Mấy lần chuẩn bị bầu cử Tống thống Hoa Kỳ gần đây đều mang đến cho người viết rất nhiều suy ngẫm về sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ, về sự đối lập giữa tiền, quyền và lợi ích của người dân, về giới tinh hoa và những người bị gán nhãn dân túy, về các giá trị thủ cựu và những tư tưởng “thức tỉnh” hiện đại. Và mỗi lần như vậy, người viết lại thấy bộ phim đạt Oscar 2017, La La Land, mang đến một liên tưởng hết sức sinh động.

Oscar 2017: La La Land và văn hóa đại chúng

Trong những giải thưởng điện ảnh lớn thì có lẽ chỉ có Oscar được cho là giải thưởng của văn hóa đại chúng (pop-culture hay popular-culture). Chẳng thế mà, những bộ phim được vinh danh ở các giải thưởng lớn khác như Cành cọ vàng tại Cannes, Sư tử vàng tại Venice, v.v. đôi khi lại thua lỗ vì không hề đến được với khán giả. Còn những bộ phim tham dự Oscar thì lại có doanh thu ngoạn mục, tăng trưởng 300% so với thời điểm trước khi được đề cử. Sức mạnh của giải thưởng Oscar nằm ở đó.

Luôn có một câu trả lời khác biệt khi người ta đặt câu hỏi về các bộ phim tham dự Oscar: Ai “sẽ thắng” và ai “nên thắng”? Đó cũng là điều từng ám ảnh La La Land của Damien Chazelle.

Oscar 2017: La La Land và văn hóa đại chúng
Một cảnh trong phim La La Land.

La La Land (Tên tiếng Việt: Những kẻ khờ mộng mơ) là một bộ phim mang âm hưởng nhạc kịch lãng mạn, kể về câu chuyện giữa một một anh chàng nhạc công ngớ ngẩn muốn phục hưng nhạc Jazz là Sebastian, và nữ diễn viên Mia đang vật lộn trên con đường tìm kiếm danh vọng. Họ đến với nhau trên con đường tìm kiếm giấc mơ, và cổ vũ nhau để hoàn thành giấc mơ của riêng mình. Họ “nguyện” sẽ yêu nhau trọn đời, nhưng vẫn “cam kết” sẽ theo đuổi giấc mơ của bản thân. Tất nhiên, đặt lên trên hết là một câu hát vang lên giữa lòng Hollywood:

“City of stars
Are you shining just for me?”

“Thành phố của những ngôi sao
Phải chăng các bạn đang chiếu sáng chỉ vì tôi?”

“City Of Stars”, câu hát vang lên giữa lòng Hollywood:

Người ta cảm thấy lãng mạn vì Seb và Mia đến với nhau khi sự nghiệp của họ đang xuống dốc. Và người ta cảm thấy hụt hẫng khi họ rời xa nhau một cách chóng vánh, mặc dù đã là động lực để mỗi người có thể đến được với thành công. Rồi hai mảnh đời xa lạ lại gặp lại nhau ở cuối phim, để giả tưởng về một quãng đời khác, nơi cả hai đang sống hạnh phúc trong âm hưởng từ những nốt nhạc tình yêu đã vang lên suốt những thăng trầm của cuộc sống giữa lòng Hollywood.

La La Land xuất hiện trong ánh hào quang của giới truyền thông chủ lưu, với nhiều “đánh giá 5 sao” của các nhà phê bình. Và số tiền bán vé thu về đã gấp hơn 10 lần ngân sách (30 triệu USD) bỏ ra để làm phim. Kỷ lục của La La Land sơ sơ là 7 giải Quả cầu Vàng, 5 giải Bafta, và 14 hạng mục Oscar được đề cử. Dù cuối cùng nó không nhận được giải phim hay nhất, nhưng không ai có thể phủ nhận được việc La La Land là tâm điểm của Oscar 2017.

4 31
La La Land nhận được rất nhiều lời tán thưởng của giới phê bình và giới truyền thông.

Thế nhưng, đằng sau những hào quang ấy là khoảng trống bởi câu hỏi muôn thuở của văn hóa đại chúng: “Liệu một bộ phim nên đạt giải vì nó phù hợp với đại chúng nhất, hay bởi vì nó là tốt nhất?”

Điều thú vị là ở chỗ: Nếu Sebastian là một người có thật, thì anh ta sẽ là người đầu tiên buộc tội La La Land vì đã làm mai một ánh hào quang của nhạc kịch chính thống. Còn nếu Mia không phải là hư cấu, thì cô hẳn sẽ khẳng định rằng La La Land là một bộ phim nhạc kịch dành cho những kẻ ít am hiểu về nhạc kịch.

Nhà phê bình David Cox đã cho La La Land là một thảm họa và lấy ra rất nhiều dẫn chứng cho sự ích kỷ của các nhân vật trong phim:

“Khi Sebastian đến nhà đón Mia, anh bấm còi xe inh ỏi thay vì bấm chuông. Mặc kệ hàng xóm bị phiền lòng, Sebastian mới là cái rốn của vũ trụ. Khi Mia tìm kiếm Sebastian trong rạp chiếu phim, cô đã đứng chắn ngay màn hình. Tất nhiên rồi, Mia mới là quan trọng nhất chứ không phải những khán giả đang ngồi trước mặt cô.”

Oscar 2017: La La Land và văn hóa đại chúng
Cảnh phim Mia tìm Seb, bất chấp việc làm phiền các khán giả đang xem phim.

Người ta nói La La Land ít tính nhân văn, vì cả Seb và Mia đều chạy theo danh vọng và mang hoài bão lớn chứng tỏ cái tôi của mình. Nhưng tất nhiên, La La Land không phải là một “thảm họa” bởi vì không phải ai cũng là nhà phê bình như David Cox. La La Land vẫn được đại chúng đón nhận và đồng cảm, có lẽ là bởi vì bộ phim phản ánh rất thật nội tâm của chính chúng ta trong bối cảnh nền văn minh tinh thần của nhân loại đang tụt dốc. La La Land đã bốc đúng “cái bệnh” của tất cả mọi người.

La La Land công chiếu (8/2016) khá gần với cơn sốt “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ở Việt Nam (10/2015). Dù hơi khập khiễng, nhưng chúng ta có thể ví von rằng: Việc La La Land làm đại chúng nức lòng trên thế giới, cũng giống như việc “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” làm giới trẻ Việt Nam say mê. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh duy mỹ, nhưng lại không theo quy tắc hội họa”, đó là nhận xét của họa sĩ thiết kế Vũ Huy nổi tiếng làng phim Việt qua những bộ phim như “Người Mỹ thầm lặng” hay “Đêm hội Long Trì”.

Oscar 2017: La La Land và văn hóa đại chúng
Quần áo giống kiểu của người Hà Nội mặc thời bao cấp trong khi phim ghi bối cảnh là miền Trung năm 1989 – “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã mắc khá nhiều lỗi về điện ảnh như ánh sáng, trang phục, dẫn dắt, văn hóa vùng miền v.v.

Văn hóa đại chúng lên ngôi, nhưng đi kèm với nó là sự xuống dốc của nhiều thứ. Ở Việt Nam, người ta nói nhiều về căn bệnh đấu tố trên mạng, nó đã trở thành một trào lưu đại chúng mà những người trí thức có thể tổng hợp để viết thành sách. Ở nước ngoài, kể cả giới truyền thông chủ lưu và các nhà phê bình cũng không thể đưa ra cái nhìn khách quan về một bộ phim, nói gì đến một sự kiện. Không chỉ bởi vì nó là văn hóa đại chúng, mà còn bởi vì văn hóa đại chúng dễ bị lợi dụng.

Hãy lấy một sự việc nóng hổi bên lề Oscar 2017 làm ví dụ. Báo chí đưa tin rằng: Oscar 2017 đã tăng giá quảng cáo vì được dự đoán sẽ thu hút gấp đôi lượng người xem do công chúng trông chờ và muốn biết các ngôi sao sẽ phát biểu gì về “thảm họa Tổng thống Mỹ Donald Trump”.

Trong con mắt của rất nhiều người, vị cựu Tổng thống này được ví như một kẻ độc tài và vấp phải rất nhiều chỉ trích của những người tự cho là “trân trọng tự do kiểu Mỹ”. Dường như chỉ một vị Tổng thống Mỹ xấu xí sẽ đáng tin hơn là việc toàn bộ giới truyền thông chủ lưu của Mỹ đang đưa tin phiến diện. Khi bộ máy tư pháp của một đất nước (được cho là tự do nhất) được sử dụng để “bắt nạt” người sẽ tranh cử, khi bộ máy truyền thống được sử dụng để định hướng dư luận, thì chúng ta đang hy vọng về điều gì? Kỳ thực ông Trump chưa hẳn là rất tốt, nhưng giới truyền thông chủ lưu chưa hẳn đã là kẻ đang nói thật.

1 2
Bức họa “Lie Lie Land – Mảnh đất dối trá” chỉ là một trong rất nhiều cách truyền thông Mỹ sử dụng để hạ nhục cựu tổng thống Trump.

Hãy thử trích đoạn bài viết “Khác biệt giữa công cụ tuyên truyền và truyền thông đại chúng” của ông Đường Bách Kiều, một trong những lãnh đạo sinh viên trong phong trào sinh viên đòi dân chủ tại Thiên An Môn Trung Quốc năm 1989:

Trong tám năm, những cơ quan truyền thông này đưa phu nhân Michelle của Obama lên tận mây xanh, dường như chưa bao giờ chê bai bà ấy. Tạp chí People nổi tiếng còn đánh giá bà ấy là người phụ nữ đẹp nhất trên thế giới. Bà ấy có thật sự đẹp như thế không? Bất kể bà ấy mang trang phục như thế nào cũng luôn được tung hô rầm rộ rằng cách ăn mặc của bà ấy đã tao nhã lại duyên dáng. Trong khi phu nhân Melania của Trump xuất thân là một siêu mẫu lại thường xuyên bị những cơ quan truyền thông này chê bai giễu cợt về cách ăn mặc. Một lần bà Melania mang bộ trang phục có nơ bướm thì New York Times đăng bài nhận định bà ấy kháng nghị Trump vì những ngôn từ khiếm nhã đối với phụ nữ. Họ còn tìm ra một điển cố về nơ bướm, đại khái là có liên quan đến phong trào nữ quyền; một lần khác bà Melania mang một cái váy dài mà trông từ phía trước gần giống như cái khăn quàng cổ, New York Times lại gán ghép khiên cưỡng rằng đây là cái nơ bướm khổng lồ, đồng thời nhận định chắc nịch bà ấy thể hiện bất mãn đối với Trump qua cách biểu hiện khó hiểu. Đây đúng là nói năng bừa bãi cẩu thả!

Dường như người ta đã quên mất rằng, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm đó, giới truyền thông Mỹ đã liên tục đưa tin sai sự thật, để rồi cả thế giới phải bất ngờ khi Donald Trump giành chiến thắng. Vậy thì ngày nay điều gì đang diễn ra? Và hãy thử hỏi ngược lại một chút: Vì sao họ làm vậy? Đứng đằng sau họ là ai?

Người viết từng đọc được trong một cuốn sách lời nhận xét đại loại rằng: “Mỹ không phải là một nước đa đảng, mà là một nước độc đảng – Đảng tiền quyền”. Có thật như vậy không? Người viết không nghĩ vậy, nhưng lời nhận xét đó lại không hoàn toàn là vô lý. Có một điều thế này, La La Land được phiên dịch tựa đề là “Những kẻ khờ mộng mơ“, và dường như không chỉ là cặp đôi Seb – Mia đang mơ mộng trong một vở nhạc kịch, mà chúng ta cũng đều đang sống trong những màn kịch thật giả khó lường.

Quang Minh

Xem thêm:

Mời xem video: