằng.

Trong thiên Hiến Vấn, Khổng Tử cũng bình về Quản Trọng: “Con người này ư? Vua nước Tề lấy ấp Biền có ba trăm nhà của Bá Thị thưởng công cho Quản Trọng. Bá Thị phải ăn uống đạm bạc suốt đời mà không hề oán hận”. Quản Trọng có thể khiến người khác nghèo khổ mà vẫn không oán không hận, đủ biết tầm vóc của ông trong lòng người khác lớn đến thế nào.

Sau này, Quản Trọng nghe được những lời Bảo Thúc Nha nói về mình, cảm thán: “Sinh ra ta, nuôi ta lớn là cha mẹ. Nhưng hiểu ta chỉ có một Bảo Thúc Nha mà thôi.”

Trong cuộc sống này, trăm năm tri kỷ khó tìm, tri âm khó gặp, bạn hiền khó quen. Người thật sự biết được mình, hiểu mình, đồng cảm với mình chính là tri kỷ. Người tri kỷ sẽ chẳng đợi mình phải tỏ bày mà đã hiểu hết nỗi lòng, chẳng đợi mình lên tiếng mà đã có thể mỉm cười tâm giao. Những bậc đại trí đại tài thì lại càng ít người hiểu họ, càng ít người tri kỷ, như Quản Trọng làm nên nghiệp lớn, cũng đều là nhờ sự “tri ngộ” của Bảo Thúc Nha.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: 3 điều đại kỵ cần tránh phạm phải trong cuộc đời