Trải qua 50 năm làm quan, Phạm Công Trứ đã đề ra nhiều chính sách làm thay đổi bộ mặt Đàng Ngoài, chấn chỉnh từ quan đầu triều cho đến muôn dân trăm họ.

Phạm Công Trứ: Vị Tể tướng giúp ổn định Đàng Ngoài
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Khoa thi năm Mậu Thìn 1628, Phạm Công Trứ vượt qua các kỳ thi Hương, thi Hội, lọt vào thi Đình và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Sau đó ông trải qua 50 năm làm quan, phò tá cho 5 đời vua Lê, 2 đời chúa Trịnh, ghi lại rất nhiều dấu ấn ở Đàng Ngoài.

Việt Nam Sử lược ghi nhận rằng:

“Về thời Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương làm chúa, thì ông nào cũng hết lòng lo việc trị dân, và lại nhờ có những người tôi giỏi như Phạm Công Trứ, Nguyễn Công Hãng, v.v.đều hết sức giúp đỡ, cho nên sửa sang được nhiều việc, nước được yên trị.”

Phạm Công Trứ được vua Lê và chúa Trịnh trọng dụng, được đánh giá là người có năng lực và đức độ, sau này làm đến chức Tể tướng. Ông đã tạo ra nhiều thay đổi để chấn chỉnh triều đình Đàng Ngoài.

Khi còn làm Đô ngự sử, Phạm Công Trứ cùng Tham tụng Dương Trí Trạch dâng tấu trình về việc quy định phẩm chất và trách nhiệm của các quan văn võ, gắn quyền lợi và trách nhiệm của quan viên, lại phân rõ trách nhiệm kiểm soát qua lại giữa các cơ quan, giúp hệ thống quan lại vận hành tốt hơn nhằm thực hiện chức trách của mình.

Năm 1665, Phạm Công Trứ giao cho Ngự sử đài kiểm tra các Nha môn và phát hiện nhiều sai phạm của các quan đại thần, từ đó mà có cuộc thay đổi triệt để, đây là sự việc rất lớn ảnh hưởng đến Đàng Ngoài, giúp giữ nghiêm phép nước, kẻ làm quan lấy đó làm tấm gương, bậc sĩ phu từ đó mà có niềm tin hơn.

Phạm Công Trứ cũng ban hành “Lê triều giáo hóa điều luật”, dùng Nho gia chấn chỉnh từ triều đình cho đến địa phương, từ quan lớn cho đến muôn dân trăm họ, giúp Đàng Ngoài thời kỳ này ổn định.

Về kinh tế, Phạm Công Trứ còn cho ban hành phép Ngũ lượng thống nhất đơn vị đo lường, nhằm tiện lợi trao đổi mua bán hàng hóa.

Về phong tục, ông đề ra những quy định yêu cầu nam nữ phải ăn mặc theo đúng phong tục truyền thống. Ngoài ra ông cũng nhiều lần tấu xin ban hành lệnh cấm hút thuốc nhằm giữ gìn sức khỏe và tránh các tệ nạn trong xã hội.

Trong suốt 50 năm làm quan, dù trải qua các chức vụ khác nhau, nhưng ở chức vụ nào Phạm Công Trứ cũng không chỉ làm tốt mà còn để lại được dấu ấn của mình. Hơn nữa do được chúa Trịnh Tạc tín nhiệm nên các đề xuất của ông đều được nhà Chúa đồng ý để trị an, người đương thời xem ông là vị Tể tướng tốt.

Suốt nửa thế kỷ làm quan, Phạm Công Trứ đã làm thay đổi bộ mặt Đàng Ngoài, ghi được dấu ấn của mình. Đánh giá về ông, sử gia Phan Huy Chú nhận định rằng:

“Ông là người thâm trầm giản dị, chắc chắn… đặt ra phép tắc, sửa soạn kỷ cương, đè nén những kẻ cậy thế nhũng lạm, yêu chuộng những người có phong cách tiết tháo, được đời khen là bậc tể tướng tốt. Ông lại ham đọc sách, đến già vẫn không mỏi. Có đức tốt, có danh vọng, công lao sự nghiệp là bậc hiền tể thứ nhất sau đời Trung hưng”.

Lê Quý Đôn xếp Phạm Công Trứ vào hàng “tài phẩm” nghĩa là vừa có tài năng và phẩm hạnh, tức là vừa có đức, vừa có tài. Trong “Kiến văn tiểu lục” cũng ghi lại 2 câu chuyện về tài phá án của Phạm Công Trứ.

Bên cạnh đó, Phạm Công Trứ cũng là nhà thơ, nhà văn, ông quan niệm rằng “thi ngôn chí” tức làm thơ để thể hiện chí hướng của mình.

Khi có tuổi Phạm Công Trứ xin nghỉ về quê dạy học. Lứa học trò của ông đều đỗ đạt cao và đều là những kẻ sĩ có tài thời đấy như Đặng Công Chất, Nguyễn Công Bích, Đào Công Chính, Lê Hữu Danh, Lê Nhân Kiệt, Lê Sĩ Triệt, Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Viết Thứ.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: